Cụ thể, tại Quyết định số 32/QĐ-XPVPHC, Công ty TNHH Dược phẩm Sài Gòn (Sagopha) bị xử phạt 45 triệu đồng do đã thực hiện các hành vi vi phạm hành chính: Hành vi vi phạm thứ nhất: Hành nghề dược mà không có chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật (tại thời điểm thanh tra ngày 15/4/2021, dược sỹ phụ trách chuyên môn của nhà máy tại Chi nhánh Bình Dương là bà Tôn Nữ Thu Vân đã nghỉ việc theo Quyết định số 39/SGP-QĐ ngày 25/3/2021).
Hành vi trên là vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 52 của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Hành vi vi phạm thứ hai: Sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc có thay đổi nhỏ so với hồ sơ đăng ký thuốc đã được phê duyệt nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nội dung thay đổi theo quy định của pháp luật đối với 2 trường hợp phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (thuốc Rumafar, SĐK: VD-33258-19, số lô 0010620, NSX: 230620, HSD: 230623).
Hành vi trên là vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 57 của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế
Tại Quyết định số 33/QĐ-XPVPHC, Công ty TNHH Mỹ phẩm Trường Phúc có địa chỉ tại thửa đất 1497, tờ bản đồ 132, khu phố 1B, phường An Phú, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương bị xử phạt 4 triệu đồng do kinh doanh 5kg nguyên liệu Torm Ford Fragrane, số lô 2019095172, NSX: 10.09.2019, HSD: 10.09.2022 không rõ nguồn gốc xuất xứ, có giá trị 4,2 triệu đồng.
Hành vi trên là vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 17 và Khoản 3 Điều 17 của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Công ty Cổ phần Dược phẩm MEDISUN bị xử phạt 80 triệu đồng do báo cáo không chính xác các yếu tố hình thành giá thuốc theo quy định.
Tại Quyết định số 34/QĐ-XPVPHC, Công ty Cổ phần Dược phẩm MEDISUN có địa chỉ tại số 521 khu phố An Lợi, phường Hòa Lợi, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương bị xử phạt 80 triệu đồng do báo cáo không chính xác các yếu tố hình thành giá thuốc theo quy định của pháp luật đối với thuốc: ATOZ 100, UNDTAS 500, 3B-MEDI, ALPHA-MEDI, DEGODAS, GLUBET, INFLAFEN 75, MEDI-LEVOSULPIRID 50, PARTEROL 12, SOLSO, KUZBIN, HUMARED, TELZID 40/12.5.
Theo Thanh tra Bộ Y tế, hành vi trên là vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 4 Điều 66 của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế
Tại Quyết định số 35/QĐ-XPVPHC, Công ty TNHH Dược phẩm Allomed có địa chỉ tại lô A1H-KCN Mỹ Phước 3, Chánh Phú Hòa, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương đã bị Thanh tra Bộ Y tế xử phạt 84 triệu đồng do đã thực hiện các hành vi vi phạm hành chính, cụ thể: Hành vi vi phạm thứ nhất: Báo cáo không chính xác các yếu tố hình thành giá thuốc theo quy định của pháp luật đối với thuốc: Sun-Isoditrat 25mg/50ml, SĐK: VD-32435-19; Relipro 400, SĐK: VD-32447-19; Sunfloxacin 250mg/50ml, SĐK: VD-32458-19.
Hành vi trên là vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 4 Điều 66 của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Hành vi vi phạm thứ hai: Không thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất hoặc báo cáo theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về dược theo quy định của pháp luật đối với thuốc Sunfloxacin 250mg/50ml, SĐK: VD-32458-19 (chứa nguyên liệu Levofloxacin) là thuốc, dược chất thuộc danh mục chất bị cấm sử dụng trong một số ngành, lĩnh vực.
Hành vi trên là vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 55 của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Thanh tra Bộ Y tế yêu cầu 4 công ty trên thực hiện nghiêm các quy định về sản xuất, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc; rà soát các sản phẩm hiện đang sản xuất theo đúng quy định của pháp luật. Các công ty có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính này theo qui định của pháp luật.
Bảo An (T/h)