Chuyên gia: Kinh tế tuần hoàn mở đường cho nhiều mô hình kinh doanh mới

Phát triển kinh tế tuần hoàn giúp phá vỡ cách kết nối cũ như trên, tạo nên mô hình vừa phát triển kinh tế mà không gây ô nhiễm môi trường. Kinh tế tuần hoàn được cho là sẽ mở ra cơ hội, tạo nhiều giá trị cho nhiều mô hình kinh doanh mới.
kinh-te-tuan-hoan-1668389513.jpg
Ảnh: minh họa

Đây là thông tin được đưa ra tại tọa đàm "Phá vỡ bí ẩn kinh tế tuần hoàn" do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp với Dự án Sáng tạo khởi nghiệp SKC của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức.

Tại tọa đàm, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP. HCM cho biết, kinh tế tuần hoàn đang được xem như một trong những công cụ giúp các quốc gia và vùng lãnh thổ hướng đến phát triển bền vững.

Trong phát triển kinh tế luôn có những tác động tiêu cực nhất định đến môi trường và đời sống con người, nên càng ngày càng nhiều nước hướng đến kinh tế tuần hoàn để hỗ trợ cân bằng phát triển hài hòa giữa kinh tế và môi trường, thậm chí còn tạo ra những giá trị mới.

"Tất cả những mô hình kinh tế, kinh doanh đang làm có thể tích hợp thêm yếu tố tuần hoàn để doanh nghiệp có thể phát triển. Việc phát triển kinh tế tuần hoàn giúp phá vỡ cách kết nối cũ như trên, tạo nên mô hình vừa phát triển kinh tế mà không gây ô nhiễm môi trường. Nó giúp tái sinh về con người, văn hóa…”, ông Nguyễn Hồng Quân nói.

Chia sẻ việc khai thác kinh tế tuần hoàn đã mang lại giá trị cao cho cây lúa, ông Phạm Minh Thiện, CEO Công ty TNHH Thanh Bình dẫn chứng: "Rơm được dùng để trồng nấm; trấu được ép viên để xuất khẩu. Tương tự, cám vàng chứa hàm lượng dầu lớn nên được chế biến dầu cám xuất khẩu, sản phẩm này được các đối tác Nhật quan tâm. Bã cám được dùng làm thức ăn chăn nuôi, đặc biệt là bã bột gạo".

“Như vậy, hạt gạo không phải có giá trị lớn nhất trong chuỗi sản phẩm từ cây lúa, mà ở những thứ sau nó”, CEO Phạm Minh Thiện nói.

Ông Thiện cũng nhấn mạnh không chỉ những sản phẩm đảm bảo mục tiêu của kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững, mà bất cứ sản phẩm nào khi thương mại hóa sản phẩm đều có cơ hội và thách thức như nhau.

Do đó, các đơn vị sản xuất kinh doanh phải đáp ứng yêu cầu phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường, thị hiếu tiêu dùng... mới có thể tạo được đầu ra ổn định.

Ngoài ra, theo ông Thiện, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững không giới hạn bởi một sản phẩm, mà có thể nhìn rộng ra mô hình kinh doanh. Khi xây dựng và hình thành kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững bằng những mô hình thành công sẽ không chỉ chuyển giao công nghệ mà còn đóng góp thiết thực trong gia tăng giá trị kinh tế. Để làm được điều này, cần sự chung tay góp sức của đa dạng nguồn lực trong phát triển những giá trị mà doanh nghiệp nghiên cứu sáng tạo.

Tại tọa đàm, bà Trần Hoàng Phú Xuân, Giám đốc Công ty Cổ phần Kết nối thời trang Faslink nhận định giai đoạn dịch Covid-19 tại Việt Nam trong thời gian vừa qua đã góp phần giúp doanh nghiệp nhận thức rõ hơn về kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững, qua đó là thúc đẩy quyết tâm của doanh nghiệp hướng đến kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững như là một yếu tố sống còn trên thị trường.

Theo đó, bà Xuân cũng nhấn mạnh kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững là vấn đề cần phải chủ động triển khai trong cộng đồng doanh nghiệp để đảm bảo cam kết của những Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam ký kết và tham gia.

Đặc biệt, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững đã thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho ra đời một số mô hình sản xuất kinh doanh với nhiều nền tảng và giải pháp để doanh nghiệp áp dụng vào chuỗi cung ứng của mình.

Ở góc độ Hội doanh nghiệp, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao đánh giá, để hàng Việt tiếp tục phát huy giá trị thương hiệu trên thị thường trong và ngoài nước thì cần liên tục cập nhật mới và sàng lọc tiêu chuẩn phù hợp với thị trường thương mại tự do.

Bà cho rằng ngoài bằng sự bình chọn tín nhiệm của thị trường thì sẽ ngày càng đưa những tiêu chuẩn mới nhất vào việc bình chọn như: chăm sóc sức khỏe cộng đồng, trách nhiệm với cộng đồng… trở thành những tiêu chuẩn quan trọng.

Trên cơ sở này, tạo bệ đỡ giúp doanh nghiệp xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh, xây dựng chuỗi cung ứng toàn diện; trong đó có những định hướng cụ thể theo xu thế kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.

Tọa đàm "Phá vỡ bí ẩn kinh tế tuần hoàn" là một trong những hoạt động bên lề hướng đến Diễn đàn Mekong Connect 2022, với chủ đề “Chủ động nâng chất lượng liên kết, tích hợp để phát triển bền vững” tại TP. Cần Thơ.

Mekong Connect 2022 được điều phối bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chi nhánh TP. Cần Thơ, Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), Trung tâm Xúc tiến đầu tư - thương mại và hội chợ triển lãm Cần Thơ. Sự kiện dự kiến diễn ra trong hai ngày 23 và 24/11/2022.

Đây là Diễn đàn thường niên dành cho các doanh nhân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia trong nước và quốc tế cùng các đối tượng có mối quan tâm đến lợi ích liên quan đến Đồng bằng sông Cửu Long.