Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài, 11 tháng năm 2020 để bàn giải pháp, tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ trong tháng cuối năm do Bộ Tài chính đã tổ chức chiều ngày 7/12 với điểm cầu chính tại Hà Nội.
Mới có 4/62 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên 70%
Đại diện Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) báo cáo về tình hình giải ngân vốn năm 2020 cho biết, nguồn ngân sách Trung ương (NSTW) bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương (NSĐP), tính đến ngày 30/11, số giải ngân đạt tỉ lệ 41% so với dự toán (điều chỉnh). Có 4/62 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70% (dự toán đã điều chỉnh) là: Hà Nội, Bình Định, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Nguồn Chính phủ cho vay lại các địa phương, tính đến ngày 30/11, số giải ngân đạt tỉ lệ 38% so với dự toán được giao và 41% so với dự toán sau khi trừ số đề nghị hủy.
Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại. Ảnh:VGP. |
Tỉ lệ giải ngân chung bao gồm cả phần ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu và Trung ương cho vay lại là 39,5% dự toán được giao được giao (trong đó, dự toán ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu đã được điều chỉnh).
Về giải ngân dự toán vốn đầu tư công năm 2019 kéo dài, đã giải ngân được 76% dự toán 2019 được chuyển nguồn và kéo dài.
Đại diện Bộ Tài chính nhận xét, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài 11 tháng năm 2020 đã tăng hơn đáng kể so với 6 tháng đầu năm nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực của các bộ, cơ quan Trung ương, các địa phương.
Chính phủ thành lập 7 đoàn công tác kiểm tra tình hình giải ngân tại các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương.
Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì 3 Hội nghị trực tuyến đôn đốc giải ngân. Riêng Bộ Tài chính đã tổ chức 7 đoàn công tác đôn đốc giải ngân tại các địa phương, 5 lượt công văn gửi các địa phương đôn đốc giải ngân, tổ chức 5 hội nghị giải ngân trực tuyến với các địa phương và 1 hội nghị giải ngân trực tuyến riêng về danh mục chương trình, dự án sử dụng vốn vay WB.
Mặc dù trị giá giải ngân tiếp tục tăng, tốc độ tăng của 2 tháng giai đoạn này có dấu hiệu chậm lại do một số dự án không còn nhiều khối lượng công việc hoàn thành để thanh toán. Nguyên nhân nữa là các tỉnh miền Trung phải tập trung ứng phó với tình hình thiên tai.
Tỉ lệ giải ngân/dự toán vốn đầu tư công 11 tháng là 41% vẫn là thấp so với mục tiêu đề ra (phần lớn các địa phương cam kết với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là sẽ đạt tỉ lệ giải ngân từ 90% trở lên). Trong khi đó, thời gian còn lại để giải ngân dự toán vốn đầu tư công 2020 chỉ còn chưa đầy 2 tháng.
Tình trạng số dư tạm ứng chưa hoàn chứng từ tại thời điểm 30/11/2020 đã giảm mạnh nhờ các giải pháp quản lý sâu sát hơn của các chủ dự án, các Sở Tài chính, Bộ Tài chính. Trị giá giải ngân, thanh toán, hoàn chứng từ tăng. Thời gian thanh toán vốn, hoàn chứng từ qua các tài khoản tạm ứng được đẩy nhanh (giảm từ 6-7 tháng xuống còn 2-3 tháng), giúp tránh giữ vốn lâu, đẩy nhanh công tác hoàn chứng từ, báo cáo chi tiêu, giảm chi phí trả lãi của ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và tăng cường minh bạch trong quản lý các nguồn vốn ứng.
Bộ Tài chính và các địa phương đã nêu một số khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân của việc giải ngân còn chậm.
Cụ thể, từ phía các chủ dự án, địa phương, công tác giải phóng mặt bằng, tổ chức đấu thầu, đàm phán hợp đồng, phân công trách nhiệm chủ đầu tư thiếu rõ ràng.
Việc chậm ký hợp đồng vay lại cũng là một nguyên nhân chủ quan cần được tính đến. Sau khi hiệp định vay được ký kết và có hiệu lực, các chủ dự án tập trung vào công tác lựa chọn đơn vị tư vấn, lập thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán… tổ chức đấu thầu thi công để có khối lượng giải ngân nên chưa chú trọng việc hoàn thiện và ký kết các hợp đồng vay lại. Một số dự án Bộ Tài chính phải có công văn đôn đốc nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa ký được hợp đồng cho vay lại
Cần có sự phối hợp đồng bộ từ các bên
Giải ngân chậm không chỉ nguyên nhân từ các địa phương, ngay cả các cơ quan ở Trung ương cũng có trách nhiệm khi chưa có hướng dẫn rõ đối với nội dung giao dự toán vốn đầu tư công hằng năm và vốn đầu tư công trung hạn, trường hợp cấp có thẩm quyền đã giao dự toán hằng năm đủ theo tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn được giao, tuy nhiên dự toán năm 2019 giao chậm và không thực hiện hết, bị hủy dự toán, thì có được giao lại số dự toán năm đã bị hủy hay không?
