Thị trường địa ốc TP.HCM biến động thế nào sau khi nới room tín dụng?
Thị trường địa ốc TP.HCM biến động thế nào sau nới room tín dụng?

Một số phân khúc tại TP.HCM bắt đầu tăng trưởng

Thời gian qua, thị trường bất động sản TP.HCM có dấu hiệu chững lại ở hầu hết các phân khúc và khu vực. Tuy nhiên, sau thông tin nới room tín dụng, hoạt động mua bán tại một số phân khúc đã có chuyển biến nhất định.

Theo đó, ngày 7/9 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức công bố điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022. Theo đó, một số ngân hàng đã được tăng room tín dụng, như Sacombank tăng 4%, Agribank tăng 3,5%, MB tăng 3,2%, Vietcombank tăng 2,7%, TPBank tăng 1,2%, SHB tăng 3,2%, OCB tăng 3,1%, VIB tăng 3%…

Thông tin này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp, nhà đầu tư và khách hàng của thị trường bất động sản. Nhiều người đang trông chờ những tín hiệu tích cực sau các ngân hàng được nới room tín dụng.

Thị trường địa ốc TP.HCM biến động thế nào sau nới room tín dụng? - Ảnh 1.

Thị trường bất động sản TP.HCM có dấu hiệu chững lại ở hầu hết các phân khúc. Ảnh: H.T

TS Sử Ngọc Khương - Giám đốc Cao cấp Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam cho rằng, trong nửa đầu năm qua dòng vốn cho thị trường bất động sản bị thu hẹp từ nhiều phía, ngoài nguồn vốn tín dụng bị thắt chặt còn có sự suy giảm của thị trường trái phiếu. Thông báo điều chỉnh room tín dụng mới nhất của Ngân hàng Nhà nước là một động thái bẻ khóa tiền tệ tích cực, giúp trực tiếp bơm nguồn tiền vào nền kinh tế hậu Covid-19, từ đó tiếp sức cho các lĩnh vực và ngành nghề bao gồm dịch vụ, sản xuất, kinh doanh và bất động sản.

Theo đó, riêng tại thị trường TP.HCM, nhiều phân khúc sụt giảm thanh khoản trong thời gian qua đã có rục rịch khởi sắc. Trong đó, phân khúc nhà liền thổ, nhất là những căn nhà riêng lẻ đã hoàn công tại các khu dân cư mới, dân cư hiện hữu có giao dịch khá tốt.

Số liệu của Cushman & Wakefield Vietnam, nguồn cung mới của thị trường nhà liền thổ ghi nhận gần 450 căn được chào bán từ 6 dự án, tăng gấp đôi so với quý trước và gấp 4 lần so với quý 3/2021. Trong đó, tổng lượng căn được tiêu thụ là 270 căn. TP.Thủ Đức vẫn là khu vực dẫn đầu về nguồn cung mới với 86%, các dự án đáng chú ý là Soho Residence, Rivus và Classia. Khu Tây và khu Nam của TP.HCM chiếm 14% còn lại.

Đáng nói, giá sơ cấp trung bình được ghi nhận là 12.300 USD trên mỗi m2 đất (tương đương với 293 triệu đồng), tăng 29,7% theo quý và gần gấp đôi theo năm. Các chủ đầu tư hiện đang tận dụng sự kiện bán hàng và văn phòng bán hàng của mình để thu hút nhiều khách hàng hơn và đưa ra các chính sách bán hàng hấp dẫn nhằm tăng doanh số bán hàng.

nguon-cung-1664610989.jpg

Nguồn cung nhà liền thổ tại TP.HCM tăng gấp đôi so với quý trước. Ảnh: H.T

Đơn vị này ước tính tổng nguồn cung nhà liền thổ trong tương lai tại TP.HCM sẽ đạt 9.500 căn, chủ yếu được ghi nhận ở khu Đông và khu Tây. Các dự án đáng chú ý trong quá trình triển khai bao gồm Global City, Solina Khang Điền, Zeitgeist Nhà Bè. 2.

Giá căn hộ TP.HCM tiếp tục nhích

Theo đại diện Cushman & Wakefield Vietnam, ở thị trường căn hộ, mức giá vẫn biến động tăng mặc dù chịu ảnh hưởng mạnh từ chính sách siết tín dụng trong quý 3. Cụ thể, giá sơ cấp trung bình căn hộ trong quý 3 đạt khoảng 2.799 USD trên mỗi m2 (tương đương 66.7 triệu đồng), tăng 1% theo quý.

Chính sách kiểm soát tín dụng có hiệu lực từ đầu tháng 7 năm nay đã phần nào tạo ra rào cản trong việc huy động vốn từ các ngân hàng thương mại, khiến các chủ đầu tư gặp khó khăn khi triển khai các dự án căn hộ mới. Do đó, nguồn cung căn hộ mới trong quý 3 đã giảm 56% theo quý, với khoảng 4.100 căn được chào bán.

Trong đó, căn hộ trung cấp chiếm 75% giỏ hàng, các phân khúc khác lần lượt là bình dân 16%, hạng sang 7%, cao cấp 1% và siêu sang 1%. Tập trung chủ yếu ở khu vực phía đông với 76% so với toàn thị trường, nhờ vào các dự án cơ sở hạ tầng đang hoàn thiện.

phan-khuc-1664611042.jpg

Phân khúc căn hộ vẫn chịu ảnh hưởng chung của thị trường. Ảnh: H.T

Bà Trang Bùi - Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Vietnam cho rằng, kiểm soát tín dụng cũng gây khó khăn trong việc giải ngân vốn vay cho khách hàng, dẫn đến lượng bán và tỷ lệ hấp thụ đều giảm trong quý, với 4.150 căn tiêu thụ, giảm 54% so với quý trước. Đặc biệt, nhu cầu thị trường có vẻ chậm lại trong tháng 7 và tháng 8 và bắt đầu phục hồi từ đầu tháng 9.

Theo ước tính của đơn vị này, sẽ có hơn 4.100 căn hộ mới được chào bán ra thị trường vào cuối năm nay và khu Đông, khu Nam sẽ dẫn đầu thị trường.

Các chuyên gia cho rằng cuối năm nay, thị trường bất động sản có thể xảy ra hai cực thái của giới đầu tư. Thứ nhất, là những nhà đầu tư vẫn "chờ" thị trường tốt lên vào khoảng giữa quý 3, mới quyết định dòng tiền của mình. Thứ hai là các nhà đầu tư mới sẽ "hào hứng" tham gia thị trường cuối năm ngay, bằng hoạt động đầu tư lướt sóng hoặc ôm hàng giá tốt để đó, chờ thị trường tốt bán chênh.

Tuy vậy, theo hầu hết các chuyên gia trong ngành, thị trường cuối năm khó sôi động do tâm lý thị trường chưa hồi phục đồng đều giữa các nhà đầu tư cũng như các phân khúc. Trong đó, đất nền, nhà phố vùng ven TP.HCM có giá tốt hay căn hộ vừa túi tiền được dự báo sẽ vẫn là phân khúc hút sự quan tâm của nhà đầu tư.