Triển vọng kinh tế vĩ mô và những tác động đến thị trường chứng khoán năm 2024

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2023, việc đánh giá xu hướng phát triển năm 2024 rất quan trọng trong việc định hình quan điểm đầu tư cũng như chiến lược đầu tư cho giai đoạn tiếp theo.

Ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch Fiin Group:

Trong quá trình nghiên cứu thị trường, cung cấp thông tin dữ liệu và xếp hạng tín nhiệm, chúng tôi nhận thấy nhu cầu của khá nhiều tổ chức, đó là làm sao có nhận định, quan điểm sớm về triển vọng kinh tế vĩ mô cũng như thị trường chứng khoán trong năm 2024.

Thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp, các định chế tài chính và cả các nhà đầu tư cá nhân đang đặt câu hỏi: Triển vọng kinh tế vĩ mô năm tới sẽ ra sao và ảnh hưởng tới các kênh tài sản chính như thế nào? Những yếu tố nào sẽ tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế Việt Nam nói chung?

Ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch FiinGroup.

Bốn yếu tố dẫn dắt tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2024

VN-Index đã có sự hồi phục sau khi thiết lập mức đáy 900 điểm vào cuối năm 2022. Tuy nhiên con đường này cũng trải nhiều chông gai với nhà đầu tư, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô Việt Nam gần đây đã có dấu hiệu cải thiện nhất định, nhưng những thách thức trong năm 2024 vẫn còn rất lớn, do cả những yếu tố nội tại nền kinh tế Việt Nam và cả các yếu tố bên ngoài khó đoán định. Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp đã có những tín hiệu hồi phục, nhưng cũng có những nhóm ngành chưa đạt được kỳ vọng của nhà đầu tư.

Trước những bối cảnh đó, để giúp nhà đầu tư nhìn nhận những yếu tố hỗ trợ hay có những rủi ro gì sẽ ảnh hưởng đến thị trường, cũng như các cơ hội đón sóng trong 2024, chúng tôi đưa ra một số nhận định về triển vọng kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán năm 2024.

Trong bối cảnh thế giới có nhiều điểm bất định, việc đánh giá triển vọng thị trường chứng khoán 2024 và dự báo kinh tế vĩ mô cực kỳ khó khăn, thách thức, không chỉ với chúng tôi mà còn khó với bất kỳ tổ chức nào, kể cả các chuyên gia. Càng khó khăn hơn khi chúng ta lại đang ngồi ở Việt Nam để nói về thế giới, về những điều ở tương lai chưa biết sẽ xảy ra như thế nào.

Tôi hy vọng những đánh giá, dự báo của chúng tôi - dựa trên cơ sở dữ liệu trong quá khứ, cũng như tham vấn các nghiên cứu quốc tế khác - sẽ kịp thời thông tin phục vụ thị trường. Tuy nhiên, thị trường luôn luôn biến động, nên chúng tôi cũng hy vọng nhà đầu tư có sự theo dõi, cập nhật phù hợp với thực tế.

Kể từ tháng 9, 10 năm 2023, khá nhiều chỉ số vĩ mô đã bắt đầu phục hồi. Trong đó, chúng tôi cho là có bốn yếu tố chính sẽ dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam năm 2024:

Thứ nhất, xuất khẩu đang tăng trưởng trở lại

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 10/2023 là 61,77 tỷ USD, tăng 4,4%, tương ứng tăng 2,61 tỷ USD so với tháng 9/2023. Trong tháng 10/2023, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 2,73 tỷ USD; và 10 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước đã xuất siêu 24,59 tỷ USD.

Dưới góc nhìn của chúng tôi, xuất khẩu tiếp tục là yếu tố dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024. Lý do là ba thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, bao gồm Mỹ, châu Âu và Trung Quốc, về cơ bản đều đang có dấu hiệu tích cực, đặc biệt là Mỹ. Riêng châu Âu vẫn chịu nhiều biến động nhưng gần đây xu hướng chung là hồi phục. Chỉ có Trung Quốc là tương tự Việt Nam, rủi ro thị trường lên xuống lớn hơn, nhưng về cơ bản, cầu xuất khẩu từ thị trường này vẫn tăng trưởng trở lại.

