Trong 24 giờ qua (từ 16h ngày 25/12 đến 16h ngày 26/12), Việt Nam ghi nhận 15.218 ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó 36 ca nhập cảnh và 15.182 ca ghi nhận trong nước (giảm 377 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 9.635 ca trong cộng đồng).

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.651.673 ca nhiễm, đứng thứ 31/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 16.749 ca nhiễm).

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay):: TP. Hồ Chí Minh (500.057), Bình Dương (290.163), Đồng Nai (96.827), Tây Ninh (70.594), Long An (40.083).

Covid-19 ở Việt Nam sáng 27/12:
Lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 tại Khu công nghiệp. (Nguồn: CDC Hà Nam)

Gần 1.900 ca mắc mới, 8 quận ở Hà Nội dừng bán hàng ăn tại chỗ

Tối 26/12, Sở Y tế cho biết, trong 24 giờ qua, Thành phố ghi nhận 1.887 ca dương tính mới, trong đó có 794 ca cộng đồng, 1.321 ca tại khu cách ly và 122 ca tại khu phong tỏa. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp Thủ đô ghi nhận trên 1.700 ca mắc mới mỗi ngày.

Một số quận huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (276); Đống Đa (166); Gia Lâm (145); Đông Anh (138); Ba Đình (138); Thanh Xuân (126); Long Biên (124); Tây Hồ (97); Sóc Sơn (79); Hoài Đức (78).

Hiện Hà Nội đã có 8 quận cấp độ 3 (vùng cam, nguy cơ cao). Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan diện rộng trong cộng đồng, tiếp sau quận Đống Đa và Hai Bà Trưng, từ 12 giờ ngày 26/12, UBND các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Tây Hồ đã yêu cầu các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ được phép bán hàng mang về, đóng cửa trước 21 giờ hàng ngày.

Công bố đánh giá cấp độ dịch trong phòng chống Covid-19 Hà Nội có thêm 6 quận chuyển từ "vàng" sang "cam" gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Tây Hồ. Cùng với hai quận Đống Đa và Hai Bà Trưng được đánh giá cấp độ 3 từ trước đó, 8/12 quận của thủ đô đã ở mức nguy cơ cao về dịch.

Hà Nam xuất hiện ổ dịch mới ở khu công nghiệp

Tối 26/12, CDC tỉnh Hà Nam công bố thêm 49 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó có 42 trường hợp liên quan đến ổ dịch tại Công ty Anam Electronics Việt Nam (Khu Công nghiệp Đồng Văn IV).

Giám đốc CDC Hà Nam Trương Mạnh Sức cho biết, ổ dịch này chưa rõ nguồn lây với gần 100 F0 là công nhân. Tuy nhiên, qua công tác truy vết cho thấy, công nhân đầu tiên nhiễm bệnh có dịch tễ đi đám cưới ở Hà Nội.

Luỹ kế trong đợt dịch mới từ ngày 19/9 đến nay, tỉnh Hà Nam ghi nhận 1.922 ca mắc Cpvid-19 đã được Bộ Y tế cấp mã. Trong số đó, 281 ca phát hiện tại các khu công nghiệp và 231 ca phát hiện tại các công ty, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp.

20 bệnh nền làm người mắc Covid-19 gia tăng mức độ nặng

Bộ Y tế vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc hướng dẫn quản lý, bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ mắc Covid-19.

Bộ Y tế cho biết hiện nay, tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới với các biến thể mới được ghi nhận có khả năng lây lan nhanh và gây nguy hiểm như Delta (B.1.617), Omicron (B.1.1.529).

Trong đó, nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao với mức độ bệnh tăng nặng và tử vong cao khi mắc Covid-19 là nhóm người trên 50 tuổi, người có bệnh nền, người chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ.

Theo Bộ Y tế, có 20 bệnh nền có nguy cơ cao khi mắc Covid-19, đó là: Đái tháo đường; Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và các bệnh phổi khác; Ung thư (đặc biệt là các khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi và bệnh ung thư di căn khác); Bệnh thận mạn tính; Ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu; Béo phì, thừa cân; Bệnh tim mạch (suy tim, bệnh động mạch vành hoặc bệnh cơ tim); Bệnh lý mạch máu não; Hội chứng Down; HIV/AIDS; Bệnh lý thần kinh (bao gồm cả chứng sa sút trí tuệ);

Bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh thalassemia, bệnh huyết học mạn tính khác; Hen phế quản; Tăng huyết áp; Thiếu hụt miễn dịch; Bệnh gan; Rối loạn do sử dụng chất gây nghiện; Đang điều trị bằng thuốc corticosteroid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác; Các bệnh hệ thống; Bệnh lý khác đối với trẻ em: Tăng áp phổi nguyên hoặc thứ phát, bệnh tim bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa di truyền bẩm sinh, rối loạn nội tiết bẩm sinh - mắc phải.

Bộ Y tế cũng hướng dẫn nhóm nguy cơ khác là người trên 50 tuổi; phụ nữ có thai.

CHU VĂN