“Cái khó là nạn nhân là trẻ em, còn non nớt. Như trường hợp bé gái ở Hà Nội, mới 3 tuổi, làm sao cháu biết cầu cứu ai. Cháu ở cùng mẹ, mẹ còn không bảo vệ được con”, bà Ninh Thị Hồng, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, chia sẻ với Zing chiều 20/1.

Bà cho biết thời gian gần đây, xã hội rất lo ngại khi bạo hành trẻ em ngày càng có chiều hướng phức tạp hơn. Số cuộc gọi đến Tổng đài 111 hay đơn thư gửi đến hội, phản ánh tình trạng trẻ bị bạo hành, xâm hại đều gia tăng.

rao can trong bao ve tre em anh 1

Hình ảnh chụp X-quang hộp sọ của bệnh nhi. Ảnh: Đ.X.

Lẽ ra phải phát hiện sớm vị trẻ bị hành hạ

Bà Ninh Thị Hồng cho hay trong đơn thư phản ánh gửi đến Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, nhiều người tỏ thái độ bức xúc. Họ đặt câu hỏi tại sao xã hội của chúng ta lại có những vụ đau xót như vậy, đồng thời cho rằng phải tìm ra nguyên nhân để giảm bớt, ngăn ngừa, không để các vụ bạo hành trẻ em xảy ra.

Bà Hồng nói thêm hiện nay, vấn đề tranh chấp quyền nuôi con đang nổi lên. Nhiều trường hợp, tòa phán cho người mẹ nuôi nhưng bố đòi nuôi hoặc ngược lại.

Thực tế, cả vụ bé gái 3 tuổi ở Hà Nội, hay bé gái 8 tuổi ở TP.HCM đều rơi vào hoàn cảnh sống với người tình của bố hoặc mẹ sau khi bố mẹ ly hôn. Các em bị hành hạ bởi chính người quen, sống cùng trong một căn nhà.

Theo bà Ninh Thị Hồng, cái khó của việc ngăn chặn bạo lực đến từ người thân, người quen là nạn nhân còn nhỏ tuổi. Như trường hợp bé gái 3 tuổi, cháu đến nơi ở mới, chưa quen ai, chưa biết nói. Hơn nữa, trẻ em dễ sợ hãi. Không chỉ bị đánh đập, hành hạ, trẻ còn dọa nếu nói ra, sẽ bị đánh đau hơn nữa. Vì vậy, trẻ không dám nói.

Ngoài ra, bà Hồng cho rằng xã hội từ xưa đến nay, không ít người vẫn còn suy nghĩ con người ta, người ta có quyền dạy, họ không nên can thiệp vào. Vì thế, việc ngăn ngừa bạo lực trong gia đình càng khó.

“Suy nghĩ ‘đèn nhà ai nhà nấy rạng’ cũng là rào cản. Lẽ ra, chúng ta phải phát hiện sớm”, bà chia sẻ.

Bà nói thêm những vụ việc vừa xảy ra cũng cho thấy người thân của trẻ chưa có kỹ năng bảo vệ con em mình.

Như trường hợp bé gái 3 tuổi, khi mẹ mang con đi, để con nhập viện 3-4 lần với lý do uống thuốc trừ sâu, nuốt dị vật. Lẽ ra, những người thân khác phải đặt nghi vấn ai cho bé uống thuốc trừ sâu hay mẹ sơ hở, để con uống nhầm.

Trong khi đó, thực tế, cháu bé phải cấp cứu 3 lần song người thân khác không có biện pháp phòng ngừa, để cháu bị hành hạ đến mức bây giờ, bác sĩ phải cố gắng để cứu lấy tính mạng bé.

Người xung quanh cũng cần có trách nhiệm bảo vệ trẻ

Nhiều vụ trẻ em bị bạo hành xảy ra khiến không người đặt câu hỏi liệu trẻ đã được bảo vệ tốt, sống trong môi trường đủ an toàn để phát triển.

Với vấn đề này, bà Ninh Thị Hồng cho rằng về về luật pháp, quy định, chúng ta đã làm kịp thời, chặt chẽ. Quốc hội, Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Cục Trẻ em cũng như Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam… khi thấy bất cập đều kiến nghị nên việc sửa đổi nhanh, quy định đầy đủ.