Thứ hai, đầu tư FDI tiếp tục cải thiện

Mặc dù có những khó khăn về lãi suất bên ngoài nhưng 5 thị trường FDI chủ lực vào Việt Nam, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc cơ bản là có tín hiệu tốt. Mặc dù Hàn Quốc và Nhật Bản thì vẫn chưa hồi phục đầu tư FDI vào Việt Nam, nhưng về lâu dài, Việt Nam vẫn là một điểm đến quan trọng.

Dòng vốn từ Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng là thị trường vốn truyền thống của nhóm bất động sản công nghiệp. Phân khúc này cũng kỳ vọng có cơ hội đón vốn FDI nhờ dịch chuyển vốn từ Trung Quốc.

Thứ ba, cầu tiêu dùng đang bắt đầu hồi phục

Mặc dù doanh thu của các doanh nghiệp lớn trên sàn về cơ bản suy giảm, nhưng chúng ta không chỉ nhìn vào dữ liệu tổng cầu bán lẻ, theo công bố của Tổng cục Thống kê, mà còn phải nhìn nhận từ tổng doanh thu của tất cả mặt hàng tiêu dùng. Dựa trên số liệu ấy, chúng tôi cho là cầu tiêu dùng đang bắt đầu hồi phục, tuy còn khá chậm và vẫn ở mức âm khá cao.

Thứ tư, giải ngân đầu tư công tiếp tục tăng

Với dư địa vốn đầu tư công chuyển từ năm 2023 sang, đầu tư công vẫn là yếu tố kỳ vọng trong 2024. Trong năm tới, chúng tôi hy vọng Chính phủ sẽ dành ngân sách lớn để thúc đẩy đầu tư công, trong bối cảnh có khá nhiều rủi ro và những yếu tố trụ cột khác, mặc dù có hồi phục nhưng vẫn khá khó khăn.

Một điểm kỳ vọng nữa, là từ quý IV/2023 và năm 2024, việc huy động vốn từ phát hành trái phiếu bắt đầu khôi phục trở lại, sẽ tạo thêm động lực cho ngành bất động sản phục hồi. Ngành xây dựng và các ngành liên quan cũng có dư địa phục hồi theo.

Phân khúc BĐS công nghiệp kỳ vọng vào dòng vốn FDI để tăng trưởng khả quan trong năm 2024.

Nhận diện rủi ro và thách thức

Bên cạnh triển vọng là rủi ro đi kèm, nhất là trong bối cảnh nhiều biến động khôn lường, việc quản trị rủi ro đôi khi lại quan trọng hơn tăng trưởng rất nhiều, đặc biệt đối với ngành tài chính và đầu tư.

Thứ nhất, nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc hồi phục chậm hơn dự báo. Trong bối cảnh quốc tế, đặc biệt là kinh tế các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc - những nước top đầu về cầu xuất khẩu đối với Việt Nam - đang gặp khó khăn, thì việc hồi phục của các nền kinh tế này ảnh hưởng rất lớn đến sự hồi phục của các doanh nghiệp xuất khẩu, cũng như doanh nghiệp nội địa.

Không chỉ ảnh hưởng đến lĩnh vực xuất khẩu, hai nền kinh tế này cũng dẫn đầu khối lượng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam. Sự sụt giảm của các thị trường trọng điểm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chúng ta và đương nhiên Việt Nam sẽ phải chia sẻ nguồn vốn FDI với các nước khác.

Riêng với Trung Quốc, mới đây IMF dự báo, GDP thực tế của Trung Quốc dự kiến tăng 5,4% trong năm 2023 và giảm xuống 4,6% vào năm 2024, do lĩnh vực bất động sản và nhu cầu bên ngoài giảm sút, mặc dù tốt hơn so với kỳ vọng tháng 10 là 4,2%, nhưng đây vẫn là mức rất thấp. Nếu tăng trưởng của nền kinh tế này chững lại, cả thế giới sẽ chứng kiến nhiều tác động, kể cả đối với các quốc gia có nền kinh tế lớn mạnh như Mỹ.

Đối với thị trường bất động sản, nếu lượng bán nhà mới năm 2024 tiếp tục đà suy giảm 20-25% thì nền kinh tế Trung Quốc về cơ bản sẽ “hạ cánh mềm”, nghĩa là GDP sẽ chỉ tăng dưới 3%, về cơ bản là suy thoái đối với các nước đang phát triển như Trung Quốc.

