dut-khoat-phai-huong-tin-dung-vao-5-linh-vuc-uu-tien-va-3-dong-luc-tang-truong-1690117381.jpg

Theo TS. Cấn Văn Lực, trong Nghị quyết của Chính phủ họp kỳ vừa rồi, rồi Công điện 644 đều đã chỉ rất rõ chúng ta phải định hướng kênh tín dụng vào những lĩnh vực nào, ngành nghề nào.

Một là dứt khoát phải vào 5 lĩnh vực ưu tiên, bao gồm xuất khẩu, nông nghiệp, công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ.

Thứ hai là tập trung vào 3 động lực tăng trưởng của nền kinh tế, có "trọng tâm, trọng điểm". Bây giờ những gì chúng ta đang xuất khẩu tốt, ta cần vốn thì phải bơm vốn ngay. Chúng ta có gói 15 nghìn tỷ với lâm thủy sản là như vậy. Và kể cả gạo, nếu như gạo chúng ta đang xuất khẩu tốt, cà phê xuất khẩu tốt, cần tiền thì sẵn sàng có những gói tín dụng mới.

Tiếp đến là lĩnh vực đầu tư, đặc biệt liên quan đến đầu tư xây dựng và bất động sản, trong đó có nhà ở xã hội hoặc là nhà ở. Thấy rất rõ là có những gói tín dụng đang ưu tiên cho lĩnh vực này.

Thứ ba là tiêu dùng. Thông điệp của Chính phủ rất rõ, bây giờ phải kích cầu tiêu dùng. Chúng ta linh hoạt và phù hợp điều kiện cho vay tiêu dùng. Bây giờ khâu tổ chức thực hiện như thế nào mà thôi.

Chính sách tiền tệ: Tập trung dòng vốn vào những ngành hàng tiềm năng

Chia sẻ quan điểm về điều chỉnh dòng vốn tín dụng, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng: "Thực ra mặt bằng lãi suất cũng là một câu chuyện, câu chuyện quan trọng nữa là khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp".

Theo ông, hiện nay sức khỏe của doanh nghiệp của nhiều ngành hàng đang là một vấn đề gay go, có nhiều yếu tố tác động đến thực trạng này. Trước hết là thị trường trong và ngoài nước, thị trường xuất khẩu hiện nay đối với một số ngành hàng đang giảm. Rõ ràng trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh cầm chừng với mức độ chiếm tỉ trọng tương đối so với nhiều năm ở mức độ trung bình thấp, hoặc là thấp thì rõ ràng nhu cầu vay vốn, khả năng vay vốn chắc chắn phải rất cân nhắc.

Từ nhận định trên, ông Đậu Anh Tuấn đồng ý với các chuyên gia là trong bối cảnh này, rõ ràng dòng vốn nên tập trung vào những ngành hàng đang tiềm năng, đang tăng trưởng tốt. Ngành hàng nào khả năng tăng trưởng còn cao thì phải nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường. Những gói tín dụng, dòng vốn tập trung vào những ngành hàng này là yếu tố rất quan trọng.

Trong bối cảnh ấy, các ngân hàng, ngành hàng cần chủ động, ngành hàng nào rất tiềm năng thì cần chủ động có chương trình hợp tác riêng với các ngân hàng, chủ động trong việc tìm kiếm các nguồn vốn phù hợp.

Thậm chí ngành hàng nào tiềm năng, không chỉ là nông lâm thủy sản, hoàn toàn có thể đề nghị hợp tác với Ngân hàng Nhà nước, có thể đề nghị Chính phủ có những chương trình, gói tín dụng riêng dành cho ngành hàng này. Đấy là điều hoàn toàn có thể thực hiện trong thời gian tới.

Doanh nghiệp Việt cũng cần tự cải thiện

Bên cạnh đó, để doanh nghiệp có thể sử dụng nguồn vốn tốt thì rõ ràng khả năng giải ngân, quản trị của doanh nghiệp rất quan trọng.

Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ nên khả năng hồ sơ sổ sách vay vốn cũng là một yếu tố rất quan trọng, cần cải thiện trong thời gian tới.

Một điều nữa là có nhiều doanh nghiệp cũng nói rất nhiều lần là hiện nay lãi suất là một chuyện, nhưng cũng có tình trạng một số ngân hàng thu qua các hình thức khác, qua phí, qua những ràng buộc khác, hợp đồng khác. Tình trạng này cũng cần rà soát và khắc phục trong thời gian tới.

Phát huy sự nhịp nhàng của chính sách

Điểm cuối cùng là để cho chương trình chuyển hướng chính sách tiền tệ tác động tốt nhất tới doanh nghiệp thì đồng bộ nhóm chính sách rất quan trọng.

Ông Tuấn dẫn chứng, chẳng hạn như chúng ta rất cố gắng để giảm lãi suất, chi phí vay nhưng ở đâu đấy vẫn có những chính sách làm tăng chi phí rất lớn, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn vốn của doanh nghiệp.

Hiện nay doanh nghiệp rất nhiều ngành hàng nói về vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng chậm, trực tiếp ảnh hưởng tới doanh nghiệp rất lớn về dòng vốn. Quốc hội vừa có Nghị quyết giảm 2% thuế VAT, đây là một nỗ lực rất lớn nhưng hiện nay với nhiều ngành hàng, một số cơ quan quản lý nhà nước đang rục rịch tăng phí, thu lại phí.

"Như vậy chúng ta phải phát huy sự nhịp nhàng của chính sách. Tôi cho rằng, cần quản trị tốt lĩnh vực này thì mới điều phối tốt, và cộng hưởng chính sách là điều rất quan trọng trong thời gian tới", ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.