Công ty TNHH TM DV Trí Tiến “phù phép” nho khô Ấn Độ thành nho khô Mỹ

Mới đây, lực lượng chức năng tỉnh Bình Dương đã tịch thu, lập hồ sơ xử lý Công ty TNHH TM DV Trí Tiến “phù phép” nho sấy khô Ấn Độ sang thương hiệu nho của Hoa Kỳ.

Theo đó, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường phối hợp với Công an thành phố Thủ Dầu Một, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương tiến hành kiểm tra Công ty TNHH TM DV Trí Tiến, địa chỉ tại số 17/20 đường ĐX 47, khu 4, phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, do bà Hoàng Thị Mỹ Nhung (SN 1985, trú tại phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) là người đại diện theo pháp luật.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện bà Nhung đang cho nhân viên tổ chức phối trộn 3 loại nho sấy khô có nguồn gốc (Ấn Độ sản xuất) để đóng hộp thành 159 thùng (1.908 hộp, loại 425gam/hộp) sản phẩm nho sấy khô mang nhãn hiệu Sunview Raisins (có nguồn gốc do Mỹ sản xuất).

Tại khu sản xuất phát hiện khoảng 40 kg nho đã được phối trộn để chuẩn bị đóng gói thành phẩm và nhiều thùng nho khô thành phẩm của nhiều hãng khác nhau.

Nho khô có nguồn gốc Ấn Độ được đóng gói thành nho khô giả nguồn gốc do Mỹ sản xuất. Ảnh tư liệu

Qua làm việc, bà Hoàng Thị Mỹ Nhung khai nhận do thấy nhu cầu của khách hàng đặt mua số lượng lớn sản phẩm nho sấy khô mang nhãn hiệu Sunview Raisins trong dịp Tết Nguyên đán năm 2024, nên bà Nhung đã mua nguyên liệu nho sấy khô có nguồn gốc từ Ấn Độ, đem về Công ty Trí Tiến để phối trộn, đóng gói thành sản phẩm nho sấy khô, mang nhãn hiệu Sunview Raisins, có nguồn gốc do Mỹ sản xuất, và bán ra thị trường trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, và bán hàng qua mạng xã hội từ tháng 10-2023 đến nay, để hưởng lợi nhuận.

Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ toàn bộ tang vật, phương tiện liên quan và bàn giao Công an TP. Thủ Dầu Một tiếp tục xác minh, làm rõ xử lý theo thẩm quyền.

Theo quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP, căn cứ vào mục đích của hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa, cá nhân có thể bị xử phạt hành chính về hành vi buôn bán hoặc sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa.

Về hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa đẻ buôn bán kiếm lời: bị phạt tiền ở mức thấp nhất là 1.000.000 đồng và mức cao nhất là 50.000.000 đồng tùy thuộc vào giá trị tương đương của hàng giả so với hàng thật hoặc số tiền thu lợi bất chính từ hành vi giả mạo nhãn hiệu (Điều 11 Nghị định);

Về hành vi sản xuất hàng hóa giả mạo nhãn hiệu: bị phạt tiền ở mức thấp nhất là 1.000.000 đồng và mức cao nhất là 50.000.000 đồng tùy thuộc vào giá trị tương đương của hàng giả so với hàng thật hoặc số tiền thu lợi bất chính từ hành vi giả mạo nhãn hiệu (Điều 12 Nghị định).

Xử lý hình sự: Giả mạo nhãn hiệu hàng hóa là hành vi vi phạm pháp luật, không chỉ xâm hại chế độ quản lý của Nhà nước trong hoạt động quản lý sản xuất, kinh doanh mà còn xâm phạm đến quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu được pháp luật sở hữu trí tuệ bảo vệ. Do đó hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong hai tội sau: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 192 BLHS) hoặc Tội xâm phạm quyền Sở hữu công nghiệp (Điều 226 BLHS).

An Nguyên