Cẩn trọng không bao giờ thừa

Mấy ngày nay, trên mạng xã hội sôi sục câu chuyện một nữ nghệ sĩ livestream "tố" một công ty bảo hiểm ký hợp đồng bán bảo hiểm nhân thọ gây thiệt hại cho cô 7 tỉ đồng.

Trên thực tế, câu chuyện tương tự xảy ra cũng không ít và không chỉ trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ mà có thể bắt gặp ở các lĩnh vực tài chính - tín dụng, bất động sản.

Thông thường, khi khách hàng đi vay, thế chấp tài sản hoặc mua căn hộ, dự án nhà ở…, các bản dự thảo hợp đồng đều được bên bán/cho vay/cung ứng dịch vụ (gọi chung là bên cung cấp sản phẩm) soạn thảo sẵn, đưa cho khách hàng xem, đồng ý thì ký vào.

Các bộ hợp đồng trong các lĩnh vực này - gồm hợp đồng chính, phụ lục - rất dài, với hàng chục trang giấy A4, cỡ chữ 12, nên nhiều người có tâm lý ngại đọc. Muốn đọc hết tất cả chừng đó trang có khi mất một buổi, thậm chí cả ngày. Đọc xong, chắc gì đã hiểu. Bởi trong các hợp đồng này, có nhiều thuật ngữ chuyên ngành mà một người bình thường khó có thể hiểu tường tận ngữ nghĩa của nó.

Vì vậy, nhiều người đã lựa chọn giải pháp là nhờ nhân viên tư vấn/môi giới giải thích hộ nội dung, điều khoản hợp đồng, nếu nghe hợp lý thì đặt bút ký vào. Nhiều người sau khi ký xong, về cất vào hộc tủ mà không thèm đọc lại. Đến khi phát sinh tranh chấp mới đem ra đọc hoặc đi nhờ luật sư đọc hộ thì lúc đó đã muộn, "gạo đã thành cơm".

Cẩn trọng với các giao dịch này không bao giờ thừa. Nếu không muốn phải rơi vào tình huống bất lợi thì nên đọc kỹ hợp đồng, hiểu rõ các điều khoản mới đặt bút ký. Với những trường hợp đã đặt bút ký vào hợp đồng mà không đọc hoặc đọc không kỹ hoặc quá tin vào lời giải thích của nhân viên tư vấn/môi giới thì hầu hết phải nhận phần thua thiệt, bất lợi.

Bởi lẽ, khi tranh chấp ở tòa, chứng cứ vật chất (chữ ký, nội dung hợp đồng được thể hiện trong tài liệu do các bên cung cấp) sẽ tác động rất lớn đến quá trình ra quyết định của tòa án. Chữ ký trên các hợp đồng là thật thì có giải thích, phân bua thế nào cũng khó mà lật ngược kết quả, trừ khi có chứng cứ khác chứng minh là khách hàng bị dụ dỗ, lừa dối hoặc nhầm lẫn.

Để tránh thua thiệt, bất lợi khi tham gia các giao dịch, nhất là các lĩnh vực bảo hiểm, tài chính - tín dụng, bất động sản, giá trị giao dịch lớn, người mua nên đọc kỹ các điều khoản của dự thảo hợp đồng và không vội tin bất kỳ ai, nhất là người của bên cung cấp sản phẩm hoặc môi giới. Tốt nhất là nên tìm đến các tổ chức hành nghề luật sư có kinh nghiệm trong lĩnh vực đang giao dịch để được tư vấn.

Tâm lý chung của người Việt Nam là chưa có thói quen sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật của luật sư trước khi tham gia ký kết giao dịch. Ở một số quốc gia châu Âu hoặc Mỹ, trong các giao dịch, người dân đều có luật sư đi cùng, tư vấn từng điều khoản cho đến khi đạt được yêu cầu mới ký. Vì vậy, ở họ rất ít khi xảy ra các tranh chấp theo kiểu không đọc kỹ hoặc không hiểu hợp đồng.

Ở ta, "mất bò mới lo làm chuồng" nên gặp phải những tình huống này, luật sư có giỏi đến mấy cũng chỉ có thể giúp thân chủ giảm thiểu thiệt hại chứ không thể "chuyển bại thành thắng".

Luật sư - thạc sĩ NGUYỄN VĂN ĐỨC