Loạt đơn vị, cá nhân “bị” nêu tên do chưa xử lý sau kết luận thanh tra ở Quảng Nam

Trong báo cáo kết quả thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, có rất nhiều tập thể, cá nhân bị Thanh tra tỉnh Quảng Nam yêu cầu xử lý, nhưng đến nay vẫn chưa xử lý theo đúng quy định kết quả thanh tra.

Ngày 6/12, tại Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, UBND tỉnh Quảng Nam đã báo cáo kết quả công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.

Trong báo cáo này, có rất nhiều tập thể, cá nhân bị Thanh tra tỉnh yêu cầu xử lý, nhưng đến nay vẫn chưa xử lý theo đúng quy định kết quả thanh tra.

Loạt đơn vị, cá nhân “bị” nêu tên do chưa xử lý sau kết luận thanh tra ở Quảng Nam   - Ảnh 1.

Tại kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, UBND tỉnh Quảng Nam đã báo cáo kết quả công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024. Ảnh: T.H

Theo đó, đối với thanh tra hành chính, toàn tỉnh tiến hành 277 cuộc thanh tra hành chính, đã ban hành 190 kết luận thanh tra, qua thanh tra tại 469 đơn vị đã phát hiện sai phạm 67.195,968 triệu đồng và 107.643,9m2 đất; kiến nghị thu hồi nộp ngân sách Nhà nước 47.592,513 triệu đồng và 98.208,5m2 đất; kiến nghị chấn chỉnh, giảm trừ giá trị quyết toán, xử lý khác 19.603,455 triệu đồng và 9.435,4m2 đất; kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm 224 tập thể, 278 cá nhân và cảnh cáo 2 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 4 vụ và chuyển thông tin sang Công an tỉnh Quảng Nam để xem xét theo thẩm quyền 1 trường hợp.

Đối với thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, lực lượng thanh tra chuyên ngành tiến hành 324 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 20.768 tổ chức, cá nhân; phát hiện và xử lý 735 tổ chức, cá nhân vi phạm; kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước 4.373,1 triệu đồng, xử phạt vi phạm hành chính 9.663,75 triệu đồng.

Đã thu hồi nộp ngân sách Nhà nước 3.013,09 triệu đồng thông qua công tác thanh tra, kiểm tra và 7.486,505 triệu đồng thông qua hoạt động xử phạt hành chính (trong đó, đôn đốc thu hồi 1.008,8 triệu đồng từ năm trước chuyển sang).

Báo cáo cũng nhấn mạnh, sau khi kết luận, Thanh tra tỉnh kiến nghị nhưng chưa xử lý hành chính gồm 13 tập thể, trong đó là UBND huyện Thăng Bình (thanh tra việc quản lý, sử dụng đất tại khu vực đất quốc phòng Đồi 42 thuộc các xã Bình Quý, Bình Nguyên và thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình); UBND huyện Tiên Phước, Thường trực UBND huyện Tiên Phước (thanh tra việc giao đất ở khi thu hồi đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Tiên Phước), UBND xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước (thanh tra công tác quản lý, sử dụng nguồn vốn trong thực hiện Nghị quyết số 159/2015/NQ-HĐND ngày 7/7/2015 của HĐND tỉnh Quảng Nam về phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2016 – 2020).

Đối với UBND huyện Đại Lộc (thanh tra công việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2015-2021); tập thể lãnh đạo UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016, bộ phận chuyên môn thuộc Sở Xây dựng liên quan trong việc thanh tra, kiểm tra công trình xây dựng (thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng khu đất cho Công ty cổ phần Tập đoàn Mường Thanh thuê đất để thực hiện Dự án Khu tổ hợp khách sạn, thương mại, dịch vụ Mường Thanh Quảng Nam tại phường An Xuân, thành phố Tam Kỳ).

Loạt đơn vị, cá nhân “bị” nêu tên do chưa xử lý sau kết luận thanh tra ở Quảng Nam   - Ảnh 2.

Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam đã "bị" nêu tên trong báo cáo của Thanh tra tỉnh. Ảnh: T.H

Ngoài ra, còn có Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND thị xã Điện Bàn (thanh tra việc giao đất xây dựng cho hộ gia đình, cá nhân và hợp thửa, cấp đổi giấy chứng nhận QSDĐ cho Cty TNHH TM tổng hợp Phước Tiến); Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Bắc Trà My (thanh tra công tác quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước tại huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2020 - 2022).

Đối với thanh tra cấp huyện kiến nghị nhưng vẫn chưa xử lý hành chính gồm, huyện Phú Ninh 5 tập thể, Tây Giang 2 tập thể, Duy Xuyên 1 tập thể, thị xã Điện Bàn 3 tập thể và TP.Hội An 14 tập thể.

Còn các cá nhân, Thanh tra tỉnh kiến nghị nhưng chưa xử lý hành chính gồm, 2 cá nhân là ông Trần Văn Toán - nguyên Phó Giám đốc Sở Địa chính và ông Lưu Văn Ba - nguyên Trưởng phòng Đăng ký thống kê thuộc Sở Địa chính - nay là Sở Tài nguyên và Môi trường thuộc Đoàn thanh tra việc quản lý, sử dụng đất tại khu vực đất quốc phòng Đồi 42 thuộc các xã Bình Quý, Bình Nguyên và thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình.

Loạt đơn vị, cá nhân “bị” nêu tên do chưa xử lý sau kết luận thanh tra ở Quảng Nam   - Ảnh 3.

Thanh tra cấp sở kiến nghị nhưng chưa xử lý hành chính gồm Sở Giáo dục và Đào tạo có 2 cá nhân... Ảnh: T.H

Thanh tra cấp sở kiến nghị nhưng chưa xử lý hành chính gồm Sở Giáo dục và Đào tạo 2 cá nhân; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 1 cá nhân; Thanh tra cấp huyện kiến nghị nhưng chưa xử lý hành chính gồm Quế Sơn 3 cá nhân, Duy Xuyên 1 cá nhân, Tây Giang 6 cá nhân, thị xã Điện Bàn 4 cá nhân.

"Công tác thanh tra đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề "nóng", vấn đề nhạy cảm, phức tạp, tồn tại kéo dài và nguy cơ cao xảy ra sai phạm như đất đai, nhà ở, đầu tư công, sử dụng ngân sách…

Chú trọng nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ các cuộc thanh tra theo kế hoạch và các cuộc thanh tra đột xuất; các kết luận thanh tra đảm bảo chặt chẽ, khách quan, kịp thời và có tính khả thi cao.

Qua thanh tra đã chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, sơ hở trong quản lý, chỉ đạo, điều hành; phát hiện, kiến nghị xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật; công tác đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra được thực hiện quyết liệt nên đã có những chuyển biến tích cực", UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh.

Cũng theo UBND tỉnh Quảng Nam, trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế, hầu như việc phát hiện tham nhũng qua tự kiểm tra trong nội bộ là không có.

Một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự quyết liệt trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập, chưa phân công rõ nhiệm vụ giữa thanh tra và bộ phận phụ trách về công tác tổ chức, cán bộ nên triển khai thực hiện việc kê khai còn chậm, phải tiến hành đôn đốc, nhắc nhở nhiều lần.