Ba hướng giải pháp cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Theo đó, giải pháp thứ nhất là mở rộng quy mô, tăng chất lượng nhà đầu tư. Ông Nguyễn Quang Thuân cho rằng hiện thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang tập trung giải quyết phía cung, trong khi ông đánh giá khai thông phía cầu quan trọng hơn.
Nếu không tính lượng “bank-bond” (lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp được các ngân hàng nắm giữ), hiện phần lớn nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp đều là nhà đầu tư cá nhân.
“Thị trường đang thiếu vắng sự tham gia của các quỹ bảo hiểm, quỹ đầu tư trái phiếu, quỹ đầu tư cân bằng,… Hiện chưa có sự xuất hiện của các quỹ hưu trí tự nguyện hoặc đơn vị Nhà nước như Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, hoặc các tổ chức bảo lãnh trái phiếu nội địa ngoài ngân hàng thương mại”, ông Thuân cho biết.
Đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, lãnh đạo FiinRatings nêu một số nguyên nhân về sự vắng bóng trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp bảo hiểm đòi hỏi sản phẩm có kỳ hạn dài, nhiều năm trong khi trái phiếu doanh nghiệp phổ biển lại có kỳ hạn 3 năm. Các doanh nghiệp trong ngành này thường có khẩu vị rủi ro rất thấp và đòi hỏi cao về minh bạch thông tin và chất lượng quản trị doanh nghiệp.
Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi có hiệu lực từ năm 2023 sẽ hạn chế doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp phát hành với mục đích tái cơ cấu nợ.
“Những quy định và chính sách về “cầu”, ví dụ như Thông tư 16 của Ngân hàng Nhà nước về hạn chế ngân hàng đầu tư và kinh doanh trái phiếu, những hạn chế về phân bổ tài sản vào trái phiếu doanh nghiệp áp dụng đối với công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư,... cũng là những thách thức không nhỏ để từng bước phát huy vai trò “đầu tư” của thị trường này”, ông Nguyễn Quang Thuân chia sẻ.
Giải pháp thứ hai là cải thiện chất lượng “hàng hoá” trái phiếu. Về phía cung, ông Thuân cho rằng mấu chốt phải chuẩn hóa điều kiện phát hành, qua đó cải thiện chất lượng “hàng hóa” trên thị trường.
Phần lớn trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành được phân vào nhóm rủi ro cao hoặc có tính đầu cơ. Tuy nhiên, mức lãi suất trái phiếu hiện tại đang trải rộng trong khi cơ sở hạ tầng thị trường chưa hoàn thiện, khiến đường cong lãi suất/lợi tức chưa được hình thành để có thể phản ánh mức bù rủi ro được nêu trên và làm tham chiếu lựa chọn, định giá sản phẩm trái phiếu.
“Chất lượng trái phiếu nằm ở khả năng đáp ứng nghĩa vụ nợ sẽ xảy ra trong tương lai, trong khi thu nhập hay lãi suất lại cố định, do đó hạ tầng về minh bạch thông tin nên hướng đến có tính cập nhật, đánh giá và mang tính chỉ báo tương lai thay vì các thông tin mang tính lịch sử tại thời điểm phát hành”, ông Thuân cho biết.
Theo ông, vai trò của công tác định giá trái phiếu chưa hình thành tại Việt Nam, nguyên nhân chính nằm ở việc kể cả trái phiếu doanh nghiệp niêm cũng có thanh khoản không thường xuyên và rất khó có cơ sở để báo cáo, quản trị rủi ro và phản ánh chính xác hiệu quả đầu tư. Điều này trên thực tế đã gây ảnh hưởng đến chính các quỹ trái phiếu trong thời gian vừa qua khi các hoạt động rút vốn hay còn gọi là “fund run” diễn ra tại các quỹ này.
Lãnh đạo FiinRatings cho rằng cần có hệ thống kê khai hoặc công bố thông tin, sàn giao dịch thứ cấp tập trung, xếp hạng tín nhiệm độc lập và đẩy mạnh công tác định giá trái phiếu.
Giải pháp thứ ba liên quan đến cơ chế trung gian phân phối trái phiếu. Ông Nguyễn Quang Thuân cho rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần phát huy vai trò tín thác, vốn là một đặc tính quan trọng của các định chế trung gian. Điều này không chỉ thể hiện qua chất lượng của bản chào trái phiếu doanh nghiệp mà còn thông qua hoạt động tư vấn và phân phối đến người mua cuối cùng.