Thứ hai, thị trường bất động sản có thể phục hồi chậm hơn dự kiến. Rủi ro nội tại đối với nền kinh tế Việt Nam và ngành tài chính lớn nhất có lẽ là triển vọng thị trường bất động sản, được kỳ vọng sẽ hồi phục vào giữa năm 2024, nhưng điều này cũng không chắc chắn. Trong khi đó, khả năng hấp thụ tín dụng của các doanh nghiệp vẫn còn yếu nên việc thị trường trầm lắng có thể kéo dài hơn dự kiến. Vì vậy, đây vẫn là rủi ro khá lớn đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2024, mà trực diện là hệ thống ngân hàng và lây chéo sang nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp.

Lý do là tín dụng bất động sản đang chiếm khoảng 21% tín dụng toàn hệ thống, và theo tính toán của chúng tôi, bất động sản có đóng góp cho GDP khoảng 10% và nếu tính lan tỏa là 20%. Vậy nên, nếu thị trường bất động sản chậm hồi phục, sẽ ảnh hưởng đến sự hồi phục của nhiều ngành liên quan và cả nền kinh tế.

Sự hồi phục của thị trường bất động sản sẽ kéo theo sự hồi phục và tăng trưởng của nhiều ngành liên quan. (Ảnh minh họa: Reatimes)

Rủi ro thứ ba, là việc huy động vốn của các doanh nghiệp vẫn khó khăn. Mặc dù tôi tin sẽ có nhiều dư địa hơn để Ngân hàng Nhà nước tăng cung tiền, nhưng vấn đề lớn mà chúng tôi quan sát được, là kênh vốn trung và dài hạn đang bị tắc nghẽn. Kỳ hạn trái phiếu phát hành vẫn ngắn và chủ yếu là các định chế tài chính kết hợp với nhau, hoặc phát hành nhằm mục đích cơ cấu nợ. Vậy nên, việc huy động vốn trung và dài hạn thúc đẩy nên kinh tế phát triển đang còn khá nhiều “ẩn số”.

Thứ tư, căng thẳng địa chính trị và chậm thực thi chính sách đang là yếu tố rủi ro cần theo dõi.

Ngoài ra, trên thị trường đang có khoảng ba nhóm ngành có mức độ chậm trả nợ trái phiếu khá lớn, gồm ngành bất động sản, vật liệu xây dựng và năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, theo thống kê của chúng tôi, trong năm 2024, tổng giá trị trái phiếu đáo hạn của nhóm bất động sản khoảng hơn 110.000 tỷ đồng, thuộc về 147 tổ chức phát hành đã được ghi nhận là vi phạm nghĩa vụ nợ trong năm 2023 và thị trường đã có thông tin và nhận định được rủi ro này trong năm 2024.

Vì vậy, những khoản đáo hạn này không gây nhiều bất ngờ, hay gây biến động cho thị trường khi họ có tiếp tục công bố chậm trả nợ những cái lô trái phiếu này trong thời gian tới. Trong đó, riêng nhóm ngành ngân hàng và bất động sản đã chiếm đến 70% tổng giá trị trái phiếu đáo hạn trong năm 2024, vì vậy, 30% giá trị đáo hạn còn lại khó tạo ra áp lực lớn cho thị trường vốn trong năm tới.

Rủi ro nội tại đối với nền kinh tế Việt Nam và ngành tài chính lớn nhất có lẽ là triển vọng thị trường bất động sản và lây chéo sang nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp và tín dụng ngân hàng. Yếu tố cần theo dõi là khi nào các chủ đầu tư giảm giá bất động sản và tháo gỡ pháp lý được triển khai trên diện rộng

Như vậy, bức tranh chung là động lực hồi phục và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam đang khá tích cực, đi kèm với đó là rủi ro lớn và gia tăng khá mạnh trong thời gian gần đây. Trong đó, sự hồi phục của thị trường phụ thuộc một phần vào việc xử lý, giải quyết các vấn đề của thị trường bất động sản đến đâu; cách thức chọn lọc tăng trưởng tín dụng như thế nào để “đẩy” vốn vào nền kinh tế, trong bối cảnh lãi suất mới chỉ giảm rõ rệt trên thị trường tiền gửi và chưa có tác dụng rõ nét đối với thanh khoản của nền kinh tế.