Giá cà phê hôm nay 6/1, Robusta tiếp tục lao dốc mạnh, vấn đề logistics được dự đoán còn kéo dài

Tình trạng tắc nghẽn tại các cảng quốc tế được dự đoán có thể còn kéo dài. Hiện tại, do thiếu nguồn cung cà phê arabica, một số nhà rang xay đang tìm đến phương án phối trộn cà phê arabica và robusta nhằm hạ giá bán. Điều này về lâu dài có thể giúp thay đổi khẩu vị người tiêu dùng và quen hơn với việc uống cà phê robusta rang xay.
Giá cà phê hôm nay 6/1, dfihs
Giá cà phê trong nước giảm 300 đồng/kg tại các địa phương thu mua trọng điểm trong phiên giao dịch hôm qua 5/1. (Nguồn: Getty Images)

Cập nhật giá cà phê hôm nay 6/1

Giá cà phê hôm nay giao dịch trên cả hai sàn kỳ hạn đều đi xuống. Trong đó, giá cà phê robusta tiếp tục sụt giảm do đầu cơ đã mua ròng quá mức, trong khi lượng hàng khá lớn từ Indonesia và Brazil theo phương thức vận tải cũ "không conts" đang trên đường đến châu Âu cũng khiến đầu cơ cần cân đối, điều chỉnh vị thế hiện đang nắm giữ.

Trong khi đó, cà phê robusta vụ mới ở Việt Nam đã được đưa ra thị trường nội địa. Tuy nhiên, thương mại có dấu hiệu nhỏ giọt, vẫn chưa thể hiện sự sôi động như các năm trước. Theo các đại lý thu mua ở địa phương, nông dân cà phê tỏ ra không mặn mà bán ra khi bị áp giá trừ lùi ở mức “quá cao”. Giới quan sát cho rằng, thị trường đang xảy ra hiện tượng hiện tượng đầu cơ "bán London, mua New York" để tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn…

Ghi nhận của TG&VN trước giờ đóng cửa phiên giao dịch liền trước (ngày 5/1), giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London kỳ hạn giao tháng 3/2022 tiếp tục giảm thêm 32 USD (1,36%), giao dịch tại 2.317 USD/tấn; Trong khi, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 5/2022 giảm 30 USD (1,31%), giao dịch tại 2.263 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình.

Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York chỉ còn giảm nhẹ, kỳ hạn giao tháng 3/2022 giảm 0,05 Cent (0,02%), giao dịch tại 231,7 Cent/lb. Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 5/2022 giảm 0,1 Cent (0,04%), giao dịch tại 231,7 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng trung bình

Thông tin thị trường cà phê

Giá cà phê trong nước giảm 300 đồng/kg tại các địa phương thu mua trọng điểm trong phiên giao dịch hôm qua 5/1.

Giá trung bình

Thay đổi

FOB (TP. HCM)

2.404

Trừ lùi: +55

ĐẮK LẮK

41.200

- 300

LÂM ĐỒNG

40.400

- 300

GIA LAI

41.100

- 300

ĐẮK NÔNG

41.100

- 300

Đơn vị tính: VND/kg | FOB: USD/tấn

FOB một thuật ngữ viết tắt trong tiếng Anh của cụm từ Free On Board, nghĩa là Miễn trách nhiệm Trên Boong tàu nơi đi còn gọi là "Giao lên tàu".

Trừ lùi là mức giá mà bên mua trừ vào giá của bên bán. Thường là do vấn đề về chất lượng và thương hiệu.

(Nguồn: Giacaphe.com)

Đồng Real giảm trước sự lo lắng của thị trường toàn cầu liên quan đến việc Fed nâng lãi suất cơ bản USD trong nửa đầu năm nay do lo ngại lạm phát và sự tăng trưởng theo cấp số nhân của biến thể Omicron ở Mỹ và châu Âu.

Trong tháng 12/2021, giá cà phê robusta tiếp tục duy trì đà tăng khi nguồn cung giảm, theo báo cáo mới nhất từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương).

Xuất khẩu từ hai quốc gia sản xuất cà phê robusta lớn nhất Đông Nam Á là Việt Nam và Indonesia giảm. Nguồn cung hàng vụ mới cho thị trường bị chậm lại do thời tiết bất lợi và dịch bệnh tại Việt Nam kéo dài.

Trong khi đó, giá cà phê arabica giảm trở lại sau báo cáo kết quả khảo sát vụ mùa lần thứ 4 và cũng là lần cuối cùng của năm 2021 của Cơ quan Cung ứng và Dự báo Nông sản (Conab) thuộc Bộ Nông nghiệp Brazil.

Cụ thể, Conab điều chỉnh tổng sản lượng cà phê Brazil năm 2021 tăng 0,8 triệu bao lên mức 47,7 triệu bao. Trong đó, arabica tăng 0,7 triệu bao lên 31,4 triệu bao và robusta tăng 0,2 triệu bao so với dự báo hồi tháng 9/2021, lên mức kỷ lục 16,3 triệu bao. Báo cáo của Conab thường được cho là thấp hơn sản lượng thực tế khoảng từ 6 - 10%, nên việc điều chỉnh tăng kỳ này càng chứng tỏ sản lượng cà phê Brazil không thiếu hụt nghiêm trọng do ảnh hưởng của thời tiết.

Xuất khẩu cà phê của Brazil các tháng gần đây giảm có thể do vấn đề logistics. Theo Hiệp hội Xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafé), từ đầu năm 2021 đến nay, khoảng 222 nghìn tấn cà phê xuất khẩu bị giao trễ do đợt đình công trước đây tại cảng Santos và khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong khi đó, người trồng cà phê Brazil tăng xuất khẩu nhằm tránh rủi ro trước kỳ nghỉ Lễ Giáng Sinh và Năm mới 2022.

CHU AN