Chú thích ảnh

Sản xuất các loại loa và tai nghe điện thoại di động tại nhà máy của Công ty TNHH Điện tử Foster (Bắc Ninh), tại Khu Công nghiệp Đô thị và Dịch vụ VSIP Bắc Ninh, xã Phù Chẩn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh minh họa: Thống Nhất/TTXVN

Theo bài viết, phần lớn tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dựa vào sự dịch chuyển lao động từ lĩnh vực nông nghiệp truyền thống sang các ngành sản xuất và dịch vụ, bên cạnh việc tăng cường cơ giới hóa của ngành nông nghiệp.

Việt Nam là một trong những thị trường lao động lớn nhất ASEAN, với khoảng 56 triệu người, và tỷ lệ tham gia lao động là 76%. Tuy nhiên, do lực lượng lao động ở Việt Nam đang tiếp tục phát triển, có một số khó khăn trong việc tìm kiếm lao động có tay nghề, bởi vì chỉ có 12% lực lượng lao động được trang bị những kỹ năng cao.

Theo tác giả bài viết, tình trạng thiếu hụt lao động kỹ năng và nhân tài đặc biệt nghiêm trọng trong các ngành như công nghệ và ngân hàng. Việt Nam hiện đang thiếu hơn 70.000 nhân viên công nghệ thông tin (CNTT) mỗi năm và chính phủ đang đặt mục tiêu đào tạo 1,3 triệu nhân viên CNTT vào năm 2025. Hơn nữa, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lao động chất lượng khi ngày càng nhiều công ty chuyển toàn bộ hoặc một phần hoạt động sản xuất sang Việt Nam, đặc biệt là đối với các kỹ sư, nhà quản lý và nhà phát triển phần mềm.

Để giải quyết những thách thức trong lực lượng lao động, Chính phủ Việt Nam tuyên bố sẽ ưu tiên điều chỉnh các ngành công nghiệp theo hướng kỹ thuật số và cải thiện khả năng tiếp cận các chương trình đào tạo tại chỗ trong các lĩnh vực này. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp cũng đang tăng cường hợp tác với khu vực tư nhân để thiết lập nhiều chương trình đào tạo dựa trên nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp. Việt Nam khuyến khích đổi mới môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư nước ngoài, do đó, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố tiên quyết trong tiến trình đưa đất nước đổi mới về mặt công nghệ.

Thu Hằng

Báo tin tức