Chưa phải thời điểm phù hợp để bỏ 'room' tín dụng

Ở thời điểm hiện tại, yêu cầu quan trọng của Chính phủ đang là ổn định vĩ mô, trước hết phải ổn định thị trường tài chính tiền tệ.

Trong báo cáo mới nhất đánh giá về tăng trưởng tín dụng ngành Ngân hàng, Công ty Chứng khoán VNDirect kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm 2021 sẽ ở mức 13-14% trong khi GDP tăng 6,5%. Cơ sở đưa ra nhận định trên của VNDirect dựa trên đánh giá nhu cầu quốc tế phục hồi thúc đẩy các hoạt động sản xuất và kinh doanh trong nửa cuối năm 2021, sau khi các nền kinh tế phục hồi nhờ các gói kích cầu và quy trình tiêm chủng hiệu quả. Các nước kỳ vọng sẽ mở cửa biên giới trong quý III và khuyến khích người dân quay trở lại làm việc trong điều kiện an toàn hơn, giúp tăng nhu cầu tiêu dùng, từ đó thúc đẩy sản xuất phục hồi.

Yếu tố hỗ trợ nữa là lãi suất cho vay thấp nhờ chính sách tiền tệ duy trì ổn định thúc đẩy các doanh nghiệp vay thêm các khoản vay mới để phục vụ hoạt động. VNDirect dự báo, các doanh nghiệp sản xuất sẽ quay lại đạt công suất hoạt động tối đa trong quý III. Du lịch và dịch vụ được dự báo sẽ dần phục hồi từ quý IV khi Việt Nam có thể tiếp cận 150 triệu liều vắc xin để tiêm cho 70% người trưởng thành, giúp bình thường hóa cuộc sống và mở cửa biên giới.

Cũng theo VNDirect, một số ngân hàng có nhiều lợi thế hơn trong việc tận dụng từ sự phục hồi kinh tế nói chung cũng như từ sự phục hồi ngành sản xuất và dịch vụ nói riêng. Thứ nhất là nhóm có tập khách hàng phong phú và đa dạng như: Vietcombank, VietinBank, MB, ACB. Thứ hai là nhóm có nguồn vốn dồi dào với tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao như: Techcombank, Vietcombank, MB. “Nguồn vốn giá rẻ và dồi dào cho phép các ngân hàng này cung cấp tín dụng cho khách hàng với lãi suất cho vay cạnh tranh”, VNDirect nhận định.

Thực tế những ngân hàng trên là có tăng trưởng tín dụng khá tích cực trong 6 tháng đầu năm. Đơn cử, 6 tháng đầu năm tín dụng Vietcombank tăng trưởng gần 9% gần gấp đôi so với mức bình quân toàn ngành. VietinBank đạt 4,8% đã xài 2/3 room tín dụng được giao hồi đầu năm. Một số ngân hàng khác cho biết đã tiệm cận room tín dụng được giao từ tháng 4/2021 như: ACB, HDBank, SeABank…

chua-phai-1626086698.jpg
Ảnh internet

Theo tìm hiểu của phóng viên, từ đầu năm, NHNN đã giao xong chỉ tiêu tín dụng lần một đến các TCTD trong hệ thống. Trong 4 NHTM Nhà nước lớn, Agribank, BIDV, VietinBank được cấp “room” năm nay 6,5-7,5%, riêng Vietcombank được giao 10,5%. Hạn mức của một số NHTMCP như: VIB, ACB, Sacombank được giao là 8,5-9,5%; MB, VPBank, Techcombank là 10,5-12%...

Có thể thấy, mặt bằng “room” tín dụng được NHNN cấp cho các TCTD thấp hơn tổng thể các năm trước. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu mà mấy năm trở lại đây, NHNN thường cấp hạn mức tín dụng ban đầu ở mức thấp. Việc NHNN cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng hàng năm tùy thuộc vào tình hình hoạt động kinh doanh và tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng. Sau đó, thường là trong nửa cuối năm, NHNN sẽ điều chỉnh hạn mức tín dụng cho từng ngân hàng khi có nhu cầu, song mức điều chỉnh căn cứ trên diễn biến của nền kinh tế và hoạt động thực tế cũng như “sức khỏe” của các ngân hàng.

Năm nay, nhờ sự phục hồi kinh tế, tín dụng khởi sắc ngay từ những quý đầu năm. Hiện đã có khoảng 10 NHTM đã gửi đề nghị xin NHNN sớm nới “room”. Ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, NHNN căn cứ vào quy mô, chất lượng tài sản của từng TCTD để xếp hạng A, B, C… và giao chỉ tiêu linh hoạt.

Đối với cơ chế cấp hạn mức tín dụng hàng năm của NHNN cho các NHTM, cũng có ý kiến cho rằng, đây là một công cụ mang tính hành chính. NHNN không cần dùng room tín dụng mà có thể dùng công cụ khác để kiểm soát lạm phát như lượng tiền cung ứng (M2), dự trữ bắt buộc. Còn để kiểm soát tăng trưởng tín dụng cũng như thanh khoản của các ngân hàng, NHNN có thể dùng các công cụ như tỷ lệ về khả năng chi trả, tỷ lệ dư nợ cho vay/tổng tiền gửi (LDR)…

Tuy nhiên theo TS. Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế, hạn mức tín dụng là công cụ rất quan trọng giúp NHNN kiểm soát tín dụng thông qua việc các NHTM phải báo cáo thường xuyên hoạt động tăng trưởng tín dụng. Dưới sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý, các NHTM cũng phải dè chừng không dám cho vay liều. Vì vậy, trước khi thay đổi bỏ hay giữ nguyên phải cân nhắc các mặt tích cực và tiêu cực để đưa ra quyết định cho phù hợp. “Quan điểm của tôi là không có lý do gì để bỏ room tín dụng vào thời điểm này”, ông Ánh nói.

Có chung quan điểm, TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục triển khai đề án tái cấu trúc giai đoạn 2, sức khỏe của các ngân hàng chưa thực sự đồng đều. Trong khi hiện nền kinh tế nói chung, hoạt động ngân hàng nói riêng đang đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của Covid. Vì vậy, để đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng thời điểm này chưa nên đặt vấn đề bỏ room tín dụng. Trong tương lai, khi bước qua thời điểm khủng hoảng, hệ thống ngân hàng hoàn tất chương trình tái cấu trúc, thì có thể tính đến phương án gỡ trần tín dụng.

Về phía cơ quan quản lý, lãnh đạo NHNN cho rằng trong tương lai, NHNN có thể xem xét bỏ cơ chế trần tín dụng như hiện nay với điều kiện vốn trung, dài hạn chủ yếu huy động qua thị trường vốn chứ không phải qua thị trường tiền tệ và các ngân hàng không phải huy động vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn như hiện nay. Ở thời điểm hiện tại, yêu cầu quan trọng của Chính phủ đang là ổn định vĩ mô, trước hết phải ổn định thị trường tài chính tiền tệ. Hạn mức tín dụng đang là một trong những công cụ hiệu quả để NHNN bình ổn thị trường tiền tệ.

Thực tế cũng cho thấy công cụ này vẫn đang phát huy hiệu quả trong nhiều năm gần đây khi giúp ngăn chặn từ gốc các cuộc đua lãi suất, đồng thời giúp nâng cao chất lượng tín dụng, hướng tín dụng tập trung vào sản xuất - kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên, qua đó góp phần kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng.

Theo Thời Báo Ngân Hàng

NDH