Tuy nhiên, lỗ hổng nằm ở khâu truyền thông đến cộng đồng cùng trách nhiệm thực thi. Bà nói lẽ ra, khi có trẻ bị bạo hành, có dấu hiệu không an toàn trong gia đình, chủ tịch UBND cấp xã, phường có quyền đưa trẻ đi cách ly một thời gian rồi làm thủ tục để hạn chế quyền nuôi con.

Nhưng thực tế, nước ta chưa có đánh giá nào về việc bao nhiêu chủ tịch đã nắm thông tin, xử lý.

“Pháp luật quy định chặt chẽ song trong quá trình thực thi, truyền thông, người được giao nhiệm vụ hầu như chưa quan tâm. Điều này dẫn đến tình trạng các vụ việc xảy ra, hậu quả rất đau xót, lúc đó, chính quyền địa phương mới vào cuộc, thăm hỏi”, bà Hồng trăn trở.

Vì thế, để bảo vệ tốt trẻ em, bà cho rằng cả gia đình, người thân, cộng đồng phải có trách nhiệm.

Trước hết, trong mỗi gia đình, đặc biệt những gia đình như em bé ở Hà Nội hay bé gái ở TP.HCM, khi tình trạng ly hôn, ly thân ngày càng tăng, những người thân khác như ông bà nội, ngoại, cô, dì, chú, bác phải có kỹ năng, trách nhiệm.

Trẻ theo bố hoặc mẹ đến nơi ở mới, sống cùng người khác, những người thân, họ hàng nên đến thăm, tiếp xúc để biết môi trường sống an toàn không hoặc phát hiện sớm, ngăn ngừa tình trạng trẻ bị bạo hành.

Bên cạnh đó, cộng đồng xung quanh cũng cần nghĩ mình có trách nhiệm phát hiện sớm tình trạng trẻ sống trong bạo lực. Theo bà, Tổng đài 111 trực 24/24h. Chỉ cần một cuộc điện thoại, chúng ta sẽ ngăn chặn được hành vi xâm hại trẻ.

Hội Bảo vệ quyền Trẻ em Việt Nam cũng nỗ lực để trẻ có cuộc sống tốt hơn. Hơn 70.000 thành viên trên cả nước bảo vệ không chỉ con mình mà còn những đứa trẻ khác, đồng thời truyền thông để cộng đồng cùng tham gia.

Khi có sự việc xảy ra, mỗi vụ việc có hoàn cảnh khác nhau, hội đúc rút, đưa ra bài học, làm sao để không có những em bé bị bạo hành như vậy.

Ngoài ra, bà Hồng cho biết hội cũng theo dõi cách xử lý của cơ quan chức năng. Nếu thấy chưa thỏa đáng, hội có kiến nghị bằng văn bản. Hội lên án, yêu cầu làm rõ, xử lý đúng khung hình phạt, đúng người đúng tội.

“Như trường hợp thạch thất, nếu đúng người tình của mẹ găm đinh vào đầu em bé, kể cả khi y bác sĩ cứu sống được em bé, luật pháp vẫn phải trừng trị hung thủ bằng tội giết người vì hành vi này lặp đi lặp lại 4 lần, việc đóng đinh nhằm giết em bé”, bà Hồng nhấn mạnh.

Chiều 17/1, Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất, Hà Nội, tiếp nhận cấp cứu bé A. trong tình trạng hôn mê, co giật toàn thân. Quá trình thăm khám, bác sĩ phát hiện cánh tay phải của bé đã được bó bột 2 tuần.

Bé A. được chuyển lên Bệnh viện Xanh Pôn cấp cứu, điều trị. Tại đây, A. được chụp phim X-quang và phát hiện có 9 dị vật trong hộp sọ, hình dạng giống đinh ghim.

Xâu chuỗi lịch sử bệnh án của bé gái và nhận thấy nhiều dấu hiệu bất thường, bệnh viện đã trình báo Công an huyện Thạch Thất, UBND huyện Thạch Thất và Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội.

Trưa 19/1, Công an huyện Thạch Thất, cho biết đang triệu tập mẹ cháu bé và nhiều người khác lên làm việc.