Bộ Xây dựng triển khai Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại Hội nghị. (Nguồn: Bộ Xây dựng)

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định nhiều năm vừa qua, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Hàng trăm nghìn hộ gia đình thu nhập thấp và hàng trăm nghìn công nhân được cải thiện nhà ở, có chỗ ở ổn định, an toàn.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục như quy hoạch bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; trách nhiệm của Nhà nước trong việc bố trí nguồn vốn ưu đãi cho vay để phát triển nhà ở xã hội; sự quan tâm của chính quyền địa phương, của doanh nghiệp trong việc chăm lo nhà ở cho người dân, đặc biệt là đối tượng thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp….

Từ những khó khăn vướng mắc nêu trên, Bộ Xây dựng đã trình và Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03/4/2023 phê duyệt Đề án “ Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030;” trong đó đặt ra quan điểm và mục tiêu cụ thể.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025-2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn; đồng thời giao chỉ tiêu hoàn thành nhà ở xã hội cụ thể cho các địa phương trong từng giai đoạn (2022-2025 và 2025-2030). Đề án cũng đã đề ra các giải pháp đồng bộ để các bộ, ngành trung ương, địa phương, doanh nghiệp triển khai.

Để đảm bảo việc triển khai, thực hiện Đề án đạt mục tiêu đề ra, hội nghị này nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc và có giải pháp thực hiện hiệu quả trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho hay.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung đánh giá đúng thực trạng kết quả đã triển khai trong thời gian qua; chỉ rõ tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đề xuất giải pháp thiết thực, hiệu quả nhất là giải pháp về huy động mọi nguồn lực từ xã hội cùng tham gia với sự hỗ trợ của Nhà nước để thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội nhằm đạt mục tiêu của Đề án. Bên cạnh đó, cần tập trung vào các vấn đề liên quan đến thể chế chính sách, các thủ tục đất đai đầu tư-xây dựng, cải cách thủ tục hành chính...

Bộ Xây dựng triển khai Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội
Toàn cảnh Hội nghị. (Nguồn: Bộ Xây dưhjng

Theo báo cáo của các địa phương, tính đến ngày 18/5/2023, trong giai đoạn 2021-2025, cả nước đã hoàn thành hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 19.516 căn; đang tiếp tục triển khai 294 dự án với quy mô xây dựng khoảng 288.499 căn.

Cụ thể, Chương trình phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp hoàn thành đầu tư xây dựng 7 dự án với quy mô xây dựng khoảng 5.314 căn hộ; đang tiếp tục triển khai 93 dự án với quy mô xây dựng khoảng 127.272 căn hộ.

Chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị: hoàn thành việc đầu tư xây dựng 34 dự án, quy mô xây dựng khoảng 14.202 căn hộ; đang tiếp tục triển khai 201 dự án, quy mô xây dựng khoảng 161.227 căn hộ.

Thời gian tới, Bộ Xây dựng tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc sửa đổi một số luật như đất đai, đấu thấu; tập trung sửa đổi chính sách, trình tự thủ tục dự án chính sách ưu đãi nhà nước, chính sách cho lực lượng vũ trang; tiếp tục tháo gỡ vướng mắc nhà ở cho công nhân; báo cáo Thủ tướng Chính phủ phủ trình duyệt xem xét thực hiện chính sách nhà xã hội…

Bộ Xây dựng cho rằng, các địa phương phải đôn đốc chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của các dự án này theo tiến độ được phê duyệt; trường hợp chủ đầu tư không thực hiện thì thu hồi quỹ đất 20% để lựa chọn, giao cho các chủ đầu tư khác.

Rà soát các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Xây dựng và Ngân hàng nhà nước lập danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Còn đối với các doanh nghiệp, tập đoàn kinh doanh bất động sản lớn ngoài việc phát triển các dự án khu đô thị, nhà ở thì cần quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội dành cho các đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp tại các địa phương nhằm đảm bảo công tác an sinh, xã hội và đạt mục tiêu đề ra của Đề án.

Thực hiện nghiêm túc trách nhiệm đầu tư nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị do doanh nghiệp làm chủ đầu tư.