Giải quyết ngập là vấn đề cốt lõi trong quy hoạch TP Thủ Đức

TP Thủ Đức có nguy cơ ngập lụt cao trong tương lai và gây thiệt hại hàng chục triệu USD nếu không được kiểm soát là vấn đề được nhiều chuyên gia lưu ý khi quy hoạch chung TP.

Dọc xa lộ Hà Nội TP Thủ Đức. Ảnh: Quỳnh Danh.

Số điểm ngập và điểm cần theo dõi ngập tại TP Thủ Đức chiếm đa số so với phần còn lại của TPHCM. Với địa hình trũng thấp chiếm hơn 65% tổng diện tích, TP Thủ Đức có nguy cơ ngập nặng khi mực nước sông dâng cao.

Dẫn chứng được ông Nguyễn Đỗ Dũng, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn quốc tế enCity (Singapore) – thuộc liên danh Sasaki- enCity đạt giải nhất cuộc thi Ý tưởng quy hoạch khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông, nêu tại hội thảo góp ý đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức đến năm 2040, diễn ra chiều 21/10.

Ông Dũng cũng đưa ra dự báo về tình hình ngập nước tại TP Thủ Đức có nguy cơ ngày càng nghiêm trọng khi chịu tác động bởi sụt lún địa hình, biến đổi khí hậu, lượng mưa, mực triều ngày càng tăng nhanh. Trong khi đó, các đề án chống ngập hiện tại chưa làm rõ các giải pháp toàn diện để kiểm soát ngập cho TP Thủ Đức.

Cũng theo chuyên gia quy hoạch Nguyễn Đỗ Dũng, TP Thủ Đức cần phân lớp kiểm soát ngập để phù hợp với tình hình, điều kiện từng nơi nhằm thích ứng và giảm thiểu thiệt hại. Các giải pháp công trình để tạo không gian, kiểm soát ngập và mặn, cùng các hồ điều tiết cần được tính đến.

Tương tự, rủi ro ngập lụt tăng cao trong tương lai cũng là vấn đề được chuyên chuyên gia Nguyễn Huy Dũng, Ngân hàng Thế giới World Bank, đề cập nhiều khi góp ý đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức.

Với lợi thế tự nhiên được bao quanh bởi sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và hệ thống kênh, rạch dày đặc, chuyên gia cho rằng TP Thủ Đức cần lấy nước để làm trung tâm cho việc hình thành quy hoạch.

Quy hoach TP Thu Duc anh 1

Chuyên gia Nguyễn Huy Dũng, Ngân hàng Thế giới World Bank. Ảnh: Quang Huy.

“Theo tính toán, hiện nay, TP Thủ Đức thiệt hại 53 triệu USD/năm do ngập lụt. Nếu chúng ta không làm gì, thiệt hại mỗi năm mà địa phương phải hứng chịu là 84 triệu USD (mức tiền ở thời điểm hiện tại). Tỷ lệ diện tích bị ngập lụt sẽ tăng từ 31% hiện nay lên 37% vào năm 2050”, chuyên gia Nguyễn Huy Dũng nói.

Để bảo vệ thành phố khỏi ngập lụt, chuyên gia nhìn nhận khi quy hoạch, Thủ Đức cần tính toán giảm lượng nước từ khu vực đồi núi, vùng trung du xuống khu vực đồng bằng cả tốc độ và lượng để tránh tạo áp lực tiêu, thoát nước cho khu vực trũng, thấp.

Đối với vùng thượng nguồn, đồi núi, TP Thủ Đức cần tăng khả năng chứa, thấm nước. Vùng trung du - nằm giữa đồi núi và đồng bằng có thể tính toán vừa tăng sức chứa, vừa tăng khả năng thoát nước. Còn vùng hạ lưu sẽ là nơi vừa phải bảo vệ, chống nước tràn vào từ bên ngoài sông, vừa tăng khả năng chứa, thấm và kèm theo những giải pháp thích ứng.

Mặt khác, chuyên gia nhìn nhận cần tránh tối đa việc đặt các hạ tầng cơ sở vào các vùng dễ bị tổn thương. Vì giá trị đầu tư hạ tầng để bảo vệ thành phố khỏi ngập lụt rất cao.

“Nước là một lợi thế chứ không phải điểm yếu. Nếu ta đặt hạ tầng, chi phí hạ tầng cơ sở bảo vệ, duy tu hàng năm sẽ rất lớn. Trong khi đó, tác động của nước đến dịch vụ giao thông đường thủy, môi trường bị kém đi. Mà 2 khía cạnh này là những ngành nghề đem lại nguồn thu cho thành phố”, ông Dũng nói.

Theo thống kê của Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, số điểm ngập thường xuyên và thời gian ngập qua các năm của TP Thủ Đức tăng dần qua các năm. Từ 18 điểm ngập vào năm 2018, số điểm ngập đã tăng gấp đôi lên 37 điểm trên toàn thành phố vào năm 2022.

Quy hoach TP Thu Duc anh 2
Bản đồ dự báo mực nước triều có xu hướng tăng nhanh dưới tác động của biến đổi khí hậu. Ảnh: DC.

Bên cạnh đó, lượng mưa trung bình năm ở TP Thủ Đức được dự báo tăng theo thời gian đến 24% vào năm 2100 so với giai đoạn 1986-2005, tương ứng 1.900 mm.

Nước biển dâng cũng được dự báo có xu hướng tăng tương tự với mức tăng 7-13 cm trong vòng 5 năm tới. Sau giai đoạn từ 2050 đến 2100, mực nước biển được dự báo vượt trội 22-72 cm.