Chuyên gia lý giải lý do giúp Việt Nam thoát khỏi 'vòng xoáy' lạm phát thế giới

Tại Hội thảo "Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2022 và dự báo năm 2023" ngày 4/1, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính đã chỉ ra 3 lý do giúp Việt Nam thoát khỏi "vòng xoáy" lạm phát thế giới.
chuyen-gia-ly-giai-1672877883.jpg
Chuyên gia kinh tế dự báo năm 2023 lạm phát của Việt Nam nhích tăng nhẹ so với năm 2022, quanh mức 3,5%...(Nguồn: VnEconomy)

Theo PGS TS Nguyễn Vũ Việt, Phó Giám đốc Học viện Tài chính, kinh tế thế giới năm 2022 đã diễn ra với nhiều sự kiện bất ngờ. Cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine đã khiến cho giá các loại hàng hóa cơ bản trên thị trường thế giới tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm.

Đặc biệt là giá dầu thô, giá khí đốt tự nhiên và khí tự nhiên hóa lỏng, giá phân bón đã tăng mạnh nhất kể từ năm 2011, gây nguy cơ khủng hoảng an ninh năng lượng, lương thực, tạo áp lực lớn đến lạm phát toàn cầu. Ở nhiều nước phương Tây, lạm phát đã tăng lên mức trên/dưới 10%, cao nhất trong khoảng 30 – 40 năm trở lại đây.

Để kiềm chế lạm phát, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới tăng lãi suất với tần suất và tốc độ nhanh chưa từng thấy, kể từ thập niên 1980. Đồng USD cũng tăng giá tới 20% trong 9 tháng đầu năm 2022, khiến tình hình lạm phát trên toàn cầu trở nên trầm trọng hơn.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ, các bộ, ngành kịp thời ban hành nhiều giải pháp về tài khóa, tiền tệ, cũng như kiểm soát giá cả nhằm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng.

Lạm phát Việt Nam năm 2023 xoay quanh 3,5%

Lý giải lý do lạm phát tại Việt Nam thấp hơn so với các nước, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, cho biết thứ nhất nền kinh tế Việt Nam chưa phục hồi hoàn toàn. Mặc dù tốc độ tăng trưởng GDP trong năm 2022 đạt mức 8,02% nhưng tính trung bình giai đoạn 2020-2022 chỉ ở mức 4,52%, tức thấp hơn nhiều so với mức tiềm năng khoảng 6-6,5%.

"Điều này có nghĩa là nền kinh tế Việt Nam hiện nay còn nhiều công suất dư thừa. Do vậy, các doanh nghiệp không thể tăng giá mạnh, khi cung hàng hoá vẫn khá dồi dào. Đây là yếu tố kiềm chế giá cả của một số mặt hàng như lương thực, thực phẩm cũng như hàng tiêu dùng thiết yếu", ông Độ nhấn mạnh.

Thứ hai, mặc dù mặt bằng giá cả trong nền kinh tệ năm 2022 chịu tác động tiêu cực từ xu hướng giá xăng dầu, giá nguyên vật liệu trên thế giới tăng cao nhưng Việt Nam đã thực hiện một số biện pháp kiểm soát lạm phát nhập khẩu, bao gồm: ổn định tỷ giá USD/VND (chính sách tiền tệ) và giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu (chính sách tài khóa).

Lạm phát tràn lan định hình kinh tế thế giới năm 2022Lạm phát tràn lan định hình kinh tế thế giới năm 2022
Cụ thể, từ ngày 11/7/2022, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng và nhiên liệu bay chỉ còn 1.000 đồng/lít, đối với dầu diesel chỉ còn 500 đồng/lít và chỉ còn 300 đồng/lít đối với dầu hỏa, dầu mazut, dầu nhờn và mỡ nhờn.

Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2022, tỷ giá USD/VND cũng được kiểm soát với mức mất giá khoảng 2,2%, thấp hơn nhiều so với các đồng tiền khác trên thế giới và trong khu vực.

“Chinh sự thành công của chính sách tiền tệ trong việc kiểm soát cung tiền, lãi suất hợp lý có thể đảm bảo lạm phát dài hạn ổn định”, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính nhấn mạnh.

Nguyên nhân thứ ba dẫn đến lạm phát tại Việt Nam thấp hơn so với nhiều nước là Chính phủ đã thực hiện kiểm soát giá một số mặt hàng như dịch vụ y tế giáo dục và điển hình là giá điện.

"Việc tập trung vào các yếu tố chi phí đẩy chính là điểm khác biệt dẫn đến thành công của chính sách kiểm soát lạm phát tại Việt Nam so với nhiều nước khác trên thế giới trong năm 2022", ông Độ cho hay.

Cũng theo Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, một điểm khác biệt nữa là lạm phát tại các nước phát triển như Mỹ trên thực tế đã bắt đầu tăng tốc từ đầu năm 2021 khi các biện pháp giãn cách xã hội được gỡ bỏ và nền kinh tế phục hồi mạnh trở lại.

Trong khi đó, năm 2021 dịch bệnh Covid-19 cùng các biện pháp giãn cách xã hội khiến kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm và lạm phát cũng ở mức thấp. Cụ thể, lạm phát so với cùng kỳ vào tháng 12/2021 tại Việt Nam chỉ ở mức 1,81% còn tại Mỹ đã là 7,1%.

