G7 sẵn sàng hành động để duy trì sự ổn định tài chính, khởi động xây dựng chuỗi cung ứng

Ngày 13/5, các lãnh đạo tài chính của G7 cam kết sẽ có hành động thích hợp để đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính trong bối cảnh gia tăng lo ngại về nguy cơ khủng hoảng tài chính sau khi một loạt ngân hàng Mỹ phá sản.
G7 sẵn sàng hành động để duy trì sự ổn định tài chính
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G7 tại Niigata, Nhật Bản. (Nguồn: AFP)

Trong tuyên bố chung sau cuộc họp kéo dài ba ngày tại thành phố Niigata (Nhật Bản), các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G7 nhận định hệ thống tài chính vẫn có khả năng phục hồi, đồng thời cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan quản lý tiếp tục theo dõi các diễn biến trong ngành tài chính.

Tuyên bố chung nêu rõ các nước sẵn sàng thực hiện các hành động thích hợp để duy trì sự ổn định tài chính và khả năng phục hồi của hệ thống tài chính toàn cầu.

Đại diện các nước G7 cũng cho biết sẽ khởi động các nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng mạnh mẽ với các quốc gia đang phát triển vào cuối năm nay.

Tuyên bố cũng cho rằng các quốc gia G7 cần thực hiện linh hoạt chính sách kinh tế vĩ mô trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới ngày càng không chắc chắn.

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương G7 diễn ra từ ngày 11-13/5 tại thành phố Niigata, trước thềm hội nghị thượng đỉnh G7 vào cuối tuần tới tại thành phố Hiroshima.

Diễn ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn lao đao do tác động của đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột tại Ukraine, hội nghị được cho là cơ hội để các quốc gia G7 xây dựng tầm nhìn nhằm duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính.

Trước đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cuối tháng 4/2023 đã cho công bố Sách Be (Beige Book), một tài liệu cập nhật các diễn biến và đánh giá mới nhất về nền kinh tế số một thế giới.

Trong phiên bản cập nhật mới nhất của Sách Beige, giới chức Fed đánh giá nền kinh tế vĩ mô của Mỹ không có nhiều biến động trong thời gian qua, dù các tiêu chuẩn cho vay đang ngày càng siết chặt để ứng phó với nguy cơ bất ổn của ngành ngân hàng và quan ngại về tính thanh khoản.

Cuốn sách cho rằng dù khu vực ngân hàng đã bước đầu tránh được một cuộc sụp đổ dây chuyền, nhưng thị trường tài chính vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc. Nhiều ngân hàng khu vực của Mỹ báo cáo tình trạng nhu cầu vay vốn giảm trên diện rộng, tín dụng tiếp tục bị thắt chặt và tỷ lệ nợ quá hạn thế chấp tăng nhẹ.