Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập

Theo Phó giáo sư, Tiến sỹ Vũ Tuấn Hưng, với nhiều thay đổi biến chuyển của tình hình quốc tế và sự phát triển nội lực của Việt Nam ở trên tầm cao mới đòi hỏi cần có sự vận dụng tốt hơn, mạnh mẽ hơn các giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn xây dựng, phát triển đất nước.

Ngày 24/7, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ và Viện Nghiên cứu Trung Quốc phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập kinh tế quốc tế”.

Quang cảnh hội thảo.

Tiến sỹ Đặng Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết: Sau hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và gần 40 năm đổi mới, từ nhận thức lý luận và hoạt động thực tiễn, Đảng ta đã nhận rõ nhiều mối quan hệ đan xen nhau rất phức tạp đòi hỏi phải giải quyết, xử lý đúng đắn, hiệu quả. Trong Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta xác định phải đặc biệt chú trọng nắm vững và giải quyết tốt 8 mối quan hệ lớn, trong đó có mối quan hệ “giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế”.

Theo Tiến sỹ Đặng Xuân Thanh, để nhận thức đúng và xử lý tốt mối quan hệ đó, Đảng đã chỉ rõ nguyên tắc và phương châm, phải xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn đất nước, chú trọng nghiên cứu dự báo xu hướng phát triển của đất nước và thế giới, những diễn biến của khu vực, quốc tế tác động tới nước ta trên cả hai mặt thuận lợi và khó khăn, tích cực và tiêu cực để đón kịp, tận dụng thời cơ, chủ động vượt qua thách thức và nguy cơ, tôn trọng quy luật khách quan, “không phiến diện, cực đoan, duy ý chí”.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Tuấn Hưng, Phó viện trưởng Phụ trách Viện Khoa học xã hội Vùng Nam Bộ, nhấn mạnh: Vùng Nam Bộ trong đó có thành phố Hồ Chí Minh là một khu vực năng động, sáng tạo, đặc biệt luôn đi đầu trong phát triển kinh tế. Đây là vùng có nhiều đóng góp cho thực tế về các mô hình phát triển kinh tế độc lập, tự chủ, tự cường trong hội nhập quốc tế ngày nay. Những thành tựu và kết quả ghi nhận của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Thành phố Hồ Chí Minh đã đáp ứng được phần nào mong mỏi của Trung ương trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam.

"Trong bối cảnh mới, với nhiều thay đổi biến chuyển của tình hình quốc tế và sự phát triển nội lực của Việt Nam ở trên tầm cao mới đòi hỏi cần có sự vận dụng tốt hơn, mạnh mẽ hơn các giá trị của Chủ nghĩa Mác Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn xây dựng, phát triển đất nước. Từ đó tổng kết thực tiễn, để đúc kết và đưa ra các bài học kinh nghiệm, giải pháp phù hợp cho sự phát triển kinh tế độc lập, tự chủ, tự cường trong hội nhập quốc tế ngày nay của Việt Nam", Phó giáo sư, Tiến sỹ Vũ Tuấn Hưng chia sẻ.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các cơ quan, viện nghiên cứu và trường đại học đã tập trung thảo luận, đưa ra nhiều bài học, kinh nghiệm thực tiễn từ quá trình phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Các đại biểu cũng như gợi mở giải pháp, đóng góp cho các luận cứ khoa học mới về nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập tự, chủ trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Tiến sỹ Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP. HCM cho rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế được hình thành và phát triển cùng với quá trình hình thành tư tưởng của Người về con đường giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước theo chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Riêng về kinh tế được thể hiện trong một số quan điểm cơ bản, trong đó xem con người là động lực quan trọng nhất của xây dựng và phát triển kinh tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh xem xét con người luôn xuất phát từ hoàn cảnh hiện thực cụ thể trong các quan hệ xã hội với nhiều bình diện, nhiều chiều khác nhau. Người xem Nhân dân là gốc và vừa là mục tiêu, vừa là động lực của kinh tế.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, phát triển kinh tế phải gắn liền với thực hiện nhiệm vụ chính trị, tiến bộ xã hội, văn hóa và đạo đức. Người chỉ ra, 4 vấn đề chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội phải chú ý, coi trọng ngang nhau, theo đó: "Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”. Nền kinh tế độc lập tự chủ được xây dựng đồng thời với mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế…

PV (t/h)