Đủ kiểu kiếm tiền của hàng không: Thu 33 tỷ USD phí hành lý, 30 tỷ USD bán chỗ ngồi đẹp

Theo một báo cáo thường niên, 20 hãng hàng không hàng đầu thế giới đã thu về hơn 33 tỷ USD doanh thu từ phí hành lý vào năm ngoái.
du-kieu-kiem-tien-cua-hang-khong-thu-33-ty-usd-phi-hanh-ly-30-ty-usd-ban-cho-ngoi-dep-1708765172.jpg
Các hãng hàng không kiếm được 33 tỷ USD từ phí hành lý.

Doanh thu "khủng" từ hành lý

Theo báo cáo từ IdeaWorks và Car Trawler, con số 33 tỷ USD này chiếm khoảng 4,1% doanh thu hàng không toàn cầu vào năm 2023, đánh dấu mức tăng đáng kể 15% so với 29 tỷ USD mà các công ty thu được vào năm 2022 và vượt mức 32,9 tỷ USD doanh thu từ phí hành lý mà các hãng hàng không đạt được vào năm 2019, trước đại dịch Covid-19.

Phí hành lý, bao gồm tiền tính cho hành lý ký gửi, túi quá cân và trong một số trường hợp, đối với các hành lý xách tay vượt kích thước, từ lâu đã là một khoản thu nhập phụ đáng kể giúp các hãng hàng không bù đắp chi phí nhiên liệu ngày càng tăng.

Phí hành lý bắt đầu "như một nhu cầu kinh tế" khi các hãng hàng không tìm cách giải quyết sự tăng vọt giá nhiên liệu trong cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 2007 và 2008. Trong thời gian ngắn, các hãng vận tải lớn của Mỹ, trước đây cho phép 2 kiện hàng ký gửi cho mỗi giá vé, đã bắt đầu tính phí cho hành lý ký gửi đầu tiên.

Phí hành lý ngày càng tăng

Ngay sau khi dữ liệu được công bố, American Airlines thông báo phí hành lý cho các chặng nội địa Mỹ sẽ tăng tới 33%. Đối với các chuyến bay nội địa, phí 30 USD cũ cho hành lý ký gửi đầu tiên hiện là 35 USD nếu mua trực tuyến hoặc 40 USD nếu mua tại sân bay. Đây là mức tăng đầu tiên của hãng trong khoảng 6 năm.

Đây là động thái mới nhất trong một loạt đợt tăng phí giữa các hãng hàng không lớn. Vào tháng 1, phí hành lý của Alaska Airlines đã tăng thêm 5 USD, nâng chi phí lên 35 USD cho hành lý đầu tiên và 45 USD cho kiện hành lý thứ hai.

JetBlue Airways cũng tăng phí hành lý trong tháng này đối với những hành khách không lên kế hoạch trước. Hành lý ký gửi đầu tiên vẫn có giá 35 USD nếu khách hàng thanh toán 24 giờ trước khi khởi hành. Nhưng nếu khách hàng đợi đến trong vòng 24 giờ trước khi khởi hành để kiểm tra hành lý, phí sẽ tăng từ 40 USD lên 45 USD.

Chi phí chỗ ngồi cũng tăng

Trước đại dịch, phí hành lý chiếm phần lớn trong các khoản phụ phí. Tuy nhiên, trong cuộc khủng hoảng sức khỏe, nhiều hãng hàng không đưa ra phí để có chỗ ngồi tốt hơn, và nhiều hành khách sẵn sàng trả thêm tiền để có sự riêng tư và thoải mái hơn.

Báo cáo từ IdeaWorks và Car Trawler gợi ý rằng doanh thu phụ trợ của hãng hàng không từ phí chỗ ngồi giờ đây có thể ngang bằng với số tiền mà các hãng hàng không kiếm được từ phí hành lý, tức hơn 30 tỷ USD.

Đồng thời, các hãng hàng không truyền thống đã thu được một khoản doanh thu đáng kể từ phí gắn với số ghế được chỉ định.

Kiếm thêm tiền từ khách hàng thân thiết

Ngoài hành lý và chỗ ngồi, các hãng hàng không còn kiếm được rất nhiều tiền từ các chương trình khách hàng thân thiết.

IdeaWorks báo cáo rằng các hãng hàng không Mỹ như Alaska, American, Delta, Hawaiian, Southwest và United dẫn đầu trong danh mục phụ trợ này, chiếm 32% doanh thu phụ trợ toàn cầu và gần 68% doanh thu từ khách hàng thường xuyên và hoa hồng.

Các hãng hàng không của Mỹ đã mang về tổng cộng 37,8 tỷ USD phí bổ sung, trong đó các chương trình khách hàng thân thiết đóng góp 27,0 tỷ USD và các khoản phụ trợ khác chiếm 10,8 tỷ USD. Một phần đáng kể thu nhập này đến từ các chương trình thẻ tín dụng đồng thương hiệu.

Ví dụ, Delta Air Lines báo cáo doanh thu khách hàng thân thiết của họ đã tăng 22% vào năm ngoái so với năm 2022. Hãng hàng không này đã kiếm được 1,7 tỷ USD tiền hoa hồng thẻ tín dụng từ American Express cho quý IV và 6,8 tỷ USD trong năm 2023.

Thuỷ Bình