Đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp từ ngày 1/7

Bộ LĐTB&XH đề xuất tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội từ ngày 1/7. Với người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trước năm 1995, mức tăng là 20,8%.

Nội dung trên có trong dự thảo Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng, đang được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lấy ý kiến.

Theo đó, Bộ đề xuất tăng 12,5% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng của tháng 6/2023 đối với các nhóm đã được điều chỉnh theo Nghị định 108 của Chính phủ ban hành ngày 7/12/2021.

Đồng thời, đề xuất tăng 20,8% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng của tháng 6/2023 đối với các đối tượng chưa được điều chỉnh theo Nghị định 108.

Cùng với đó, Bộ đề xuất điều chỉnh đối với những người hưởng trước năm 1995 có mức lương hưu, trợ cấp hàng tháng dưới 3 triệu đồng/tháng. Mức điều chỉnh cho nhóm này sẽ được tính theo số tiền tuyệt đối.

Cụ thể, việc điều chỉnh sẽ thực hiện theo nguyên tắc người có lương hưu, trợ cấp dưới 2,7 triệu đồng/tháng sẽ được tăng bù thêm 300.000 đồng/người/tháng.

Người đang có mức hưởng 2,7-3 triệu đồng/tháng, mức tăng sẽ đảm bảo để người dân được nhận 3 triệu đồng/tháng.

Với việc điều chỉnh nêu trên, Bộ LĐTB&XH dự kiến có khoảng 230.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng từ trước ngày 1/1/1995 thuộc đối tượng điều chỉnh do Ngân sách nhà nước chi trả. Kinh phí điều chỉnh khoảng 330 tỷ đồng.

Thời gian điều chỉnh được đề xuất từ ngày 1/7.

tang luong huu anh 1

Bộ LĐTB&XH đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng từ ngày 1/7, sau gần 2 năm áp dụng mức tăng theo Nghị định 108. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.

So với Nghị định 108 về việc tăng lương hưu, trợ cấp được Chính phủ ban hành cuối năm 2021, dự thảo Nghị định mới đã điều chỉnh mức tiêu chuẩn từ 2,5 triệu đồng lên thành 3 triệu đồng/tháng.

Đồng thời, dự thảo mới bổ sung đối tượng thụ hưởng là người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng và trợ cấp tuất hàng tháng trước ngày 1/1/1995. Đây là nhóm đối tượng không được điều chỉnh theo quy định tại Nghị định số 108 của Chính phủ.

Để đảm bảo tương quan với người đang hưởng trợ cấp từ ngày 1/1/1995 trở đi, mức hưởng của các đối tượng trên được xác định dựa trên mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng và được điều chỉnh khi Chính phủ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở.

Theo Nghị định 108 của Chính phủ, 8 đối tượng được đề xuất điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng gồm:

- Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng.

- Cán bộ xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

- Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng theo quy định của pháp luật; người đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 91 và số 613 của Chính phủ; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo chính sách đối với công nhân mới giải phóng làm nghề nặng nhọc, có hại sức khỏe nay già yếu phải thôi việc.

- Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 130/CP ngày 20/6/1975 của Hội đồng Chính phủ và Quyết định số 111-HĐBT ngày 13/10/1981 của Hội đồng Bộ trưởng về việc sửa đổi, bổ sung một số chính sách, chế độ đối với cán bộ xã, phường.

- Quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 142, bổ sung Quyết định số 142 và Quyết định số 38 của Chính phủ.

- Công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 53 Chính phủ.

- Quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 62 của Chính phủ.

- Người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng.

Theo dự thảo, 8 nhóm trên có thể hưởng mức tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng là 12,5% từ ngày 1/7/2023.