Đại sứ Đoàn Xuân Hưng. (Ảnh: Vân Chi)
Đại sứ Đoàn Xuân Hưng. (Ảnh: Vân Chi)

 

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã đưa ra cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050, giảm 30% lượng phát thải khí methane gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030. Đây có phải là mục tiêu tham vọng với Việt Nam, thưa ông?

Tôi nghĩ đây là một mục tiêu rất tham vọng. Không phải tất cả các nước mà ngay cả với những nước đã phát triển cũng khá thận trọng khi đưa ra cam kết như vậy. Nhưng trái lại, đó là điều tích cực bởi vì khi chúng ta đã đưa ra cam kết thì chúng ta phải quyết tâm, phải vào cuộc triển khai mạnh mẽ, cần phải có lộ trình và kế hoạch cụ thể để triển khai. Dù còn nhiều thách thức nhưng đó là hướng đi đúng để chúng ta tự thay đổi mình và bắt kịp những xu thế của thế giới.

Hiện nay, theo tôi được biết, rất nhiều nước thể hiện quyết tâm trong những kế hoạch hành động nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển nền kinh tế bền vững. Việt Nam cũng không thể đi chệch quỹ đạo đó. Nếu chúng ta chập chững, lạc nhịp thì chúng ta sẽ phải trả cái giá rất đắt cho sự phát triển trong tương lai.

Tôi từng chứng kiến qua nhiều năm sau khi chúng ta hội nhập quốc tế sâu rộng, những khi nào có sự chập chững thì chúng ta lại bị tụt hậu, chịu thiệt hại nhất định trong phát triển. Khi nào chúng ta thể hiện quyết tâm cao thì chúng ta vượt qua được chính mình phát triển vượt bậc. Cả một quá trình hội nhập đã chứng minh điều đó.

Có thể nói, cam kết của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP 26 là một cam kết rất mạnh mẽ và tham vọng nhưng tôi tin tưởng, nếu chúng ta đủ quyết tâm thì đây sẽ là động lực tích cực cho sự phát triển của nền kinh tế trong thời gian tới.

Vậy đâu sẽ là những nguồn lực chính cho mục tiêu tăng trưởng xanh của Việt Nam?

Việc chuyển hướng sang kinh tế xanh và tăng trưởng xanh, thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh là một lựa chọn tất yếu nhằm thực hiện định hướng phát triển mới của đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, đồng thời tạo cơ hội lớn để Việt Nam có thể trở thành một quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.

Kế hoạch này đòi hỏi một nguồn lực rất lớn. Nếu chúng ta có quyết tâm cao thì sẽ tranh thủ được sự hợp tác, ủng hộ của các nước, các tổ chức quốc tế, định chế tài chính quốc tế để họ phối hợp, hỗ trợ chúng ta có thêm những nguồn lực. Tiếp theo, Việt Nam cần chia nhỏ từng giai đoạn phát triển gắn với những ưu tiên khác nhau để từ đó tận dụng được những nguồn lực phù hợp với điều kiện phát triển của mình.

Ngoài ra, ngay cả đối với những doanh nghiệp đang hoạt động tại nước ta, dù đó là doanh nghiệp của Việt Nam, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hay liên doanh thì đều đang có xu hướng phát triển xanh, bền vững. Chính các doanh nghiệp đó sẽ kết nối và huy động nguồn lực cho tăng trưởng xanh.

Một điều quan trọng nữa là chúng ta sẽ sử dụng các nguồn lực huy động được như thế nào. Nguồn vốn dành cho đầu tư công của chúng ta hiện nay không phải không có nhưng việc giải ngân vốn đầu tư công không phải là câu chuyện đơn giản. Thủ tướng thường xuyên đôn đốc, giao cho các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, lãnh đạo các địa phương để triển khai mà còn nhiều vấn đề tồn đọng. Do vậy, chúng ta cần một kế hoạch căn cơ hơn để huy động nguồn vốn cho phát triển bền vững nhưng đồng thời cần sử dụng đồng vốn sao cho hiệu quả nhất và tốt nhất.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thách thức lớn nhất của Việt Nam khi chuyển hướng sang tăng trưởng xanh và bền vững là gì, thưa ông?

Chúng ta đang đứng trước rất nhiều thách thức. Đầu tiên phải nói đến nhận thức chung của toàn xã hội. Cần phổ biến nhận thức rằng Việt Nam đang tham gia trào lưu, xu hướng chung của thế giới và đó là điều cần thiết cho sự phát triển của chúng ta. Tiếp đến, là câu chuyện huy động vốn, làm sao có đủ vốn cho mục tiêu sắp tới, cần phải làm gì cụ thể và vào thời điểm nào.

Cuối cùng, ngay cả trong cơ chế, chính sách của chúng ta hiện nay cũng có rất nhiều điều cần phải tính đến để làm sao thích ứng với giai đoạn phát triển bền vững, tăng trưởng xanh. Những điều trước đây chúng ta làm đã có những bước chuyển đổi rồi nhưng bây giờ trước những yêu cầu mới, cần phải có những điều chỉnh như thế nào để phục vụ tốt nhất giai đoạn này.

Thêm nữa, là một quốc gia hội nhập sâu rộng, bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến động như hiện nay chắc chắn sẽ ảnh hưởng đáng kể đến quá trình thực thi các mục tiêu về tăng trưởng xanh của ta trong thời gian tới.

Từng là Đại sứ tại Nhật Bản, Đức - những quốc gia đi đầu về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững trên thế giới, theo ông Việt Nam có thể học hỏi được những kinh nghiệm gì từ họ?

Tôi rất vui mừng về sự phát triển của quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản. Vì vậy, chúng ta cần tranh thủ khai thác nhiều hơn nữa từ mối quan hệ tốt đẹp này. Không chỉ học hỏi, phải làm sao để phía bạn hỗ trợ chúng ta, cùng hợp tác trong những chương trình, dự án đôi bên cùng có lợi. Nhật Bản là một quốc gia giàu kinh nghiệm về tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững. Họ có tiêu chuẩn kỹ thuật cao và sở hữu nhiều công nghệ vượt trội.

Về phía Đức, vấn đề phát triển năng lượng tái tạo, điện gió… đã được nước bạn triển khai từ khá lâu. Do đó, thời gian tới, chúng ta hoàn toàn có thể thúc đẩy hợp tác trong việc phát triển năng lượng tái tạo, điện gió tại Việt Nam.

Chúng ta cần tiếp tục phát triển sâu sắc hơn nữa các mối quan hệ Đối tác chiến lược đã có với các nước, tận dụng những kinh nghiệm của nước bạn, trên cơ sở tin cậy để tạo ra sự hợp tác cùng có lợi giữa các bên thì sẽ tranh thủ được tốt hơn cho sự phát triển của Việt Nam trong giai đoạn tới.