Fed có thể tăng lãi suất 3 lần trong năm tới

Trong bối cảnh thị trường việc làm cải thiện, lạm phát trở thành thách thức lớn nhất hiện nay mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải đối đầu, chứ không phải là những thiệt hại kinh tế tiềm tàng từ biến thể Omicron đang lây lan nhanh. Và điều này được thể hiện qua những động thái chính sách mới nhất của Fed.
fed-co-the-1639704146.jpg

Thời kỳ siêu nới lỏng chính sách kết thúc

Kết thúc cuộc họp chính sách hai ngày 14-15/12, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) của Fed, thông báo giữ nguyên lãi suất ở 0 - 0,25%, tuy nhiên cũng đưa ra quyết định sẽ tăng tốc kế hoạch giảm chương trình mua tài sản (taper) để có thể kết thúc vào cuối tháng 3/2022 (như vậy là sớm hơn 3 tháng so với dự kiến đưa ra trong cuộc họp chính sách tháng 11 vừa qua), mở đường cho các đợt tăng lãi suất vào năm tới.

Cụ thể, trong tháng 11 Fed đã cắt giảm 15 tỷ USD trong chương trình mua vào tài sản 120 tỷ USD hàng tháng; tăng mức giảm lên 30 tỷ trong tháng 12 này và dự kiến sẽ tiếp tục nâng gấp đôi mức cắt giảm trong tháng 1/2022 lên 60 tỷ USD để tiến tới kết thúc vào tháng 3. Ngay sau đó, Fed có thể sẽ bắt đầu nâng lãi suất. Tất cả 18 nhà hoạch định chính sách của Fed đều đồng thuận sẽ có ít nhất một đợt tăng lãi suất vào cuối năm 2022. Các quan chức cũng dự đoán lãi suất trung bình của Fed cần tăng từ mức 0-0,25% hiện nay lên khoảng 0,9% vào cuối năm 2022; 1,6% vào năm 2023 và 2,1% vào năm 2024. Nếu lấy mức biên độ 0,25% cho mỗi lần tăng thì điều đó tương ứng với việc Fed có thể có 3 lần tăng lãi suất trong năm 2022; 2 lần trong năm 2023 và thêm 2 lần trong năm 2024.

Đáng chú ý, cụm từ “lạm phát chỉ là tạm thời” không còn được Chủ tịch Fed sử dụng nữa, dù dự báo lạm phát sẽ giảm nhanh trong các năm tới. Theo FOMC, những mất cân đối về cung-cầu liên quan đến đại dịch Covid quá trình mở cửa trở lại nền kinh tế vẫn là nguyên nhân chính khiến lạm phát tiếp tục đà tăng. Với lạm phát tháng 11 vừa lên mức cao nhất trong 39 năm, FOMC dự kiến lạm phát cả năm 2021 sẽ ở mức 5,3% (cao hơn đáng kể so với mức dự kiến 4,2% trong lần dự báo trước). Tuy nhiên, lạm phát năm 2022 dự kiến sẽ hạ nhiệt xuống mức 2,6% trong năm 2022; 2,3% năm 2023 và 2,1% vào năm 2024.

Bên cạnh đó, dù cho rằng ảnh hưởng của đại dịch, nhất là biến thể mới Omicron tới nền kinh tế vẫn còn song các rủi ro sẽ không quá lớn. FOMC hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay xuống mức 5,5% (so với mức dự báo tăng 5,9% đưa ra hồi tháng 9), nhưng tin tưởng tăng trưởng kinh tế sẽ đạt 4% trong năm tới (tăng so với mức dự báo 3,8% vào tháng 9).

