“Nỗ lực” mua lại trước hạn nhưng dư nợ trái phiếu tăng mạnh

Trong 9 tháng đầu năm 2022, động thái phát hành trái phiếu và mua lại trái phiếu trước hạn diễn ra liên tục tại ngân hàng OCB kể từ sau những biến cố liên quan đến trái phiếu trong thời gian vừa qua.

0c05a8d6b2754d7890e4af27922cf3df-1668076992.jpg Ngân hàng OCB ghi nhận nợ xấu và dư nợ trái phiếu tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm.

Theo thống kê dữ liệu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trong 9 tháng đầu năm, Ngân hàng TMCP Phương Đông (HOSE: OCB) đã mua lại toàn bộ 6 lô trước hạn với tổng giá trị 5.500 tỷ đồng.

Cụ thể, ngày 12/5/2022, Ngân hàng OCB cũng đã mua lại trước hạn toàn bộ 200 tỷ đồng lô trái phiếu mã OCB.BOND01.2020 kỳ hạn 3 năm, phát hành ngày 12/5/2020.

Đến tháng 6/2022, Ngân hàng OCB tiếp tục mua lại toàn bộ trước hạn lần lượt 3 lô trái phiếu OCB.BOND02.2020, OCBL2124002, OCB.BOND1.2020 với tổng giá trị 3.300 tỷ đồng.

Ngày 27/9/2022, Ngân hàng OCB đã mua lại toàn bộ 1.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn thuộc lô trái phiếu riêng lẻ mã OCBL2124007 tăng vốn có kỳ hạn 3 năm, phát hành vào ngày 27/9/2021 và ngày đáo hạn 27/9/2024.

Gần đây nhất, ngày 28/9/2022 vừa qua, ngân hàng này tiếp tục mua lại toàn bộ 1.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn phát hành ngày 28/9/2021 mã OCBL2124008 có kỳ hạn 3 năm.

Ở chiều ngược lại, Ngân hàng OCB đã phát hành thêm 16 lô trái phiếu có giá trị từ 300 đến 2.000 tỷ đồng và đều có kỳ hạn 3 năm.

Từ tháng 5 đến tháng 7/2022, Ngân hàng OCB phát hành 9 lô trái phiếu với giá trị 6.700 tỷ đồng.

Trong tháng 8/2022, Ngân hàng OCB huy động thành công 3.800 tỷ đồng thông qua việc phát hành 5 lô trái phiếu.

Tháng 9/2022 mới đây, nhà băng này chào bán thành thêm 3 lô trái phiếu với tổng giá trị 1.800 tỷ đồng.

Như vậy, trong 9 tháng, Ngân hàng OCB đã huy động thành công 12.300 tỷ đồng qua phát hành trái phiếu. Con số này quá lớn so với việc ngân hàng chi ra 5.500 tỷ đồng để mua lại trái phiếu trước hạn khiến dự nợ trái phiếu của OCB tăng 6.800 tỷ đồng so với hồi đầu năm lên mức 25.335 tỷ đồng.

Nợ xấu tăng vọt, lợi nhuận giảm sút

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022, Ngân hàng OCB đạt 1.749 tỷ đồng từ thu nhập lãi thuần, tăng 29% so với cùng kỳ. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt hơn 267 tỷ đồng, tăng 126% và lãi từ hoạt đông kinh doanh ngoại hối đạt 44,5 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư báo lỗ lần lượt 56,4 và 11 tỷ đồng.

f0ac406fe2b48c3c8d2207e844552d30-1668076989.png

Từ tháng 8/2010 đến nay, ông Trịnh Văn Tuấn là Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng OCB.

Trong kỳ, chi phí hoạt động tăng 29% lên hơn 803 tỷ đồng trong khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng 34% so với cùng kỳ lên 358 tỷ đồng. Kết thúc quý 3/2022, Ngân hàng OCB lãi trước thuế 909 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Ngân hàng OCB ghi nhận thu nhập lãi thuần tăng 23% so với cùng kỳ, đạt gần 5.121 tỷ đồng, nhờ nhu cầu tín dụng tăng. Lãi từ dịch vụ đạt hơn 626 tỷ đồng, tăng 34%; hoạt động kinh doanh ngoại hối thu về khoản lãi tăng 22%, đạt gần 66 tỷ đồng. Hoạt động khác cũng thu được khoản lãi gần 328 tỷ đồng, tăng 32% do thu được các khoản nợ xử lý.

