Người phụ nữ khuyết tật "đối đầu" với nghịch cảnh
Chúng tôi gặp chị Trần Thị Như Hoa (SN 1979, trú tại xã Hưng Lộc, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An), bà chủ một xưởng may đặc biệt trên đường Hải Thượng Lãn Ông, xã Hưng Lộc, thành phố Vinh, Nghệ An, với doanh thu khoảng 600 triệu đồng mỗi năm, đồng thời tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều người khác cùng cảnh ngộ.
Trong xưởng, người phụ nữ khuyết tật đi lại với đôi chân đi lại khá khó khăn, liên tục quan sát chỉ đạo nhân viên trong xưởng. Đồng hoàn thành những sản phẩm được thiết kế tinh tế, để kịp giao hàng cho khách.
Để có được ngày hôm nay, người phụ nữ ấy đã vượt qua rất nhiều giông bão trong cuộc đời. Chị Trần Thị Như Hoa sinh ra trong một gia đình có 4 người con gái ở Vinh. Với ngoại hình xinh xắn, hoạt bát.
Biến cố đầu tiên ập đến lúc chị mới 5 tuổi, sau một cơn ốm "thập tử nhất sinh", đôi chân của chị bị bại liệt không thể đi lại được nữa. Nhưng là chị cả trong gia đình, chị không cho phép mình khuất phục trước những khó khăn. Trong 12 năm học phổ thông, chị luôn có thành tích học tập tốt, lớp 12 cô nữ sinh của còn từng đạt học sinh giỏi văn của tỉnh.
Sau đó, chị thi đậu vào Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và chọn ngành thư viện vì công việc này phù hợp với hoàn cảnh thực tế của mình. Nhưng rồi, những rung động của tuổi mới lớn, cô sinh viên trở thành một người mẹ đơn thân. Nhưng với cô gái mạnh mẽ, chị lại xem đó như là một điều may mắn với số phận của mình.
Người phụ nữ khuyết tật: Cố gắng không chỉ cho riêng mình
Để có thể một mình nuôi con, chị Hoa không quản vất vả làm đủ nghề để mưu sinh, từ làm thuê, buôn hoa quả, rồi đến nghề may vá. Từ một người làm công, chỉ biết cắt, sửa, may, gia công theo chỉ đạo, càng làm, chị Hoa càng say mê, yêu từng đường chỉ, từng mẫu thiết kế do chính tay mình vẽ ra và hoàn thiện nó.
Sau khi học nghề đã "cứng", chị Như Hoa mạnh dạn thuê một ki ốt nhỏ vừa làm nơi tá túc của hai mẹ con, vừa làm tiệm may để sinh sống. Những mẫu thiết kế mà chị tự tay may được nhiều khách hàng đón nhận. Càng ngày số người tìm đến chị càng đông. Lúc này chị nhận giúp đỡ những phụ nữ khó khăn, trong đó phần lớn là những chị em có khuyết tật hoặc nhỡ nhàng như chị.
Làm nghề được khoảng 10 năm, chị quyết định chuyển về Hội Khuyết tật thành phố Vinh tại đường Hải Thượng Lãn Ông để mở xưởng may. Tại "trụ sở chính" ở dãy nhà cấp 4, mỗi ngày có ít nhất 5 lao động làm việc. Ngoài ra có 5 người khác, do đi lại khó khăn nên nhận thêm công việc ở nhà.
Dù đã có một lượng khách quen ổn định, song khi xưởng may đi vào hoạt động, chị liên tiếp phải bù lỗ mỗi tháng do hàng tồn quá nhiều, phải bán rẻ để thu hồi vốn. Không thể ngồi một chỗ chờ khách tìm đến mình, chị Hoa trực tiếp mang hàng đến chào từng cửa hàng, thuyết phục họ đưa sản phẩm của chị lên kệ. Có nơi từ chối, có nơi nhận lời vì nhìn thấy sự nâng niu từng đường kim mũi chỉ và tâm huyết với sản phẩm của chị.
Các sản phẩm của xưởng may dần tìm được thị trường ổn định. Ngoài những mẫu thời trang thiết kế, đồng phục công ty… xưởng may của chị Hoa còn sản xuất các sản phẩm như lót ly, nón, túi, khẩu trang… từ vải vụn được thải ra trong quá trình sản xuất quần áo thời trang. Xưởng may có thể tận dụng tối đa nguồn vải, mà vẫn tạo ra các sản phẩm thẩm mỹ và có giá trị sử dụng cao. Riêng chị Hoa xuất sắc đoạt Giải ứng dụng công nghệ nhằm thích ứng, bảo vệ môi trường tại cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp toàn quốc năm 2020. Bên cạnh đó, chị Hoa đã đi một số nơi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm ghép tranh từ vải vụn.
Là Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật Nghệ An, Trưởng ban điều hành mạng lưới phụ nữ khuyết tật miền Trung khu vực Thanh Hóa - Quảng Ngãi, chị Hoa cho biết bản thân thường phải "vùi đầu" vào công việc. Ngày quản lý xưởng may, truyền nghề cho những người cùng cảnh ngộ, đêm chị lại phải dành thời gian để xử lý công việc cá nhân. Con trai lớn rồi, hiểu và chia sẻ với mẹ nên chị có thời gian nhiều để tập trung cho công việc. Chị hy vọng sẽ tạo nhiều việc làm hơn nữa cho những người khuyết tật, giúp họ tạo ra thu thập, tự tin để làm chủ bản thân, làm chủ cuộc đời.
Cảnh Thắng - Nguyễn Tình