Thương mại điện tử bùng nổ, thu 156.000 tỷ đồng trong 6 tháng năm 2024

Theo báo cáo "Thương mại điện tử ở Đông Nam Á 2024", Việt Nam đã vượt qua Philippines để trở thành thị trường thương mại điện tử lớn thứ 3 khu vực, với rất nhiều tiềm năng tăng trưởng. Theo thống kê của Metric, tổng doanh thu của 5 sàn Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và Tiktokshop 6 tháng đầu năm ước đạt 156.000 tỷ đồng, tăng gần 80% so với cùng kỳ năm 2023.

Mới đây, các sàn thương mại điện tử đã đưa ra chính sách cho phép hủy trả đơn hàng, thậm chí, ngay khi đang trên đường vận chuyển. Tuy nhiên, chính sách mới này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều khác nhau. Khác với trước kia, nếu người bán đã chuẩn bị xong hàng để giao đi thì người mua phải chờ tới khi nhận đơn mới có thể hoàn hàng, thì nay có thể hủy sớm hơn. Với nhiều người mua, thay đổi này khá thuận tiện.

"Mình có thể hủy bất kỳ lúc nào mà mình thích, mình có thể chọn mua món đồ khác, không phải mất thời gian đi ra ngoài mua hàng", anh Phạm Dương Hoàng, quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ.

"Có chính sách hủy sớm, tôi không cần phải tốn thời gian mà có thể hủy luôn trên đấy và chọn một sản phẩm mới", chị Nguyễn Phương Anh, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho hay.

Tuy nhiên, không ít người bán tỏ ra băn khoăn, lo ngại nếu tỷ lệ hủy đơn cao thì sẽ dẫn đến tăng chi phí quản lý bán hàng. Chưa kể, còn đối mặt với rủi ro bị đối thủ gây khó khăn bằng cách đặt rồi hủy, dẫn tới mất thời gian, chi phí.

Trả lời băn khoăn của người bán hàng, đại diện 1 trang thương mại điện tử cho biết người bán sẽ không phải chịu thêm phí vận chuyển hay bị tính tỷ lệ đơn hàng thất bại từ chính sách này.

Ông Phan Mạnh Hà - Giám đốc đối ngoại Shopee cho biết: "Người bán sẽ không bị tính tỷ lệ đơn hàng không thành công, không ảnh hưởng tỷ lệ trả hàng hoàn tiền, không cần chi trả bất kỳ chi phí vận chuyển nào trong giai đoạn này. Chúng tôi sẽ phối hợp với nhà vận chuyển để xem xét kỹ lưỡng các yêu cầu này nhằm đảm bảo lợi ích hài hòa giữa người bán và người mua".

Theo các chuyên gia, những quy định mới này tưởng như làm khó nhưng trên thực tế lại là tốt cho cả người bán cũng như người mua hàng trên thương mại điện tử.

"Điều này tốt cho người bán vì người bán cung cấp chính sách này đương nhiên sẽ được người mua lựa chọn nhiều hơn bởi vì nó là 1 sự ưu đãi, tạo thêm sự thuận lợi trong quá trình mua hàng", ông Nguyễn Bình Minh - Ủy viên Hiệp hội Thương mại điện tử cho hay.

Theo thống kê của Metric, tổng doanh thu của 5 sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và Tiktokshop 6 tháng đầu năm ước đạt 156.000 tỷ đồng, tăng gần 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng nhanh nên đòi hỏi các sàn thương mại điện tử phải có nhiều chính sách tăng cạnh tranh, thu hút người dùng.

Thu Trang(t/h)