Tìm hiểu của phóng viên, Nguyễn Hoàng Group được thành lập vào tháng 8/2007, có trụ sở tại số 49 Phạm Ngọc Thạch, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM.
Công ty này đã nhiều lần thay đổi tên gọi từ Công ty cổ phần đầu tư và phát triển công nghệ Nguyễn Hoàng thành Công ty cổ phần công nghệ và giáo dục Nguyễn Hoàng. Cuối năm 2014, Công ty được đổi tên thành Công ty cổ phần đầu tư phát triển Nguyễn Hoàng (Tập đoàn Nguyễn Hoàng).
Trong các ngành nghề đăng ký kinh doanh thì Nguyễn Hoàng Group chọn giáo dục trung học cơ sở và trung học phổ thông là ngành nghề chính.
Khởi điểm, Nguyễn Hoàng Group có vốn điều lệ 105 tỷ đồng với các cổ đông sáng lập góp 99 tỷ đồng, tương đương 94,2% vốn điều lệ gồm: Ông Hoàng Quốc Việt góp 96 tỷ đồng (tỷ lệ 91,43%); bà Hoàng Nguyễn Thu Thảo góp 2 tỷ đồng (tỷ lệ 1,9%) và ông Lê Thanh Huỳnh Cang góp 1 tỷ đồng (tỷ lệ 0,95%).
Hiện ông Việt đóng vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị của doanh nghiệp này. Ngoài ra, ông Việt và bà Hoàng Nguyễn Thu Thảo (Tổng giám đốc) cùng là người đại diện theo pháp luật cho Nguyễn Hoàng Group.
Trong qua trình phát triển, Công ty cũng đã có sự thay đổi quy mô vốn nhanh chóng, từ 105 tỷ đồng năm 2013, đến năm 2019 đã tăng lên 3.000 tỷ đồng.
Từ đại gia kinh doanh “con chữ”…
Theo các thông tin công bố, ban đầu của Nguyễn Hoàng Group chỉ là một cửa hàng máy tính nhỏ trên đường Bùi Thị Xuân, quận 1, TP HCM, được thành lập vào tháng 8/1999 bởi ông Hoàng Quốc Việt. Sau đó ông Việt rẽ sang mảng giáo dục với việc thành lập trường nghề i-Space, sau này nâng cấp thành trường cao đẳng nghề i-Space.
Phải đến năm 2008, Nguyễn Hoàng Group mới thực sự bước chân vào lĩnh vực giáo dục với việc mở trường đầu tiên mang tên Trường hội nhập quốc tế iSchool tại Rạch Giá, Kiên Giang.
Từ đây, Nguyễn Hoàng Group mở rộng các cơ sở giáo dục và tham gia nhiều thương vụ M&A tại các tỉnh lân cận như: Long Xuyên (An Giang; năm 2008), Long An, Quy Nhơn (Bình Định; năm 2009), Nha Trang (Khánh Hòa; năm 2010),...
Theo giới thiệu trên website https://nhg.vn, đến nay, hệ sinh thái giáo dục của Nguyễn Hoàng Group bao gồm 60 trường học trải dài 24 tỉnh, thành phố trên cả nước với hơn 90.000 học sinh, sinh viên và hơn 4.500 cán bộ, nhân viên.
Phối cảnh "Thành phố giáo dục quốc tế" IEC Quảng Ngãi.
Hệ thống giáo dục tư thục của Nguyễn Hoàng Group là chuỗi khép kín từ bậc mầm non đến tiến sĩ. Những thành viên thuộc hệ sinh thái Nguyễn Hoàng Group có thể kể đến như: Hệ thống Trường mầm non quốc tế Saigon Academy (SGA), Hệ thống Trường hội nhập quốc tế iSchool, Hệ thống Trường quốc tế song ngữ Học viện Anh quốc (UK Academy), Hệ thống Trường quốc tế Bắc Mỹ (SNA), Trường Cao đẳng Hoa Sen, Đại học Hoa Sen, Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu (BVU), Đại học quốc tế Hồng Bàng (HIU), Đại học Gia Định,...