TS Nguyễn Đức Độ dự báo chính sách tiền tệ thận trọng trong năm 2022 cùng với nguy cơ kinh tế thế giới rơi vào suy thoái trong năm 2023 sẽ khiến áp lực lạm phát trong năm nay không quá lớn.

"Lạm phát so với cùng kỳ năm trước có khả năng đạt đỉnh vào tháng 1/2023 và sau đó sẽ quay trở lại mức trung bình của giai đoạn 2016 - 2022, khoảng 3%. Lạm phát trung bình năm 2023 được dự báo sẽ ở mức khoảng 3,5%", TS Nguyễn Đức Độ dự báo.


TS Ngô Trí Long cho rằng nhìn vào số liệu CPI bình quân năm trong 5 năm (2018-2022) thì thấy CPI biến động không nhiều và có xu hướng đi ngang.

"Trong khi đó, giá nhiên liệu, nhất là giá xăng dầu được dự báo sẽ hạ nhiệt trong năm 2023. Trung Quốc mở cửa nền kinh tế sau khi thực hiện Zero Covid, sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam vẫn đang phát triển khá tốt, GDP năm 2022 tăng 8,02% - là mức tăng cao nhất trong hơn 10 năm nay...Vì vậy, CPI bình quân năm 2023 so với năm 2022 nhiều khả năng sẽ duy trì ở mức 3,2 - 3,5%, dưới chỉ tiêu Quốc hội đề ra là hoàn toàn khả thi", PGS, TS Ngô Trí Long cho hay.

hoi-thao-1672877968.jpg
Toàn cảnh Hội thảo. (Nguồn: Báo QĐND)

Điều hành giá xăng dầu còn nhiều bất cập

Tại Hội nghị, các chuyên gia cũng đã chỉ ra hàng loạt bất cập trong điều hành giá xăng dầu hiện nay. Theo chuyên gia Phạm Minh Tâm (Đại học Kinh tế Quốc dân), qua một năm triển khai Nghị định số 95 và bối cảnh giá xăng dầu trên thị trường thế giới biến động rất mạnh đã bộc lộ bất cập.

Trong đó, quy định “thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu có tổ chức hệ thống phân phối xăng dầu phải bảo đảm ổn định mức dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu 20 ngày cung ứng” chưa phù hợp.

Bà Tâm kiến nghị nâng thời gian dự trữ xăng dầu lên 30 ngày. Đồng thời cho rằng, quy định về cách tính giá cơ sở khoản 28 Điều 1 Nghị định số 95 chưa hợp lý và kiến nghị sửa Nghị định 95 theo hướng giá cơ sở tính từ “giá xăng dầu thế giới do Bộ Công Thương xác định theo nguyên tắc tính bình quân theo số ngày có giá của 20 ngày trước kỳ công bố giá cơ sở của giá các sản phẩm xăng dầu giao dịch trên thị trường quốc tế.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú đánh giá, năm 2022 việc điều hành xăng dầu còn lúng túng, bị động, một số thời điểm chưa theo thị trường. Ông Phú đề xuất, năm 2023, các bộ ngành cần sớm đề xuất sửa đổi Nghị định 95/2021 về quản lý xăng dầu theo hướng tập trung đầu mối để tiện lợi trong việc điều chỉnh giá bán.

“Năm 2022 xảy ra tình trạng khi cần điều chỉnh cách tính giá xăng dầu , Bộ Công Thương và Bộ Tài chính nhiều lần chờ đợi ý kiến giữa 2 bên. Tôi đề xuất đưa xăng dầu về đầu mối Bộ Công Thương quản lý và lãnh đạo Bộ Tài chính cũng từng đề xuất như vậy.

Chúng ta cần có một 'nhạc trưởng' chỉ huy giá xăng dầu, tập trung về một đầu mối mới có thể điều hành nhanh chóng. Bên cạnh đó, dự trữ xăng dầu của Việt Nam mới đạt 5-7 ngày, cần phải tăng dự trữ xăng dầu nhiều hơn và xác định đây là mặt hàng dự trữ quan trọng thứ 2 chỉ sau lúa gạo”, ông Phú kiến nghị.

Chuyên gia Nguyễn Minh Anh (Đại học Bryan, Hoa Kỳ) đã đưa ra dự báo 3 kịch bản cho giá xăng dầu thế giới và hàm ý chính sách với Việt Nam.

Kịch bản 1 , giá dầu thô ổn định ở mức 60 USD/thùng, Việt Nam cần khai thác giữ ổn định kinh tế vĩ mô.

Kịch bản 2 , giá dầu thô dưới 60 USD/thùng, Việt Nam nên tăng tích trữ xăng dầu bằng cách đầu tư xây bể chứa dầu quy mô lớn. Đồng thời tranh thủ cơ hội nhập khẩu lượng dầu lớn nhằm tăng dự trữ dầu mỏ quốc gia lên 6-9 tháng hoặc dài hơn để sẵn sàng ứng phó biến động.

Kịch bản 3 , giá dầu thô vượt 60 USD/thùng hoặc tăng tới 100 USD/thùng, Việt Nam cần chuyển đổi cơ bản cơ cấu năng lượng và tăng công suất sản xuất dầu để tránh tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Các loại máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, đi lại sử dụng dầu làm nhiên liệu có thể thay thế bằng điện, năng lượng tái tạo khác. Đây là kịch bản có khả năng xảy ra cao nhất.