Tuyên Quang: Nỗi lo của người dân bên dòng Lô Giang

Dọc tuyến Sông Lô trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, hàng trăm con tàu cuốc, tàu hút vẫn hàng ngày hàng giờ “miệt mài tận diệt” nguồn cát sỏi. Những bờ soi bãi lải trù phú của người dân địa phương cứ theo nhau sạt lở xuống sông.

Của trên bờ đổ ập xuống sông

Bà Đặng Thị L. năm nay 56 tuổi ngụ tại thôn Mãn Sơn – xã Vân Sơn – huyện Sơn Dương – tỉnh Tuyên Quang. Ngôi nhà của bà nhìn thẳng ra sông Lô, phía bên kia sông là đất Phú Thọ. Cuộc đời bà từ khi sinh ra đến nay gắn chặt với dòng Lô nên chứng kiến dòng sông thay đổi theo năm tháng.

Bà đã quá quen với tiếng động ầm ĩ phát ra từ những chiếc tàu cuốc ngày ngày đào bới dọc khúc sông, cùng hình ảnh những đoàn tàu chở cát sỏi nối đuôi nhau xuôi dòng. Trước năm 2000, khúc sông này bình yên chỉ đêm đêm mới thấy vài ba con thuyền của ngư dân ở làng trên xóm dưới đi chăng câu, thả lưới. Bước sang thiên niên kỉ mới, việc vay mượn trở nên dễ dàng, ngư dân bỏ lưới, vay tiền mua tàu thuyền đi khai thác và vận chuyển cát sỏi.

Lúc bấy giờ tàu cuốc còn thô sơ, tàu chở còn nhỏ, luồng lạch khó đi nên việc khai thác và vận chuyển cát chỉ diễn ra từ khu vưc Vĩnh Phúc đổ xuôi. Những chiếc tàu cuốc ở khu vực Sơn Dương trở lên chỉ khai thác sỏi, còn cát lại đổ xuống sông. Mỗi lần tàu cuốc bỏ đi để lại “di sản” là những cồn cát cao bên cạnh những hố hủm sâu hun hút gây cản trở giao thông đường thủy, trẻ em ra sông tắm không may bị cuốn xuống hố sâu là thiệt mạng.

Từ cuối năm 2008 trở đi, những đoàn tàu cuốc cát, tàu chở cát “hoành tráng” hiện đại kéo nhau lên Sơn Dương – Tuyên Quang bắt đầu công cuộc khai thác cát dọc tuyến sông. Cát vàng sông lô vốn đã nổi tiếng trong xây dựng lại dồi dào nên không kể ngày đêm những con tàu cuốc vẫn miệt mài hoạt động 24/24, những chuyến tàu cũng xếp lốt chờ lấy hàng neo kín cả dòng sông.

Những chuyến tàu tấp nập ngược xuôi

Những đoàn tàu nối đuôi nhau vận chuyển cát sỏi

Về sau tàu cuốc được cải tiến hiện đại hơn, mạnh mẽ hơn, một con tàu cuốc có thể vừa khai thác, vừa phân loại cát thành cát, sỏi thành sỏi chảy theo hai máng chút sang hai tàu chở hai bên cùng một lúc, thậm chí sỏi to còn được tận dụng để xay nghiền thành cát sỏi theo đủ loại kích cỡ. Tàu cuốc càng hiện đại, tàu chở càng lớn thì những bờ soi bãi lải của người dân địa phương ngày càng thu hẹp. Những bãi ngô xanh mướt, những soi lạc rộng dài cứ theo những nhát gầu của tàu cuốc đổ ập xuống sông.

Người nông dân rơi vào thế bí

Chị Bùi Thị N., 26 tuổi con dâu bà L. là người phụ nữ trẻ tần tảo. Nguồn sống của cả gia đình chị phụ thuộc hoàn toàn vào việc trồng cấy chăn nuôi, ở sát bên sông nhưng trong nhà không có ai theo nghề sông nước, cát sỏi. Đầu năm thấy giá lợn thịt tăng cao, chị và chồng quyết định vay mượn đầu tư nuôi mấy chục con lợn thịt trong chiếc chuồng cũ bé xíu. Nay lợn đến tuổi xuất chuồng nhưng lại rơi vào đúng đợt dịch nên giá lợn xuống thấp, thương lái chê ỏng chê eo chẳng buồn mua.

Soi bãi lạch lải của người dân dần dần trôi sông

Những bờ soi bãi lải bố mẹ chồng chị khai hoang bên sông, trước đây để trồng cỏ cho trâu bò, trồng ngô cho lợn gà giờ sạt lở hết xuống sông theo những đoàn tàu trôi về đâu thì chị không thể biết. Thức ăn dành cho lợn gà vợ chồng chị đều phải đi mua, nếu tình trạng giá gà lợn thấp mà không xuất được thì chẳng mấy chốc gia đình anh chị sẽ rơi vào bước đường cùng.

