Theo chia sẻ từ đại diện Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương, do giá cước vận chuyển quốc tế tăng cao, chi phí sản xuất tăng trong khi nhu cầu thị trường thấp khiến doanh số mặt hàng gốm sứ tại nhiều cơ sở đang giảm 50% so với giai đoạn trước… Các cơ sở sản xuất đang đối mặt với bài toán khó cả về thị trường tiêu thụ, lao động và nguyên liệu sản xuất.

Những khó khăn ngành gốm sứ phải đối diện cũng là thách thức của ngành thủ công mỹ nghệ nói chung. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhận định: với tình hình khó khăn hiện nay, dự kiến kim ngạch xuất khẩu ngành hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2024 đạt khoảng 2 tỷ USD.

Hiện, hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đã được xuất khẩu tới 163 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm gần 10% nhu cầu của thị trường toàn cầu. Kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam giai đoạn 2015 - 2019 tăng trung bình 9,5%/năm, từ 1,62 tỉ USD (2015) lên đến 2,23 tỉ USD (2019) và phấn đấu đạt 4 tỉ USD vào năm 2025.

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nội thất Việt Nam quảng bá tại Hội chợ triển lãm quốc tế High Point Market - Hoa Kỳ (Ảnh: HAWA)

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam: nếu chúng ta cố gắng, năm sau (2025) vẫn có thể đạt được kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ 4 tỷ USD như mục tiêu đề ra.

Để tiếp tục phát triển ngành hàng thủ công mỹ nghệ, theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước với những cơ chế, chính sách kịp thời thì có ba vấn đề trong chuỗi giá trị ngành hàng thủ công mỹ nghệ phải kết nối, hỗ trợ nhau, gồm: vùng nguyên liệu - nghệ nhân - doanh nghiệp.

Hiện ngành rất cần sự tư vấn, gợi ý của các chuyên gia nước ngoài về thị trường, các kỹ thuật mới, công nghệ mới để các nghệ nhân nâng cao tay nghề, nắm bắt được nhu cầu thị trường quốc tế để “thổi hồn” vào sản phẩm.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng đề nghị, các hiệp hội cần tập hợp các doanh nghiệp, xây dựng các catalogue giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, gửi Đại sứ quán Việt Nam tại các nước để giúp quảng bá, giới thiệu đến bạn bè quốc tế.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang phối hợp xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn quốc tế, đồng thời tổ chức chương trình tập huấn, truyền đạt cho nghệ nhân công nghệ mới, kỹ thuật mới, tạo ra sức sáng tạo phù hợp với nhu cầu mới của thị trường thế giới nhằm thúc đẩy sản xuất, giá trị gia tăng cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ để khắc phục khó khăn, phấn đấu đạt được kim ngạch xuất khẩu như mục tiêu đã đề ra.

Theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, năm 2024, thị trường sản phẩm thủ công mỹ nghệ toàn cầu hướng đến con số 1.107 tỷ USD và dự báo sẽ đạt 2.394 tỷ USD vào năm 2032. Điều này cho thấy, xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ còn nhiều tiềm năng và là cơ hội cho hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu, gia tăng giá trị, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm.

Hoàng Yến (t/h)