Ngược lại, hoạt mua bán chứng khoán kinh doanh báo lỗ 77 tỷ đồng và hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lỗ 178 tỷ do ảnh hưởng bởi điều kiện thị trường diễn biến bất lợi từ tác động chính sách thế giới và tình hình vĩ mô thay đổi.

Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 39%, trích gần 920 tỷ đồng do ngân hàng đã thực hiện trích lập dự phòng và ghi nhận số liệu phân nhóm nợ theo CIC và báo cáo tài chính theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN ngày 30/07/2021 và Văn bản 2156/NHNN-TTGSNH ngày 12/04/2022 của Ngân hàng Nhà nước.

Tính đến cuối quý 3, tổng tài sản của Ngân hàng OCB đạt hơn 193.149 tỷ đồng, tăng 4,7% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 11,3% so với đầu năm lên mức hơn 113.587 tỷ đồng.

Tuy nhiên đang lo ngại là chất lượng tín dụng của nhà băng này lại đi xuống rõ rệt khi tổng nợ nợ xấu đã tăng hơn 2 lần từ mức 1.350 tỷ đồng đầu năm lên 2.801,2 tỷ đồng vào cuối quý 3.

Cụ thể, tính đến ngày 30/9/2022, Nợ dưới tiêu chuẩn (Nợ nhóm 3) tăng 60,7% lên mức 524 tỷ đồng; Nợ nghi ngờ (Nợ nhóm 4) tăng gấp đôi lên mức 578 tỷ đồng; Đặc biệt, Nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng đến 2,3 lần so với đầu năm lên mức gần 1.700 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng OCB tăng từ 1,3% hồi đầu năm lên 2,5% tại thời điểm 30/9.

OCB bị khách hàng tố vì "bốc hơi" 2 tỷ đồng trong tài khoản

Ngày 7/4/2022, ông Nguyễn Thanh Xuân (quê Giồng Trôm, Bến Tre) có nhờ người quen chuyển 2 tỷ đồng vào tài khoản ngân hàng của mình được lập tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (ngân hàng OCB) – chi nhánh Tân Bình, TP Hồ Chí Minh. Số tiền này được ông Xuân vay nhằm mục đích thanh toán mua đất.

Tuy nhiên, ông Xuân giật mình khi nhận được thông báo từ OCB đã rút thành công 2 tỷ đồng vào lúc 16h57 ngày 7/4/2022 tại quầy giao dịch trong lúc ông đang tham dự đám tang.

Sau khi trình báo, Ngân hàng OCB cho biết đã tiếp nhận thông tin, sẽ thực hiện kiểm tra và tiến hành các biện pháp theo quy định. Thế nhưng sau 3 tháng, ông Xuân chỉ nhận được hai tờ “Biên bản làm việc” từ Ngân hàng OCB với lời cam đoan sẽ cho kiểm chứng sự việc.

Do đó, ông Xuân đã khởi kiện Ngân hàng OCB ra tòa yêu cầu ngân hàng này trả lại 2 tỷ đồng đã bị mất trong tài khoản, bồi thường thiệt hại số tiền 1,2 tỷ đồng do nguyên đơn bị mất cọc không thể hoàn thành việc mua đất. Hiện vụ việc đang được Tòa án Nhân dân Quận 1, TP Hồ Chí Minh thụ lý.

Sau khi vụ việc được cơ quan báo chí đăng tải, OCB cho rằng việc ông Xuân bị mất oan tiền trong tài khoản là thông tin chưa chính xác. Sau khi xác minh vụ việc, OCB khẳng định vụ việc đã được giải quyết và có sự xác nhận của khách hàng và OCB không liên quan trong vụ việc này.