Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra, nhưng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, nông dân “được mùa, được giá”. - Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm mô hình sản xuất sầu riêng “trái mùa nghịch vụ” tại xã Hiệp Đức, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, ngày 23/9. Ảnh: VGP


Cuối tháng 7, đợt bùng phát thứ hai của dịch COVID-19 bắt đầu tại Đà Nẵng, nhưng lần này, với kinh nghiệm ứng phó từ đợt 1, phương thức ứng phó của chúng ta đã có những thay đổi phù hợp. Khác với việc giãn cách quy mô lớn như giai đoạn thứ nhất bùng phát dịch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu tùy diễn biến dịch, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố quyết định mức nguy cơ và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với tình hình thực tiễn trên địa bàn.

Và ngay sau khi dịch bắt đầu được kiểm soát, Thủ tướng cũng ngay lập tức chỉ đạo các giải pháp để cố gắng phấn đấu tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhất. Bản thân Người đứng đầu Chính phủ cũng bắt tay ngay vào việc. Trong vài ngày cuối cùng của tháng 9, ông chủ trì, tham dự hàng loạt sự kiện: Làm việc với các địa phương ĐBSCL về chủ động ứng phó với nguy cơ hạn, xâm nhập mặn mùa khô; đối thoại với nông dân tại Tây Nguyên; chủ trì hội nghị về phát triển cây mắc ca; khởi công dự án cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45, một trong những dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông; tiếp các vị khách quốc tế đang có mặt tại Việt Nam để xúc tiến dự án điện gió ngoài khơi tại Bình Thuận với số vốn lên tới nhiều tỷ USD…

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, dịch bệnh được ngăn chặn nhanh hơn; công tác chống dịch hiệu quả hơn so với đợt 1, những tác động tiêu cực của dịch không làm ảnh hưởng nhiều tới các lĩnh vực kinh tế - xã hội, khi tăng trưởng GDP quý III đạt 2,62%, cao hơn nhiều so với quý II. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 2/10, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, mục tiêu kép đã được tổ chức thực hiện hết sức nghiêm túc và đạt kết quả tốt.

Tính chung 9 tháng, GDP tăng 2,12%, tạo tiền đề để có thể đạt mức tăng trưởng dương trong cả năm, đây là cố gắng cực kỳ lớn của chúng ta trong bối cảnh các nước ASEAN hay các đối tác lớn đều tăng trưởng âm và chuỗi cung ứng trên thế giới bị đứt gãy.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thực tế nền kinh tế nước ta đã đi qua đáy trong quý II và đang phục hồi theo hình chữ V. Việt Nam là nước tăng trưởng dương duy nhất ở khu vực ASEAN, nằm trong số ít nước tăng trưởng dương trên thế giới. Các ngành quan trọng như công nghiệp, nông nghiệp, tài chính, ngân hàng, chứng khoán có xu hướng phục hồi rõ nét.

Nhiều số liệu kinh tế - xã hội khác chứng minh cho nhận định này. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công tháng 9 và 9 tháng đều đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020. Xuất khẩu vẫn giữ được mức tăng dương là một điểm sáng trên thế giới, với mức tăng 15% so với cùng kỳ trong tháng 9 và xuất siêu đạt kỷ lục, gần 17 tỷ USD. Điểm ấn tượng là xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng 20,2%, nông nghiệp phấn đấu xuất khẩu hơn 41 tỷ USD.

Hoạt động của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, nhưng kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý IV/2020 với khoảng 81% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sẽ ổn định và tốt hơn.

Đặc biệt, mặc dù chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh, chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI của Việt Nam (do Nikkei đánh giá) đã tăng lên 52,2 điểm trong tháng 9, cao nhất ASEAN và so với 45,7 điểm tháng 8, thể hiện xu hướng phục hồi rõ nét của nền kinh tế Việt Nam.

“Nhìn chung, trong 9 tháng đầu năm, nước ta thực hiện thành công nhiệm vụ kép, trạng thái bình thường mới dần được thiết lập trong mọi hoạt động kinh tế, xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong toàn xã hội. Kết quả đạt được cho thấy tính đúng đắn, kịp thời, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành và sự quyết tâm, nỗ lực, đồng lòng, cố gắng của toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của người dân, cộng đồng doanh nghiệp”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Quyết tâm cao cho quý IV

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trên cơ sở kết quả của quý III và 9 tháng, nếu không có vấn đề bất thường xảy ra trong các tháng cuối năm, tốc độ tăng GDP có thể đạt khoảng 2,51%. Dự kiến tiêu dùng trong nước và đầu tư sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng trong những tháng còn lại của năm 2020. Tăng trưởng những tháng cuối năm có yếu tố thuận lợi do doanh nghiệp tăng cường sản xuất phục vụ nhu cầu hàng hóa tăng trong dịp Tết.

