Bức tranh kinh tế Trung Quốc đang xấu đi

Kinh tế Trung Quốc chịu tổn thất khi chính quyền nước này áp đặt các biện pháp đóng cửa toàn bộ hoặc một phần đối với hàng chục thành phố kể từ cuối tháng 3/2022.
Bức tranh kinh tế Trung Quốc đang xấu đi. (Nguồn: Bloomberg)
Kinh tế Trung Quốc đối mặt với những thiệt hại lớn do các biện pháp phong tỏa. (Nguồn: Bloomberg)

Ngày 16/5, Trung Quốc đã công bố dữ liệu kinh tế đáng thất vọng trong tháng 4/2022, nhấn mạnh những thiệt hại lớn mà các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt đã gây ra cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Khởi đầu của suy thoái kinh tế?

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), doanh số bán lẻ đã giảm 11,1% trong tháng 4/2022 so với một năm trước. Sản xuất công nghiệp đã giảm 2,9%, đánh dấu sự suy giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 2/2020.

Tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng lên mức cao kỷ lục. Tháng 4/2022, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị đạt 6,1%, tăng từ 5,8% trong tháng 3/2022 - vốn đã ở mức cao nhất trong 21 tháng.

Dữ liệu này cho thấy, những người trẻ đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm, với tỷ lệ thất nghiệp ở những người từ 16-24 tuổi tăng lên 18,2% - mức cao nhất từ ​​trước đến nay.

Trưởng nghiên cứu kinh tế châu Á-Thái Bình Dương của ngân hàng Societe Generale Wei Yao cho hay, sự gia tăng của tỷ lệ thất nghiệp sẽ là một mối lo đặc biệt lớn của các nhà lãnh đạo Trung Quốc

Những con số trên làm dấy lên nghi ngờ về việc Bắc Kinh có thể đạt được mục tiêu đầy tham vọng là tăng trưởng 5,5% vào năm 2022 hay không.

Nền kinh tế Trung Quốc đã có một khởi đầu vững chắc vào năm 2022, ghi nhận mức tăng trưởng 4,8% trong quý I/2022.

Nhưng những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm kiềm chế đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất trong hai năm qua đã giáng một đòn mạnh vào hoạt động kinh tế kể từ tháng 3/2022.

Theo tính toán mới nhất của CNN, cho đến nay, ít nhất 31 thành phố trong cả nước vẫn bị áp đặt các biện pháp đóng cửa toàn bộ hoặc một phần. Thượng Hải, trung tâm tài chính và một trung tâm sản xuất của đất nước, đã bị đóng cửa trong hơn 6 tuần.

Trong khoảng thời gian này, nhiều công ty đã buộc phải tạm ngừng hoạt động, bao gồm các nhà sản xuất ô tô Tesla, Volkswagen và nhà lắp ráp iPhone Pegatron.

Alicia García-Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á Thái Bình Dương tại Natixis in Hong cho rằng, dữ liệu mà Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc có thể chỉ là sự khởi đầu của suy thoái kinh tế. Với sự tiếp tục của các biện pháp hạn chế do Covid-19 vào tháng 5/2022, dữ liệu kinh tế trong tháng này cũng sẽ gây thất vọng.

Nhà kinh tế García-Herrero bày tỏ: "Chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều chính sách giải cứu hơn để hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhỏ - trọng tâm quan trọng cho thị trường việc làm".

Đối mặt sức ép lớn

Gần đây, giới lãnh đạo Trung Quốc nhận thức được những khó khăn kinh tế và đã thực hiện một số biện pháp cứu trợ.

Ngày 15/5, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) có động thái hỗ trợ thị trường chính sách bất động sản bằng cách giảm lãi suất vay thế chấp nhà đối với những người mua nhà lần đầu. Tuy nhiên, lãi suất cơ bản đối với các khoản vay kỳ hạn 1 năm được giữ nguyên, thay vì giảm như dự báo trước đó của giới đầu tư.

"Chính phủ Trung Quốc đang đối mặt sức ép lớn phải triển khai các biện pháp kích cầu mới để ổn định nền kinh tế. Hiệu quả của bất kỳ chính sách mới nào cũng tuỳ thuộc vào việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới điều chỉnh chính sách Zero Covid như thế nào để chống lại cuộc khủng hoảng do biến chủng Omicron gây ra" - Chuyên gia kinh tế trưởng Zhang Zhiwei của Pinpoint Asset Management.