Việc khai thác cát sỏi làm cho dòng chảy bị thay đổi, lòng sông hạ sâu, mực nước ngầm cũng giảm thấp trầm trọng. Bởi vậy mà đầu năm, dù ở gần ngay sông nhưng giếng cạn khô trơ đáy, chị H. phải thuê người cơi nới đào giếng sâu thêm 5m mới có đủ nguồn nước để sinh hoạt và tăng gia sản xuất.

Dưới sông những chiếc tàu cuốc vẫn hoạt động đều đặn, những chuyến tàu chở vẫn ngược xuôi ngày ngày mang lại nguồn thu nhập không hề nhỏ cho những người làm nghề khai thác, vận chuyển cát sỏi. Trên bờ những người nông dân miệt mài lao tác “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mãi chẳng đủ ăn. Người nông dân đành bất lực nhìn soi bãi của mình ngày một lở dần lở mòn xuống sông để những con tàu cuốc hút lên đem bán.

Khối cát khối vàng

Anh Hoàng Việt D., 30 tuổi, con trai bà L. cho biết, cách đây vài tháng (khoảng tháng 5), có 2 chiếc tàu cuốc về khu vực sông Lô thuộc xã Vân Sơn - Sơn Dương – Tuyên Quang khai thác cát sỏi (giáp danh với tỉnh Phú Thọ). Tàu cuốc số 1 hoạt động trên khu vực vụng Đồn Hang, tàu cuốc số 2 hoạt động tại khu vực Mãn Sơn. Người dân Mãn Sơn hết sức bức xúc, soi bãi trước đây đã sạt lở gần hết vì khai thác cát sỏi nay tàu cuốc lại về hoạt động thì chẳng mấy chốc ngay cả con đê đang sửa sang cũng trôi cả xuống sông.

Người dân bức xúc trước tình trạng khai thác bữa bãi

Theo người dân thôn Mãn Sơn, mỏ khai thác khoáng sản này là của một công ty có trụ sở tại phường Dữu Lâu, Tp.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Mặc dù theo ranh giới, mỏ khai thác phải cách mép nước là 60m nhưng không ít lần tàu cuốc của công ty này ngang nhiên vượt phạm vi cho phép đánh vào sát bờ, chỉ còn cách mép nước 10 – 15m. Người dân Mãn Sơn hết sức bức xúc nhiều lần ra xua đuổi, thậm chí còn đo đạc và cắm mốc vị trí mỏ khai thác nhưng cũng chỉ ít phút sau, khi người dân trở về, việc khai thác ngoài phạm vi cấp phép lại đâu vào đấy.

Cũng theo người dân địa phương, tàu cuốc của Công ty này còn khai thác vượt vị trí mỏ được cấp phép cả 100m về phía hạ lưu. Nếu tình trạng này không được ngăn chặn, xử phạt thích đáng thì không biết đơn vị khai thác sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi sai phạm đến đâu.

Đã không ít lần người dân Mãn Sơn phản ánh tình trạng khai thác sai phép của Công ty Trung Hà đến chính quyền địa phương nhưng chính quyền xã thì nói không đủ thẩm quyền xử lý, các cơ quan chức năng về kiểm tra thì Công ty dừng hoạt động, nhưng đoàn kiểm tra vừa rời đi thì tàu cuốc lại tiếp tục khai thác rầm rộ hơn.

Hiện nay, giá bán mỗi khối cát tại mỏ của công ty này là 210.000VNĐ/m3, còn sỏi có giá bán là 130.000VNĐ/m3. Trung bình mỗi ngày một chiếc tàu cuốc của công Công này khai thác được 200 - 300m3 sỏi và khoảng 300 – 500m3 cát. Như vậy một chiếc tàu cuốc khai thác sai phạm vi mỏ một ngày đã đem lại lợi nhuận lên tới hàng trăm triệu đồng cho đơn vị khai thác.

Vài năm trở lại đây mấy chục giấy phép khai thác khoáng sản trên sông Lô thuộc địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã được cấp, ai đảm bảo rằng các công ty tuân thủ pháp luật khai thác đúng vị trí mỏ. Trong khi đó, cát sông Lô được sánh ví là “khối cát khối vàng”, đem lại nguồn thu khổng lồ, vẫn là miếng bánh béo bở không dễ gì từ bỏ. Những người nông dân đang bần cùng hóa vì đất canh tác bị sạt lở, những chiếc tàu đến một ngày cũng phải dừng hoạt động vì nguồn tài nguyên cạn kiệt.

Link tham khảo: https://baophapluat.vn/cau-chuyen-phap-luat/tuyen-quang-nguoi-dan-lo-lang-truoc-viec-khai-thac-cat-soi-tran-lan-tren-song-lo-556769.html