Trong năm 2018, Nguyễn Hoàng Group khởi công xây dựng “Thành phố giáo dục quốc tế - International Education City - IEC tại Quảng Ngãi, với diện tích 10ha, tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng.
… đến thâu tóm bất động sản "gắn mác" giáo dục?
Không chỉ hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, Nguyễn Hoàng Group còn được biết đến là chủ đầu tư của nhiều dự án nghìn tỷ từ Bắc đến Nam. Tuy nhiên, doanh nghiệp này cũng dính nhiều lùm xùm quanh các dự án "đất vàng" được gắn mác giáo dục.
Một trong những dự án gần đây, Nguyễn Hoàng Group đã đề xuất xây dựng Trường liên cấp hội nhập quốc tế iSchool tại phường Phú Mỹ (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) với tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng, quy mô 3.000 học sinh.
Vị trí khu đất mà Nguyễn Hoàng Group đề xuất thực hiện dự án có diện tích khoảng 3,27ha, nằm trong khu tái định cư 44ha tại phường Phú Mỹ. Tuy nhiên, theo quy hoạch chung của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, khu đất này thuộc quy hoạch đất công cộng (công viên). Do đó, nếu chấp thuận chủ trương đầu tư, địa phương này phải điều chỉnh cục bộ quy hoạch khu đất từ đất công viên thành đất giáo dục để thực hiện dự án.
Tại cuộc họp vào cuối năm 2020, lãnh đạo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bày tỏ sự ủng hộ với chủ trương xây dựng dự án của Nguyễn Hoàng Group. Sau đó đề nghị UBND thị xã Phú Mỹ phối hợp cùng các Sở, ngành liên quan để rà soát, xem xét điều chỉnh quy hoạch và tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai dự án.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Thắm - Chủ tịch UBND thị xã Phú Mỹ cho biết: “Do cơ chế, chủ trương chưa có sự thống nhất nên hiện tại dự án chưa triển khai được gì. Thị xã Phú Mỹ đã báo cáo lên tỉnh và đang chờ tỉnh chỉ đạo”.
Trước đó, năm 2016, Nguyễn Hoàng Group cũng từng trình bày phương án đầu tư dự án Trung tâm thương mại và dịch vụ cao cấp tại cụm 5 (trụ sở cũ của Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tại TP Vũng Tàu).
Dự án này cũng được Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời điểm đó là ông Nguyễn Văn Trình đánh giá cao và giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp ý kiến các Sở, ngành liên quan trình UBND tỉnh, báo cáo Tỉnh ủy.
Phối cảnh dự án "Thành phố giáo dục quốc tế" IEC Đắk Lắk.
Nguyễn Hoàng Group cũng dính nhiều “lùm xùm” tại dự án IEC Quảng Ngãi với diện tích khoảng 9ha thuộc phường Nghĩa Lộ (TP Quảng Ngãi). Cụ thể, dự án này trước đó không có trong quy hoạch của tỉnh Quảng Ngãi, khu đất thực hiện dự án cũng có nguồn gốc là đất công viên. Tuy nhiên năm 2017, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi bất ngờ thu hồi và chuyển giao cho Nguyễn Hoàng Group triển khai dự án Thành phố giáo dục quốc tế - International Education City - IEC Quảng Ngãi với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.
Tại Quảng Nam, Nguyễn Hoàng Group được chính quyền chấp thuận thực hiện dự án Thành phố giáo dục quốc tế tại huyện Thăng Bình với diện tích 41ha, tổng mức đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, do chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết về tiến độ nên UBND tỉnh Quảng Nam đang xem xét thu hồi.
Tại Đà Nẵng, Nguyễn Hoàng Group đã đề xuất xây dựng trường chất lượng cao ngay tại trung tâm thành phố. Tuy nhiên, khi được chấp thuận và được giao đất (không thông qua đấu giá), Nguyễn Hoàng Group đã lập tức xin chuyển đổi mục đích dự án 5.000 m2 thành 50 lô, với diện tích mỗi lô là 90 m2.
