Cận cảnh phiên chợ Âm Dương - nơi 'mua may, bán rủi' ở Bắc Ninh
Theo người xưa tương truyền, chợ Âm Dương – nơi “mua may, bán rủi” nằm tại làng Ó (Xuân Ổ) phường Võ Cường, TP Bắc Ninh, chỉ họp vào đêm mùng 4 rạng ngày mùng 5 Tết âm lịch.
Theo tài liệu còn lưu giữ, năm Nhâm Dần (năm 43) sau Công nguyên, nhà Hán lệnh cho Mã Viện đem quân sang đánh Hai Bà Trưng. Quân giặc đánh đến trấn Vũ Ninh, huyện Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh) đã gặp quân của Hai Bà Trưng và xảy ra trận kịch chiến, nhiều quân lính đã hy sinh. Sau trận chiến, thân nhân của những người lính đó đã về tìm kiếm người thân vào dịp sau Tết Nguyên đán.
Dần dần, người dân quan niệm, cửa âm phủ một năm chỉ mở một lần vào đêm mùng 4, rạng ngày mùng 5 tháng Giêng âm lịch cho người dưới âm lên gặp người thân của mình trên trần gian. Từ đó, sinh ra chợ Âm Dương.
Chợ bắt đầu họp vào lúc "lên đèn" trên một bãi đất trống, cạnh một ngôi miếu có tiếng linh thiêng trong vùng. Đây là chợ mà không có lều quán, không sử dụng đèn nến để thắp sáng.
Chợ không phải là nơi mua may bán rủi như nhiều chợ nơi khác. Trong chợ người mua không ai mặc cả, người bán không đếm lại tiền người mua trả. Trong bóng đêm chỉ thấy bóng người đi lại và tiếng thì thào to nhỏ. Người ta hầu như không quan tâm nhiều đến việc "mua may bán rủi" như ở một số chợ khác. Chợ họp là dịp để người cõi trần gặp người cõi âm.
Những ai đi chợ đều vui vẻ, thoải mái. Họ quan niệm rằng đó là dịp làm phúc, làm điều thiện với người đã chết. Cuộc sống tâm linh của họ sẽ thanh thản hơn.
Anh Thái Quốc Cường, phường Võ Cường, TP Bắc Ninh cho biết, không ai trong làng còn nhớ phiên chợ Âm Dương đầu tiên bắt đầu từ khi nào, chỉ biết rằng các cụ ngày xưa truyền tai nhau cho đến tận bây giờ. “Năm nay, dù ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đến phong tục tập quán của người dân là không nhỏ, xong những ai đi chợ đều cảm thấy vui vẻ, thoải mái. Bởi họ thường quan niệm rằng đó là dịp làm phúc, làm điều thiện với người đã chết. Mong cuộc sống tâm linh của họ sẽ được thanh thản hơn” - anh Cường nói.
Chợ Âm Dương được phục dựng lại, rất đông người dân ở khắp nơi háo hức kéo nhau về thưởng thức lại giá trị văn hóa của người xưa.
Nhiều người đi chợ thường mang theo một con gà đen được chăm sóc cẩn thận trước đó để làm vật tế thần. Tuy không có lều quán nhưng trong chợ cũng có nhiều hàng mã, hương, nến, cau, trầu, muối, cháo, hoa quả…
Hoa quả được đóng thành từng túi nhỏ dễ dàng phục vụ du khách thập phương tới "mua may, bán rủi" đầu năm.
Chị Phan Tô Khánh Vy, làng Ó (Xuân Ổ), phường Võ Cường, TP Bắc Ninh đang đốt vàng mã cho người đã khuất tại phiên chợ cho biết: “Năm nay, tôi cùng bạn bè đến chợ Âm Dương thắp nén hương thơm, xin thêm ít lộc, cầu cho gia đình mạnh khỏe, bình an vạn sự như ý, làm gì được đó, công việc, học hành thì hanh thông đạt kết quả cao” - chị Vy nói.
Chợ tan khi còn đêm. Sau khi tan chợ, những người đi chợ lại mời nhau uống nước, ăn trầu và hát quan họ Bắc Ninh./.
Tiến Dũng - Văn Giang VOV.VN