Điều này phản ánh áp lực lạm phát gia tăng và mối lo về sự thoái vốn đang giảm bớt dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ của Trung Quốc.

Bất động sản vốn là một trụ cột tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc, nhưng thị trường địa ốc nước này đã sụt giảm suốt gần 1 năm nay.

Từ tháng 8/2021 đến thời điểm hiện tại, doanh số bán nhà ở Trung Quốc tháng nào cũng giảm với tốc độ hai con số và giá bán nhà mới cũng giảm.

Sự sụt giảm này diễn ra sau khi Bắc Kinh mở chiến dịch kiểm soát tình trạng vay nợ tràn lan trong ngành địa ốc và kiềm chế đà tăng của giá nhà.

Trong 4 tháng đầu năm, đầu tư phát triển bất động sản ở Trung Quốc giảm 2,7% và tổng giá trị của số nhà bán được giảm 32%.

Chuyên gia kinh tế về Trung Quốc Helen Qiao của Bank of America nhận định: “Vấn đề lớn nhất mà chúng tôi nhận thấy hiện nay là sức ép duy trì trong lĩnh vực tín dụng. Với niềm tin doanh nghiệp lung lay đến như vậy, nhu cầu tín dụng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bởi vậy, để tăng nhu cầu tín dụng, phải cần đến nhiều hơn việc giảm lãi suất đơn thuần”.

Chính phủ Trung Quốc cũng đã cam kết thúc đẩy nền kinh tế thông qua chi tiêu nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng và nới lỏng tiền tệ có mục tiêu để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ.

Dữ liệu do NBS công bố cho thấy, tháng 4/2022, đầu tư vào lĩnh vực sản xuất đã tăng 12,2% so với một năm trước. Trong khi đó, đầu tư cơ sở hạ tầng tăng 6,5%.

Ngày 16/5, Thượng Hải cũng đã đưa ra kế hoạch dỡ phong tỏa để trở lại cuộc sống bình thường hơn từ 1/6. Phó Thị trưởng Zong Ming cho biết, Thượng Hải sẽ mở cửa lại theo từng giai đoạn. Trước mắt, thành phố sẽ bắt đầu cho mở cửa lại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và hiệu thuốc từ tuần này.

Tuy nhiên, phần lớn các hạn chế di chuyển sẽ được giữ nguyên cho đến ngày 21/5 để ngăn sự bùng phát trở lại của virus. Từ ngày 22/5, các dịch vụ xe buýt sẽ dần hoạt động trở lại nhưng mọi người sẽ phải trình giấy xét nghiệm âm tính không quá 48 giờ để dùng các phương tiện giao thông công cộng.

Nhà kinh tế hàng đầu Trung Quốc của Oxford Economics Tommy Wu nhận thấy, rủi ro với triển vọng đang nghiêng về phía suy giảm, vì hiệu quả của kích thích chính sách sẽ phụ thuộc phần lớn vào quy mô của các đợt bùng phát và phong tỏa Covid-19 trong tương lai.

Ông nói: "Chúng tôi dự báo, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 4% trong năm nay. Trong đó, GDP sẽ giảm trong quý II/2022 trước khi tăng lại trong nửa cuối năm".

Chuyên gia kinh tế trưởng Zhang Zhiwei của Pinpoint Asset Management cũng đưa ra quan điểm, có khả năng kinh tế Trung Quốc suy giảm trong quý II/2022, khiến cho mục tiêu đạt tăng trưởng cả năm 5,5% như Bắc Kinh đề ra vượt khỏi tầm tay.

Vị chuyên gia này nhấn mạnh: “Chính phủ Trung Quốc đang đối mặt sức ép lớn phải triển khai các biện pháp kích cầu mới để ổn định nền kinh tế. Hiệu quả của bất kỳ chính sách mới nào cũng tuỳ thuộc vào việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới điều chỉnh chính sách Zero Covid như thế nào để chống lại cuộc khủng hoảng do biến chủng Omicron gây ra".