Việc giữ lại 10% trong tổng vốn nước ngoài và không giao trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 trong khi dự án chỉ còn được giải ngân đến 31/12/2020.
Vẫn chưa rõ quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan chủ trì dự án ô trong việc tham gia ý kiến về F/S, về kế hoạch đấu thầu đối với các dự án mà UBND cấp tỉnh là Người quyết định đầu tư.
Về phía quy trình, thủ tục của đối tác phát triển, vẫn chưa rõ quyền hạn, trách nhiệm của bên cho vay trong thiết kế, quản lý thực hiện dự án đầu tư của Việt Nam.
Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cho rằng, khuôn khổ pháp lý của Việt Nam đối với việc thực hiện các dự án đầu tư công, mua sắm công đã khá chi tiết nhưng vẫn phải xin ý kiến phê duyệt từng lần của các đối tác phát triển, điều này cần được giảm thiểu.
Bộ Tài chính cũng cho biết, quy trình giải ngân còn phức tạp trong các dự án ô (dự án trong đó có một cơ quan giữ vai trò chủ quản thực hiện chức năng điều phối chung và các cơ quan khác tham gia quản lý, thực hiện và thụ hưởng các dự án thành phần thuộc chương trình, dự án)... Một số trường hợp trị giá tạm ứng lớn, thời gian hoàn tạm ứng lâu, hồ sơ chứng từ dồn nhiều khoản, nhiều địa phương.
Việc quản lý vốn tạm ứng về các tài khoản của dự án chưa được thống nhất. Một số trường hợp đối tác phát triển cho rằng dự án chi tiêu không hợp lệ, yêu cầu chủ dự án phải hoàn lại vốn vào tài khoản tạm ứng hoặc hoàn trả, tuy nhiên yêu cầu này không được chuyển chính thức cho đại diện Bên vay.
Việc xử lý đề nghị gia hạn giải ngân còn chậm, một số trường hợp chưa rõ quan điểm của đối tác phát triển.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, thời gian giải ngân kế hoạch đầu tư công 2020 chỉ còn chưa đầy 2 tháng, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương tập trung giải quyết đồng bộ các công việc.
Cụ thể, UBND các tỉnh chỉ đạo các chủ dự án khẩn trương lập hồ sơ nghiệm thu đối với công việc đã có khối lượng, gửi Kho bạc Nhà nước (KBNN) xác nhận giá trị khối lượng hoàn thành. Sau khi rút vốn, hồ sơ ghi thu ghi chi phải gửi KBNN để KBNN hoàn thành việc hạch toán trong vòng 30 ngày kể từ ngày 31/1/2021.
Đối với khối lượng đầu tư đã hoàn thành, được KBNN kiểm soát chi nhưng chưa làm thủ tục giải ngân, đối với các dự án có tài khoản đặc biệt/tài khoản tạm ứng, đề nghị các chủ dự án khẩn trương thực hiện các thủ tục thanh toán và gửi báo cáo hoàn chứng từ cho Bộ Tài chính. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát và làm việc cụ thể với các địa phương và các dự án có số dư tài khoản đặc biệt lớn.
Đối với các dự án giải ngân theo kết quả đầu ra, đề nghị các địa phương làm việc chặt chẽ với các cơ quan chủ quản chương trình, dự án để hoàn tất thủ tục giải ngân ngay sau khi có kết quả kiểm đếm. Đối với vốn tạm ứng đã chuyển về tài khoản của dự án tại KBNN, các chủ dự án khẩn trương giải ngân, thanh toán cho các hoạt động của dự án và gửi thông tin lại cho Bộ Tài chính.
Các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các Nhà tài trợ để đẩy nhanh tiến độ cho ý kiến “không phản đối” ở các giai đoạn triển khai dự án, đặc biệt đối với khối lượng công việc hoàn thành cần được chấp thuận của Nhà tài trợ để giải ngân.
Việc đẩy mạnh tiến độ giải ngân được lãnh đạo Chính phủ đặc biệt quan tâm. Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan, địa phương về tình hình thực hiện, giải ngân các chương trình, dự án ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài. Đó là hội nghị lần thứ 3 trong 3 tháng mà lãnh đạo chủ trì nhằm kiểm tra tình hình giải ngân cũng như tháo gỡ các vướng mắc khi giải ngân, một trong những yếu tố quan trọng tác động tới tăng trưởng kinh tế. Tại đó, Thủ tướng đã nhấn mạnh cần tập trung nêu rõ giải pháp, thẩm quyền của người nào, cơ quan nào, ban quản lý nào thì phải tự giải quyết, “không đá quả bóng” từ tỉnh lên Trung ương. Phải xắn tay vào cuộc, phải quyết chí trong lãnh đạo, phấn đấu đến cuối năm sẽ đạt được tỉ lệ giải ngân cụ thể. Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt, “địa phương nào không làm được thì báo cáo Thủ tướng điều chuyển vốn, cắt vốn, thậm chí sang năm 2021, 2022 không bố trí vốn nữa và phải có chế tài mạnh mẽ”. |
Anh Minh
Link nguồn: http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Phoi-hop-dong-bo-day-nhanh-tien-do-giai-ngan-2-thang-cuoi-nam/416367.vgp