Tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2021 do do Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy – Vietnam Economic Times phối hợp với Viện Chiến lược Phát triển (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) chủ trì tổ chức mới đây, một số chuyên gia đã bày tỏ lo ngại với những rủi ro tiềm ẩn bong bóng tài sản trên thị trường chứng khoán, bất động sản.
Chuyên gia kinh tế, TS. Quách Mạnh Hào cho rằng, động lực tăng trưởng của Việt Nam vẫn là khu vực chế biến chế tạo và xuất khẩu. Lãi suất quá thấp sẽ kích thích hoạt động đầu cơ rủi ro ngoài sản xuất, làm tăng bong bóng tài sản.
"Chính sách nới lỏng hiện tại không thực sự bao trùm nền kinh tế mà chủ yếu giúp cho các doanh nghiệp lớn trong khi doanh nghiệp nhỏ và người nghèo vẫn khó khăn do mất thị trường và việc làm", ông Quách Mạnh Hào nhận định.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán thời gian gần đây không thực sự phản ánh sự thịnh vượng của nền kinh tế và điều này tiềm ẩn rủi ro về nợ xấu gia tăng trong những năm tiếp theo. Nền kinh tế sẽ tăng trưởng tốt hơn trong năm 2021 nhưng vẫn phải hết sức nỗ lực để đạt được mức tăng 6% GDP và lạm phát dưới 4%.
TS. Cấn Văn Lực trong khi đó cũng bày tỏ lo ngại tương tự và nhấn mạnh hiện tượng dịch chuyển của dòng tiền trong năm vừa qua. "Lãi suất đã giảm rất mạnh khiến dòng tiền đổ vào các lĩnh vực khác tương đối nhanh, trong đó có chứng khoán và chúng ta phải thận trọng đối với xu hướng đó", ông nói.
Ông Lực cho hay, hiện nay tổng nợ toàn cầu đã tương đương với khoảng 350% GDP – lớn chưa từng có và tăng khoảng 40-45% trong 2 năm vừa qua vì lãi suất thấp.
"Do đó, bài toán đặt ra với Việt Nam chúng ta là lãi suất điều hành như thế nào cho phù hợp. Thấp quá có tốt không? Chưa chắc! Vì phải đảm bảo lợi ích của rất nhiều bên trong nền kinh tế, cả người gửi tiền, người vay tiền và cả câu chuyện điều hành vĩ mô, lạm phát. Nếu không, chúng ta sẽ lại phải đối mặt với hệ lụy bong bóng lâu dài", vị chuyên gia phân tích.
TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng, lãi suất không phải là điểm nghẽn hiện nay. Tín dụng của Việt Nam vẫn tăng trưởng hơn 12% trong năm vừa qua, có thể là mức tăng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, kể cả khi sức cầu vẫn còn yếu. Mặc dù vậy, dòng tiền chuyển dịch sang chứng khoán rất mạnh mẽ, khoảng gần 400.000 tài khoản F0 mới trong năm vừa qua, tăng 15% so với năm trước. Lãi suất hơi thấp xuống đối với người gửi tiền là thấy ngay sự dịch chuyển dòng tiền sang lĩnh vực chứng khoán, bất động sản.
Đối với những lo ngại của giới chuyên gia, ông Phạm Thanh Hà – Vụ Trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước cho biết, Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước luôn kiên định trong mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và linh hoạt với các giải pháp trong điều hành chính sách tiền tệ.
Đại diện NHNN cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng sâu sắc bởi dịch Covid-19, nhiều nước trên thế giới tung ra các gói hỗ trợ. "Việt Nam cũng không ngoại lệ, chúng ta cần phải hỗ trợ cả về tài khóa lẫn tiền tệ, song phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát", ông nói.
Đối với hệ thống TCTD, hoạt động của các ngân hàng được quy định bởi nhiều tỷ lệ an toàn, trong đó có những tỷ lệ để kiểm soát các doanh mục như đầu tư tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như chứng khoán, bất động sản. Những năm qua, Ngân hàng Nhà nước luôn có những cảnh báo cho các TCTD về những lĩnh vực đó và có công cụ để kiểm soát.
"Việc hỗ trợ cần thiết, nhưng mục tiêu không chủ quan với lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô là ưu tiên hàng đầu. Chúng ta có đủ công cụ và biện pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời vẫn có thể hỗ trợ cho nền kinh tế phục hồi sau dịch", ông Phạm Thanh Hà nhấn mạnh.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị