Ngân hàng Nhà nước khẳng định không siết điều kiện vay vốn tại Thông tư 06

Ngày 24/7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, Thông tư 06/2023/TT-NHNN ban hành ngày 28/6 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 đã tháo gỡ rất nhiều nội dung nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, góp phần cung ứng thêm vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi phát triển kinh tế.
ngan-hang-nha-nuoc-khang-dinh-khong-siet-dieu-kien-vay-von-tai-thong-tu-06-1690241911.jpg
Ảnh minh hoạ (Ảnh: M.P)

Theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành, khách hàng vay vốn phải đáp ứng 3 điều kiện gồm: mục đích vay vốn hợp pháp, có phương án sử dụng vốn khả thi, có khả năng tài chính để trả nợ. NHNN nhấn mạnh đây là các điều kiện vay vốn tối thiểu mà khách hàng phải đáp ứng theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD).

Thông tư 39/2016/TT-NHNN hiện hành cũng áp dụng các điều kiện này. Cụ thể tại Điều 7 Thông tư 39/2016/TT-NHNN, TCTD xem xét, quyết định cho vay khi khách hàng có đủ các điều kiện khách hàng là pháp nhân có năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật, khách hàng là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật hoặc từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật. Ngoài ra các điều kiện, nhu cầu vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp; có phương án sử dụng vốn khả thi; và có khả năng tài chính để trả nợ.
Đối với biện pháp bảo đảm trong hoạt động cấp tín dụng, NHNN cho biết, việc áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp bảo đảm là do TCTD và khách hàng thỏa thuận. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho tổ TCTD chủ động trong hoạt động cấp tín dụng và thỏa thuận với khách hàng trong quá trình quản lý khoản vay và trả nợ của khách hàng.

Thực tế, thời gian qua, TCTD đã và đang thực hiện nhiều biện pháp bảo đảm tiền vay với nhiều loại hình tài sản khác nhau, như ô tô, tài sản hình thành trong tương lai, hàng hóa luân chuyển, quyền đòi nợ... hoặc cho vay không có tài sản bảo đảm trên cơ sở đánh giá phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả, được tổ chức tín dụng đánh giá có khả năng tài chính để hoàn trả nợ vay đầy đủ, đúng hạn cả gốc và lãi.

Theo NHNN, tài sản thế chấp chỉ là một trong các điều kiện quan trọng nhưng không phải là điều kiện hàng đầu, cũng như không phải là điều kiện bắt buộc theo quy định của pháp luật trong việc bảo đảm hoàn trả cho khoản vay, nâng cao trách nhiệm của khách hàng đối với việc trả nợ ngân hàng.
Đặc biệt, Thông tư 06 nêu rõ, đối với nhu cầu vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống tiêu dùng thiết yếu, mục đích tiêu dùng sinh hoạt của cá nhân, hộ gia đình (ví dụ như vay mua ô tô, mua trang thiết bị tiêu dùng,...), khách hàng không cần phải có phương án, dự án.
Theo đó, phương án sử dụng vốn của khách hàng chỉ cần có thông tin về tổng nguồn vốn cần sử dụng, mục đích sử dụng vốn, thời gian sử dụng vốn, và nguồn trả nợ của khách hàng, mà không cần phải xây dựng phương án, dự án cụ thể phục vụ nhu cầu đời sống.
Đối với những nhu cầu vay vốn phục vụ đời sống để mua nhà ở, xây dựng, cải tạo nhà ở; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở thường có giá trị lớn, khách hàng mới phải bổ sung phương án, dự án trong hồ sơ đề nghị vay vốn đối với nhu cầu vốn này để TCTD có đầy đủ thông tin về mục đích vay vốn của khách hàng và để đảm bảo giám sát việc khách hàng sử dụng vốn vay đúng mục đích.
Thông tư 06 cũng bổ sung quy định TCTD được xem xét, quyết định cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại tổ chức tín dụng khác với mục đích vay phục vụ nhu cầu đời sống; bổ sung việc được xem xét, quyết định cho khách hàng vay để trả khoản vay nước ngoài dưới hình thức mua bán hàng hóa trả chậm.

Đáng chú ý, NHNN cho biết Thông tư 06 đã bổ sung thêm 1 mục riêng quy định cụ thể về hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử của TCTD đối với khách hàng.

Theo đó, sẽ thúc đẩy các TCTD ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số hơn nữa vào hoạt động cho vay, từ đó rút ngắn quy trình, thủ tục, khách hàng vay không phải đến ngân hàng, rất dễ dàng và thuận lợi để tiếp cận các khoản vốn vay với thời gian nhanh hơn, thuận tiện hơn.

Đây là những quy định sẽ tạo ra những tín hiệu tích cực cho việc phát triển hoạt động cho vay tiêu dùng và hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

Một số nội dung chính quy định về hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử tại Thông tư 06 như: quy định các nguyên tắc áp dụng chung phù hợp đặc điểm hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử của TCTD; nhận biết, xác minh thông tin nhận biết khách hàng bằng phương tiện điện tử (eKYC); giao kết thỏa thuận cho vay dưới hình thức hợp đồng điện tử;

Hồ sơ vay vốn được thiết lập dưới dạng tài liệu, dữ liệu điện tử, lưu trữ hồ sơ trên môi trường số; tổ chức xét duyệt cho vay bằng phương tiện điện tử (thẩm định và quyết định cho vay); giải ngân vốn vay …

TCTD tự quyết định biện pháp, hình thức, công nghệ phục vụ hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử; xem xét, quyết định thực hiện hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử theo quy định tại Thông tư.

Bên cạnh đó, NHNN quy định cho phép TCTD triển khai eKYC khách hàng vay vốn dựa trên việc khai thác dữ liệu định danh cá nhân được xác thực bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc với cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân (CCCD) hoặc bởi tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử.

Điều này giúp gia tăng nguồn thông tin chính thống rất có giá trị cho TCTD, đảm bảo hoạt động eKYC lành mạnh, minh bạch, an toàn, phòng ngừa kịp thời rủi ro gian lận, rửa tiền, tội phạm, tiết kiệm chi phí và nguồn lực xã hội…

Thông tư 06 này sẽ có liệu lực vào ngày 1/9/2023./.

M.P