Dự án này đã được UBND TP. Đà Nẵng liệt kê là 1 trong 30 dự án vi phạm pháp luật về sử dụng đất. Người ký giao 5.000 m2 đất cho Nguyễn Hoàng Group không thông qua đấu giá là ông Trần Văn Minh - Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng lúc bấy giờ.
Nguyễn Hoàng Group cũng có đề xuất đầu tư các dự án tại nhiều khu đất vàng ở các địa phương như: Dự án IEC Hà Tĩnh (khu đất 22,1ha ngay trung tâm TP Hà Tĩnh) có tổng mức đầu tư 1.329 tỷ đồng; IEC Thanh Hóa tổng mức đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng (tại khu đất 84,2ha thuộc TP Thanh Hóa); hay IEC Vũng Tàu tổng mức đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng (trên khu đất 4,2ha tại trung tâm TP.Vũng Tàu),...
Ngoài ra, Nguyễn Hoàng Group cũng đề xuất dự án IEC Đắk Lắk tổng mức đầu tư 2.500 tỷ đồng (tại khu đất 89ha thuộc phường Tân Hòa, TP Buôn Ma Thuột; thuộc quản lý của Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk, nguồn gốc là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, hiện nay đã cổ phần hóa). Liên quan đến dự án này, tỉnh Đắk Lắk cho rằng diện tích đất mà Nguyễn Hoàng Group đề xuất quá lớn và đề nghị doanh nghiệp này giảm xuống còn 10ha - 20ha.
Bên cạnh đó, Nguyễn Hoàng Group còn đề xuất chính quyền TP Hải Phòng về việc đầu tư dự án “Thành phố giáo dục quốc tế” tại Hải Phòng với quy mô gần 70ha (ở Khu đô thị mới Bắc Sông Cấm, huyện Thủy Nguyên), tổng mức đầu tư dự kiến 13.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, năm 2019, Nguyễn Hoàng Group tiếp tục thâu tóm trường Đại học Phạm Văn Đồng nhưng không thành. Tập thể cán bộ hưu trí tại Quảng Ngãi đã gửi đơn ra Trung ương khiếu nại Nguyễn Hoàng Group muốn thâu tóm 30 ha đất vàng của trường Đại học Phạm Văn Đồng, dưới cái mác là đầu tư dự án giáo dục.
Lợi nhuận ra sao?
Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Nguyễn Hoàng Group (Công ty mẹ) lên tới 7.959 tỷ đồng, tăng tới 75% so với cuối năm 2017, phần lớn do nợ vay tăng thêm khoảng 3.000 tỷ đồng, từ 1.690 tỷ đồng lên 4.630 tỷ đồng.
Nợ vay tăng mạnh dẫn đến hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu Nguyễn Hoàng Group tăng từ 0,59 lên 1,39 giai đoạn 2017-2019.
Mặc dù sở hữu khối tài sản khổng lồ, nhưng doanh thu thuần năm 2019 chỉ là 91,4 tỷ đồng, giảm 12,5% so với năm 2018. Tuy nhiên, đây chỉ mới là kết quả hoạt động của Tập đoàn mẹ.
Đáng chú ý, Nguyễn Hoàng Group lại báo lãi sau thuế 188,7 tỷ đồng năm 2019, giảm 47,8% so với năm 2018. Năm 2020, mức doanh thu lại tương đương năm 2019, lãi ròng lại đạt trên 230 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2020, quy mô tài sản của doanh nghiệp đạt gần 10.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 3.373 tỷ đồng.
Tuy nhiên, quá trình mở rộng của doanh nghiệp này phụ thuộc khá nhiều vào nguồn nợ phải trả. Biểu hiện rõ nhất là chênh lệch tăng trưởng giữa tổng tài sản và vốn chủ sở hữu. Như năm 2020, trong khi tổng tài sản của Nguyễn Hoàng Group tăng 24% thì vốn chủ sở hữu lại giảm so với cuối năm trước.