Theo dữ liệu của CoinMarketCap hôm 23/3, giá Bitcoin liên tục trồi sụt quanh mốc 42.000 USD/đồng trong vòng 24 giờ qua. Giá có thời điểm xuyên thủng ngưỡng 43.000 USD/đồng, đánh dấu mốc cao nhất trong vòng 3 tuần qua, rồi lao dốc xuống mức thấp trong ngày 41.800 USD/đồng.
Tính đến tối ngày 23/3, đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới được giao dịch quanh ngưỡng 42.200 USD/đồng, giảm nhẹ 1,74% so với 24 giờ trước đó. Tổng giá trị vốn hóa của toàn bộ thị trường tiền mã hóa cũng lao dốc 1,58% xuống còn 1.910 tỷ USD.
Giá Bitcoin bước vào đà tăng kể từ ngày 22/3. So với 7 ngày trước đó, đồng tiền này đã tăng giá gần 4%. Giá trị vốn hóa thị trường của Bitcoin đạt 802 tỷ USD.
Giá Bitcoin trở lại đà tăng hôm 22/3 khi các nhà đầu tư đổ tiền vào những tài sản rủi ro. Giá có thời điểm vượt ngưỡng 43.000 USD/đồng, mức cao nhất trong vòng 3 tuần qua. Ảnh: Reuters. |
Trở lại đà tăng giá
"Giá Bitcoin hưởng lợi khi các nhà đầu tư đổ tiền vào những tài sản rủi ro. Đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới đã xuyên thủng ngưỡng 42.000 USD/đồng, nhưng nhiều lần rơi xuống dưới mốc này", chuyên gia tài chính Craig Erlam tại UK & EMEA OANDA (có trụ sở ở London) bình luận với Zing.
Theo vị chuyên gia, đà tăng giá của Bitcoin kéo dài đến mức nào sẽ phụ thuộc vào việc "khẩu vị rủi ro" trên thị trường lớn đến đâu. Khẩu vị rủi ro là mức độ chấp nhận rủi ro của các nhà đầu tư.
Còn theo chuyên gia tài chính Edward Moya (có trụ sở ở Mỹ) tại hãng tư vấn OANDA, Bitcoin được giao dịch như một tài sản rủi ro trong nhiều tháng qua và một lần nữa hưởng lợi khi Phố Wall tăng điểm.
Theo vị chuyên gia, "khẩu vị rủi ro" trở lại khi áp lực quân sự và kinh tế ngày càng đè nặng lên Nga. "Điều này khiến các nhà đầu tư tin rằng đây sẽ không phải cuộc chiến dài hơi", ông Moya giải thích.
Liên minh châu Âu (EU) đang thảo luận về việc nối bước Mỹ cấm vận dầu khí Nga. Cùng với những lệnh trừng phạt bổ sung khác, điều này có thể đè nặng lên nền kinh tế Nga và ngân sách chiến tranh của Moscow.
Nói với Zing, ông cho rằng ngay cả việc lãi suất trái phiếu kho bạc tăng cao cũng không thể ngăn các nhà đầu tư mua những tài sản rủi ro.
"Giá Bitcoin đang trên đà vượt khỏi vùng 37.000-45.000 USD/đồng. Tuy nhiên, đồng tiền này vẫn cần một chất xúc tác lớn để vượt qua ngưỡng quan trọng 45.000 USD/đồng", ông Moya dự báo.
Một số lực cản
Tuy nhiên, đà tăng giá của Bitcoin cũng gặp phải một số lực cản. Một trong số đó là những bình luận cho rằng tiền mã hóa gây ra "lỗ hổng" trong hệ thống tài chính, tạo điều kiện cho Nga lách các biện pháp trừng phạt từ phương Tây.
Hôm 22/3, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cảnh báo một số nhà giao dịch Nga đã cố lách các lệnh trừng phạt của phương Tây bằng cách chuyển đồng RUB thành tiền mã hóa và stablecoin (tạm dịch: đồng tiền ổn định).
"Các tài sản mã hóa chắc chắn đang được sử dụng như một cách để lách những lệnh trừng phạt mà nhiều quốc gia trên thế giới nhắm vào Nga", bà Lagarde nhấn mạnh.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU nhằm hạn chế khả năng kinh doanh và giao dịch của Nga bằng đồng USD và những loại tiền tệ quốc tế khác. Các lệnh trừng phạt nhắm vào những ngân hàng lớn và giới thượng lưu của đất nước.
Điều đó dẫn đến những suy đoán rằng giới nhà giàu Nga có thể dùng tiền mã hóa để lách các đòn trừng phạt quốc tế. Tiền mã hóa thường được biết đến như một giải pháp thay thế những hệ thống tài chính truyền thống.
Tiền mã hóa gây lo ngại rằng sẽ tạo lỗ hổng trong hệ thống tài chính, giúp người Nga chuyển đồng RUB thành tiền mã hóa nhằm lách các lệnh trừng phạt từ phía phương Tây. Ảnh: Reuters. |
Thành viên Ban điều hành Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) Fabio Panetta cũng cho rằng tiền mã hóa có thể tạo ra một "lỗ hổng lớn" của hệ thống tài chính.
"Nguy cơ lạm dụng tiền mã hóa để lách các lệnh trừng phạt là một lời cảnh báo quan trọng. Nó cho thấy các thị trường cần phải tuân thủ những tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhất, bao gồm việc tiết lộ thông tin và chống rửa tiền", ông nhấn mạnh.
Tuy nhiên, điều này có thể đi ngược lại với mục đích ban đầu của tiền mã hóa, vốn có tính ẩn danh cao và không cần giao dịch thông qua bất cứ tổ chức tài chính trung gian nào.
Nhưng theo ông Jonathan Levin - đồng sáng lập công ty phân tích blockchain Chainalysis, không có bằng chứng nào cho thấy Nga hay Tổng thống Vladimir Putin sử dụng tiền mã hóa để né tránh các lệnh trừng phạt.
Theo ông, thị trường tiền mã hóa quá nhỏ để tạo điều kiện cho Nga lách các lệnh cấm.