Mới đây, Phú Đông Group công bố chuỗi căn hộ mẫu sắp khai trương tại Bình Dương. Chuỗi nhà mẫu Phú Đông Group sở hữu 7 căn hộ với đa dạng về phong cách thiết kế đến số lượng phòng ngủ.

phoi-canh-du-an-phu-dong-sky-garden-tai-binh-duong-1666017534.jpg
Phối cảnh dự án Phú Đông Sky Garden tại Bình Dương.
 

Tại Bình Dương, Phú Đông Group có 4 dự án, Phú Đông Sky Garden, Phú Đông Primier, Căn hộ Him Lam Phú Đông và Khu dân cư Phú Đông. Trong đó, Phú Đông Sky Garden đã bị chủ đầu tư mang đi cầm cố tại Ngân hàng Tiên Phong. Cộng với các khoản vay khác, Phú Đông Group thường xuyên trong cảnh nợ nần chồng chất.

Doanh thu bấp bênh, lợi nhuận khiêm tốn

Công ty Cổ phần Địa ốc Phú Đông (Phú Đông Group) thành lập ngày 17/3/2011 tại Thành phố Hồ Chí Minh, do ông Ngô Quang Phúc là đại diện pháp luật và Tổng giám đốc. Trước đó, vị trí này thuộc về doanh nhân Triệu Minh Phương.

Phú Đông Group có mặt tại nhiều tỉnh thành phía Nam. Ngoài Bình Dương, Phú Đông Group còn hoạt động tại Bình Thuận (Phú Đông Home Resort, Phú Đông Luxury Resort), tại Long An (Phú Đông Logictics City) và tại Thành phố Hồ Chí Minh (Phú Đông Riverside, Phú Đông Residences và Phú Đông Central).

Có trong tay hàng loạt dự án, trong đó nhiều dự án đã hoàn thành như Phú Đông Primier, Căn hộ Him Lam Phú Đông và Khu dân cư Phú Đông nhưng Phú Đông Group lại không có bức tranh tài chính sáng sủa.

Trong 5 năm gần đây (2016-2020), doanh thu Phú Đông Group thất thường, lợi nhuận khiêm tốn. Cụ thể, doanh thu từ 2016 đến 2020 của Phú Đông Group lần lượt đạt 74 tỷ đồng; 75,5 tỷ đồng; 92,2 tỷ đồng; 275 tỷ đồng và 94,6 tỷ đồng. Kết quả là công ty đạt lợi nhuận khiêm tốn, chỉ là 481 tỷ đồng (năm 2016); 5,3 tỷ đồng (năm 2017); 9,5 tỷ đồng (năm 2018).

Đặc biệt, 2019 là năm Phú Đông Group ghi nhận doanh thu tăng đột biến lên mức cao kỷ lục 275 tỷ đồng nhưng lợi nhuận vẫn rất khiêm tốn chỉ đạt 30,4 tỷ đồng. Tới 2020, chỉ tiêu này “lao” xuống 265 triệu đồng.

Vì nợ, Phú Đông Sky Garden Dĩ An đã bị cầm cố

Suốt nhiều năm dài, Phú Đông Group rơi vào tình trạng nợ nần chồng chất dù đầu năm 2019, công ty đã mạnh tay tăng vốn điều lệ từ 150 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng. Nợ phải trả tại Phú Đông thường xuyên vượt xa vốn chủ sở hữu.

Cụ thể, tại thời điểm 31/12/2020, nợ phải trả tại Phú Đông Group lên tới 868 tỷ đồng, cao gấp 2,6 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 70,5% tổng nguồn vốn. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với các năm trước đó.

Trong giai đoạn 2016-2018, tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tại Phú Đông Group thậm chí còn cao hơn rất nhiều so với con số 2,6 lần của năm 2020, đạt 4,8 lần, 4,1 lần và 3,9 lần. Tới 2019, tỷ lệ này xuống “đáy” chỉ 1,4 lần nhưng lại tăng lên 2,6 lần hồi cuối năm 2020.

Để nhận được khoản nợ hàng trăm tỷ đồng, Phú Đông Group phải cầm cố nhiều tài sản như Dự án Phát triển nhà ở Đông Á, cổ phần tại Phú Đông Group.

Bước sang 2021, Phú Đông Group tiếp tục vay nợ. Và lần này, tài sản cầm cố là dự án Phú Đông Sky Garden Dĩ An. Cụ thể, ngày 2/11/2021, Phú Đông Group đã ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) – Chi nhánh Hùng Vương. Tài sản đảm bảo là “Toàn bộ hoa lợi; lợi tức, khoản phải thu, quyền nhận được số tiền bảo hiểm, khoản phí thu được, hoặc các lợi ích khác thu được từ việc kinh doanh, khai thác giá trị của quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hoặc từ việc đầu tư, kinh doanh, khai thác, quản lý, phát triển Dự án Đầu tư xây dựng khu căn hộ Phú Đông An Bình, tại khu phố Bình Đường 3, phường An Bình, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương”.

Khu căn hộ Phú Đông An Bình có tên thương mại là Phú Đông Sky Garden Dĩ An. Không chỉ có vậy, đến ngày 12/8/2022, Phú Đông Group tiếp tục vay TPBank – Chi nhánh Hùng Vương. Tài sản đảm bảo là ôtô Lexus LX 570.