Sau kiến nghị của cử tri tỉnh Bắc Giang, Bộ Xây dựng đã có công văn 3657/BXD-QLN trả lời về việc ít người lao động thu nhập thấp mua được nhà ở công nhân. Trong đó, Bộ Xây dựng cho biết việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt, việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các đối tượng thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp.
Theo Bộ Xây dựng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân lao động tại các khu công nghiệp đến nay đã tạo được hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, đảm bảo hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào phát triển nhà ở xã hội.
Cụ thể, các dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án, cho vay ưu đãi lãi suất thấp...
Tính nay trên địa bàn cả nước, đã hoàn thành 307 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 157.100 căn, với tổng diện tích hơn 7.950.000m2. Đang tiếp tục triển khai 294 dự án (bao gồm các dự án đang xây dựng và dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư), với quy mô xây dựng khoảng 288.499 căn, với tổng diện tích khoảng 14.425.000m2.
Mặc dù đã đạt được một số kết quả quan trọng như nêu trên, nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Bộ Xây dựng cho biết, nguyên nhân chính là do thiếu quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; cơ chế khuyến khích chủ đầu tư chưa thực chất, chưa đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp; nguồn vốn vay ưu đãi còn nhiều hạn chế, điều kiện mua nhà ở xã hội còn vướng mắc...
Hiện nay, Chính phủ đang tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) theo ý kiến của các Đại biểu Quốc hội sau khi lấy ý kiến lần thứ 1 tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV. Trong đó, để giảm bớt thủ tục, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong việc xét duyệt đối tượng, điều kiện mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã đề xuất sửa đội các quy định trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Trong đó, về điều kiện mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân. Bộ Xây dựng đề xuất đối với trường hợp công nhân, người lao động thuê nhà lưu trú công nhân thì chỉ cần hợp đồng lao động và xác nhận đang làm việc của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hoặc doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp.
Đối với trường hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội chỉ quy định đáp ứng 2 điều kiện là có thu nhập thấp, có khó khăn về nhà ở và bỏ điều kiện xác nhận cư trú.
Về vay vốn, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) tiếp tục kế thừa quy định của Luật Nhà ở năm 2014 theo hướng các đối tượng đủ điều kiện mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội (có hợp đồng mua - bán nhà ở xã hội với chủ đầu tư) thì thuộc nhóm đối tượng được vay vốn ưu đãi, điều kiện được vay phải đáp ứng quy định theo pháp luật về tín dụng.
Thời gian qua, theo phản ánh của một số địa phương, vẫn còn vướng mắc về các thủ tục hành chính trong lĩnh vực phát triển nhà ở xã hội và triển khai các gói hỗ trợ (như gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng) vẫn thực hiện thông qua các thủ tục hành chính thông thường, không thực hiện được các thủ tục liên thông (đặc biệt là trong lĩnh vực tín dụng) dẫn đến việc tra soát hồ sơ mất nhiều thời gian và không bảo đảm tính chính xác.
Đối với khả năng vay của người dân mua nhà, nhiều chuyên gia cho rằng hiện nay lãi suất còn quá cao so với người có thu nhập thấp. Điều này khiến không biết có bao nhiêu người lao động thu nhập thấp có thể mua được nhà. Do đó, các Bộ, ngành cần nghiên cứu một mức lãi suất hợp lý để người đi vay tiếp cận được vốn vay và mới có thể mua được nhà.
Trước đó, cử tri tỉnh Bắc Giang kiến nghị: "Hiện nay, tỉnh Bắc Giang đã và đang đầu tư nhiều dự án xây dựng nhà ở cho công nhân lao động. Tuy nhiên rất ít người lao động thu nhập thấp mua được do giá bán cao và không đáp ứng được những quy định về vay vốn, về điều kiện được mua. Đề nghị nghiên cứu trình, sửa đổi Luật Nhà ở để tháo gỡ những khó khăn, bất cập nêu trên".