Bộ trưởng cũng cho rằng Việt Nam có cơ hội thuận lợi để đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư trên thế giới nhưng cũng chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ một số thị trường. Do vậy, Việt Nam cần khẩn trương chuẩn bị sẵn sàng và thực hiện ngay các điều kiện cần thiết để thu hút làn sóng dịch chuyển đầu tư.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng đề nghị đưa ra chỉ tiêu phấn đấu tích cực hơn, với quyết tâm cao hơn cho quý IV. Theo Bộ trưởng, điều này là có cơ sở với những kết quả đạt được trong 9 tháng, sự khởi sắc của cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Riêng trong ngành nông nghiệp, có nhiều thuận lợi như dịch tả lợn châu Phi đã được khống chế, cơ hội thị trường từ EVFTA, sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của Thủ tướng với tình trạng hạn mặn tại ĐBSCL… Ông khẳng định ngành nông nghiệp sẽ phấn đấu đạt mức xuất khẩu 41 tỷ USD và tăng trưởng toàn ngành cũng sẽ cố gắng đạt mức cao nhất.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cam kết trong năm nay sẽ giải ngân hết toàn bộ số vốn đầu tư công của ngành, đồng thời phấn đấu giải ngân toàn bộ số vốn ODA. Cho tới 30/9, ngành GTVT đã giải ngân được 26.736 tỷ đồng vốn đầu tư công so với tổng vốn hơn 35.000  tỷ đồng, tăng 11% so với con số của cả năm 2019 là 24 nghìn tỷ đồng. Bộ trưởng cho biết đã chỉ đạo hết sức tập trung, quyết liệt cho công tác này, như giao ban hằng tháng, các thứ trưởng hằng tuần làm việc với các ban quản lý dự án, điều chuyển vốn từ các dự án chậm sang dự án triển khai nhanh… 

Bộ trưởng cũng cho biết tiến độ cụ thể của hàng loạt dự án giao thông trọng điểm, như chậm nhất trong đầu tuần tới sẽ mở thầu 5 dự án PPP thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam; cuối tháng 12 khởi công một số gói thầu của dự án cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ; cùng thời điểm thông xe một số tuyến cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận sẽ khánh thành luôn tuyến Vàm Cống-Rạch Sỏi dài 51km…

Đồng tình với các nhận định về xuất nhập khẩu, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là động lực cho sự tăng trưởng của hoạt động xuất khẩu. Điều đáng mừng khác, các mặt hàng cần hạn chế nhập khẩu cũng được kiểm soát. Nhập khẩu trong tháng 9 cũng tăng rất tốt, tới 5,9%, cho thấy nhu cầu chuẩn bị cho quý IV được dự báo sẽ có các hoạt động kinh tế rất sôi động. Về thương mại nội địa, tuy trong tháng 8 có sụt giảm nhưng tháng 9 đã tăng rất mạnh, giúp cả 9 tháng có mức tăng nhẹ.

“Công nghiệp, xuất khẩu và thương mại nội địa đề có dư địa rất lớn để tăng trưởng. Nếu ta làm tốt, đặc biệt là cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thị trường, thì quý IV có thể sẽ là quý sôi động nhất cho mục tiêu phát triển năm 2020”, Bộ trưởng phát biểu và kiến nghị cần đề ra chỉ tiêu cụ thể quý IV cho từng ngành, từng lĩnh vực như năm 2019; sớm có hướng dẫn cho các doanh nghiệp để tận dụng, khai thác cơ hội từ EVFTA…

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhận định, quý III đã cho thấy đà phục hồi rất rõ về cả về kinh tế và an sinh xã hội, khi lực lượng lao động trở lại thị trường là 1,4 triệu người và tỷ lệ thất nghiệp ở mức 2,48% - mức “chấp nhận được” trong bối cảnh hiện nay. Bộ trưởng cũng đề xuất sửa đổi các điều kiện để doanh nghiệp có thể tiếp cận được với gói tín dụng hỗ trợ để trả lương cho người lao động, giảm thiểu tối đa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp khi vay...

Hà Chính