Phát biểu tại cuộc họp báo ngay sau phiên họp chính sách vừa qua, Chủ tịch Fed Jerome Powell khẳng định: “Nền kinh tế không còn cần tăng thêm các hỗ trợ chính sách”. Chủ tịch Fed sau đó đã dành nhiều thời gian để “nhiệt tình” nói về sức mạnh của thị trường việc làm, cho rằng sự tăng trưởng việc làm đã diễn ra vững vàng trong những tháng gần đây với tỷ lệ thất nghiệp đã giảm đáng kể. "Theo quan điểm của tôi, chúng ta đang đạt được tiến bộ nhanh chóng để đạt được việc làm tối đa", ông Powell nói. Tỷ lệ thất nghiệp được dự báo sẽ giảm xuống còn 3,5% trong năm tới và sẽ giữ ở mức này trong các năm 2023 và 2024. Trong khi lạm phát duy trì đà tăng cao thì việc thị trường việc làm cải thiện (và dự báo cải thiện) sẽ là những yếu tố cần và đủ để thuyết phục các quan chức Fed đồng thuận trong điều chỉnh và chuyển hướng chính sách.

Liệu các “đồng nghiệp” có hành động tương tự?

Trước các quyết định và thông điệp mới nhất của Fed, liệu các NHTW lớn khác có hành động đồng thuận? Câu trả lời có thể rất rõ ràng chỉ trong vài giờ tới khi các NHTW Anh (BoE), NHTW châu Âu (ECB) và NHTW Nhật Bản (BoJ) cũng sắp có các cuộc họp chính sách quan trọng. Tuy nhiên theo nhận định của hãng tin Reuters, có lẽ chỉ có BoE sẽ có động thái mạnh nhất và có thể trở thành NHTW lớn đầu tiên tăng lãi suất tại cuộc họp chính sách hôm thứ Năm. Tuy nhiên, Vương quốc Anh cũng chính là nền kinh tế mà “xung đột” giữa biến thể Omicron và lạm phát vượt quá mục tiêu đang diễn ra rõ ràng nhất. Các NHTW còn lại nhiều khả năng sẽ do dự hơn khi quyết định chuyển hướng theo Fed.

Tỷ lệ nhiễm Covid-19 mỗi ngày của Anh hiện đang trở lại mức rất cao và buộc Thủ tướng Boris Johnson trong tuần này phải tham gia họp với các nhà lập pháp đối lập trong việc xem xét áp đặt các quy định hạn chế đi lại mới. Mặt khác, một dữ liệu gây sốc vào thứ Tư khi lạm phát tháng 11 tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 4,2% trong tháng 10 và gấp hơn 2,5 lần so với mức mục tiêu 2% của BoE.

Trong khi đó, các nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế không kỳ vọng sẽ có những điều chỉnh lớn nào trong tuần này từ ECB hoặc BoJ. Trong đó, ECB được dự báo sẽ là NHTW lớn hành động cuối cùng trong thắt chặt chính sách. Cuộc tranh luận sôi nổi hiện nay vẫn chỉ quanh việc liệu ECB có quay trở lại một kế hoạch kích thích đặc biệt hào phóng hay không. Sự thận trọng của ECB là dễ hiểu, bởi họ thà hành động chậm còn hơn quá sớm vì lo ngại một sự điều chỉnh chính sách sai lầm có thể gây ra hệ lụy trong nhiều năm. Hơn nữa, thực tế sự phục hồi của Khu vực đồng Euro cũng đang theo sau nhiều khu vực với dự kiến thị trường việc làm có thể mất hai năm nữa mới phục hồi. Do rủi ro hành động nhanh còn lớn hơn nhiều so với hành động chậm như vậy nên ECB nhiều khả năng chỉ thực hiện những bước nhỏ nhất để giảm dần kích thích bất thường đang có và dự kiến vẫn sẽ báo hiệu sự hỗ trợ dồi dào cho nền kinh tế trong cuộc họp chính sách vào tuần này.

Với Nhật Bản, khi lạm phát không bùng phát mạnh như ở các nước và khu vực khác nên có lẽ nếu có động thái nào được đưa ra tại cuộc họp chính sách của BoJ vào thứ Sáu này thì cũng chỉ liên quan đến việc mua tài sản doanh nghiệp. Tuy nhiên giới phân tích cho rằng, trong bối cảnh Fed có thể điều chỉnh chính sách sớm và mạnh mẽ hơn như vậy thì những biến động, thay đổi chính sách của các NHTW khác sớm muộn cũng xảy ra.

Hồng Quân

Thời Báo Ngân Hàng