Theo ông Thuân, việc mở rộng đối tượng được mua TPDN đến đại đa số nhà đầu tư ở Việt Nam là cần thiết để huy động nguồn lực trong dân cho mục tiêu phát triển kinh tế. Tuy nhiên, các giải pháp nên hướng đến sự khai thông của kênh chào bán trái phiếu rộng rãi ra công chúng còn kênh phát hành riêng lẻ nên hướng đến như thiết kế hiện nay của Nghị định 65 về định nghĩa nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Ông Thuân cho rằng cần có chuẩn mực hoặc cẩm nang hướng dẫn ở tất cả các giai đoạn chính trong chu kỳ vòng đời của TPDN và áp dụng thành thông lệ chung của thị trường, không chỉ dựa trên yêu cầu tối thiểu từ các quy định của cơ quan quản lý.
Việc đào tạo và cấp chứng chỉ cho đội ngũ tư vấn sản phẩm cũng cần được cân nhắc nghiêm túc.
“Hiện Nghị định 65 vừa đi vào hiệu lực cũng đã có những thay đổi rất lớn nhằm từng bước khắc phục các vấn đề trên, nhất là về chuẩn hóa điều kiện phát hành, phân phối cũng như định nghĩa và trách nhiệm của các bên tham gia thị trường này”, ông Thuân cho biết.
Tuy nhiên, lãnh đạo FiinRatings cũng cho rằng cần có những những hướng dẫn chi tiết hơn và đặc biệt là sự tham gia của các định chế trung gian, các hiệp hội để có thể triển khai và có những hướng dẫn chi tiết nhằm cải thiện hiệu lực và hiệu quả của các quy định mới.
Minh bạch thông tin là chìa khoá của mọi giải pháp
Cũng tại diễn đàn, ông Nguyễn Quang Thuân cho rằng cải thiện mình bạch thông tin về các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp là yếu tố then chốt để khôi phục niềm tin và từng bước khai thông kênh dẫn vốn quan trọng này.
Theo đó, nhiều doanh nghiệp cho rằng khi các thông tin còn đang “mập mờ”, họ có thể dành lợi thế trong việc thỏa thuận lãi suất và các điều khoản đi kèm khi vay vốn hoặc phát hành trái phiếu. Tuy nhiên ông Thuân cho biết tình hình nay đã khác trước.
“Sự minh bạch cũng rất cần thiết với cả các tổ chức phát hành chưa niêm yết. Ngay cả trong tình huống doanh nghiệp có nguy cơ vi phạm nghĩa vụ nợ với trái chủ và phải chuẩn bị trước cho tình huống tái cấu trúc, hoãn hoặc giãn nợ với các điều khoản mới, minh bạch thông tin giúp các doanh nghiệp và nhà đầu tư có thời gian chuẩn bị cả về tài chính lẫn tâm lý, để tránh đổ vỡ dây chuyền khi thông tin mập mờ và không đầy đủ”, lãnh đạo FiinRatings cho hay.
Theo phân tích của ông Thuân, các thông tin kê khai hiện nay của tổ chức phát hành trái phiếu chủ yếu nhằm mục đích tuân thủ theo các hạng mục chuẩn của quy định hiện hành, trong khi đó lại thiếu các thông tin đánh giá về năng lực trả nợ của tổ chức phát hành.
Thực tế, khác với cổ phiếu, nhà đầu tư sở hữu trái phiếu cần có được những thông tin về khả năng trả gốc và lãi, không chỉ dựa vào dữ liệu quá khứ mà quan trọng nhất là phải có dự báo dòng tiền, thay vì các chỉ số từ báo cáo tài chính.
Ông Nguyễn Quang Thuân cho biết, việc minh bạch thông tin không chỉ ở giai đoạn phát hành mà cả trong hoạt động phân phối và lưu hành trái phiếu sau đó. Mặc dù thị trường giao dịch thứ cấp tập trung cho trái phiếu doanh nghiệp dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2023 theo yêu cầu của Nghị định 65, việc minh bạch thông tin về khả năng thực hiện nghĩa vụ nợ và những đánh giá độc lập vẫn sẽ là cơ sở quan trọng để khôi phục niềm tin và nguyên tắc tự chịu trách nhiệm của nhà đầu tư khi họ quyết định mua trái phiếu.
“Giống như khi Chính phủ huy động trái phiếu nội địa, trái phiếu quốc tế, Chính phủ đã rất minh bạch thu chi, số dư dự trữ ngoại hối, và tham gia xếp hạng tín nhiệm, thì không có cớ gì doanh nghiệp lấy tiền của công chúng vay nợ lại không minh bạch thông tin”, ông Thuân kết luận.