Xuất khẩu nông sản tăng trưởng, doanh nghiệp xuất khẩu vẫn khó khăn

Trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu các mặt hàng nông sản là thế mạnh của Việt Nam như điều, tiêu, cà phê, sầu riêng… đều tăng trưởng ấn tượng. Nông dân phấn khởi vì kỳ vọng thu về lợi nhuận tốt trong vụ thu hoạch tới.

Xuất khẩu tăng ấn tượng nhưng các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu các mặt hàng nông sản lại đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, với ngành chế biến, xuất khẩu hạt điều, nhiều doanh nghiệp trong ngành này càng làm càng lỗ, giá nguyên liệu sản xuất tăng kỷ lục. Ngoài ra, chi phí logistics tăng cao cũng tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Hình minh họa

Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Theo Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hạt điều đạt 1,95 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 3,22 tỷ USD, giảm 10,6% về lượng, nhưng tăng 34,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu đạt 634,2 triệu USD, giảm 6,8% về lượng nhưng tăng 30,5% về trị giá.

Theo đó, các mặt hàng trên không ngừng lập kỷ lục về giá bán tại thị trường trong nước. Cụ thể, giá cà phê đang ở mức 127.000 - 129.000 đồng/kg; giá hồ tiêu dao động ở mức 150.000 - 151.000 đồng/kg, có thời điểm tăng lên mức 180.000 đồng/kg (vào tháng 6); giá hạt điều thô có mức trên 50.000 đồng/kg. Đây đều là những mức giá cao kỷ lục trong vòng nhiều năm trở lại đây.

Đại diện Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, lượng xuất khẩu tăng vì các thị trường xuất khẩu, nhất là những thị trường truyền thống của Việt Nam như Trung Quốc, Mỹ… đều tăng nhập khẩu mặt hàng này.

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, sự biến động của giá hạt điều thô sẽ tác động lớn đến hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu của doanh nghiệp trong thời điểm quý III và quý IV/2024. Đồng thời, đây cũng là nguyên nhân khiến doanh nghiệp không thể ký hợp đồng xuất khẩu với đơn vị mua trong những tháng cuối năm do chưa xác định được giá nguyên liệu cụ thể và sản lượng hạt điều thô nhập khẩu. Áp lực cạnh tranh trong ngành này ngày càng lớn vì các doanh nghiệp phải đối mặt với chi phí nguyên liệu đầu vào cao hơn, đồng thời phải đảm bảo giá bán vẫn cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Điều này đặt ra một thách thức lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều, nhất là với doanh nghiệp nhỏ và vừa, có khả năng cạnh tranh hạn chế.

Đây cũng là bài toán khó cho ngành hàng tiêu, cà phê. Hơn 10 năm qua, giá cà phê luôn ở mức thấp. Hiện nay, giá cà phê tăng cao giúp người trồng hưởng lợi. Tuy nhiên, giá cà phê đã tăng quá cao, vượt ngoài dự báo là tín hiệu không tốt đối với ngành hàng cà phê. Các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng cà phê, từ các đại lý thu mua tới nhà xuất khẩu, thương mại, rang xay… phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Hiện nhiều doanh nghiệp không mua được nguyên liệu hoặc buộc phải gồng lỗ, mua với giá cao để có hàng, kịp giao cho đối tác đã ký kết từ trước.

Chủ tịch Hội Điều tỉnh Bình Phước, ông Vũ Thái Sơn cho biết, rất nhiều doanh nghiệp điều trên địa bàn gặp khó khăn và bị áp lực lớn. Nhiều doanh nghiệp những năm trước phải “gánh” lãi suất cao để đầu tư nhà máy, kho bãi, chi phí cao…

Một khó khăn lớn nữa với ngành điều là hiện Việt Nam vẫn giữ vị trí số một thế giới trong lĩnh vực xuất khẩu hạt điều, chiếm hơn 75% lượng nhân điều được xuất khẩu trên toàn cầu. Tuy nhiên, ngành chế biến điều xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc phần lớn nguyên liệu thô từ châu Phi. Vùng nguyên liệu trồng điều trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 20 – 25% nhu cầu của các nhà máy chế biến.

Giá nguyên liệu sản xuất tăng cao, các doanh nghiệp chế biến lo không đủ số lượng để hoàn thành hợp đồng, đành chấp nhận tăng giá thu mua nguyên liệu theo thị trường, dẫn đến thua lỗ, phá vỡ hợp đồng, hoặc giảm chất lượng xuống mức thấp so với tiêu chuẩn ngành hàng để đủ số lượng xuất khẩu.

Ngoài ra, chi phí logistics tăng cao cũng đang chồng thêm gánh nặng không nhỏ trong xuất khẩu nông sản. Ngay cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng lo ngại tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng và vấn đề giữ chữ tín trong kinh doanh.

Theo các chuyên gia, ngành điều gặp khó khăn do chính những yếu kém nội tại, cạnh tranh lẫn nhau khiến các doanh nghiệp đối mặt với việc mua nguyên liệu cao, bán ra giá rẻ.

Các ý kiến kêu gọi các doanh nghiệp chế biến điều giảm công suất chế biến. Điều này nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu điều thô ở châu Phi và Campuchia, để doanh nghiệp Việt Nam không tranh nhau mua điều thô với giá cao, ngược lại có thể “ép” được bên bán cung cấp điều thô giá rẻ, cạnh tranh hơn.

Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do (FTA) có tác động tích cực đối với xuất khẩu hạt điều chế biến sâu bởi trước đây các chính phủ đánh thuế nhập khẩu những sản phẩm này để bảo vệ sản xuất trong nước. Nhưng trong các FTA mà Việt Nam đã ký, hạt điều chế biến sâu nhập khẩu từ Việt Nam có thuế suất giảm xuống bằng 0%.

Lê Thanh (t/h)