Cách đây 2 năm, khi các đợt phong tỏa chống dịch Covid-19 khiến kinh tế toàn cầu ngưng trệ, giá dầu thô tương lai có lúc rơi xuống mức âm, tức người bán phải trả tiền để lưu trữ dầu. Nhưng bức tranh đã thay đổi hoàn toàn vào năm nay.
Nhu cầu phục hồi mạnh mẽ đã đẩy giá dầu thô thế giới tăng cao. Nhưng xung đột Nga - Ukraine mới là động lực chính khiến giá dầu tăng lên mức kỷ lục trong nhiều thập kỷ. Giá năng lượng tăng cao cũng đóng góp lớn vào lạm phát.
Đến giờ, điều mà nhiều nhà đầu tư dầu lo ngại đã xảy ra. Giá xăng dầu kỷ lục khiến nhu cầu bị phá hủy. Cùng với đó, mối lo ngại suy thoái - chủ yếu do lạm phát tăng nóng - cũng đè nặng lên thị trường dầu.
Thị trường dầu thế giới trồi sụt liên tục trong vòng 2 năm qua. Ảnh: Reuters. |
Phá hủy nhu cầu
Giá dầu thô thế giới đã lao dốc mạnh trong những ngày qua. Theo dữ liệu của Trading Economics, giá dầu thô Brent tiêu chuẩn toàn cầu đang ở mức 97,3 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI của Mỹ dao động quanh ngưỡng 91 USD/thùng.
Trong vòng 24 giờ qua, giá dầu WTI có lúc rơi xuống 90,8 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 2.
Cuối tuần trước, giá dầu Brent đã giảm mạnh một mạch từ gần 111 USD/thùng xuống dưới 103 USD/thùng do những thông tin tiêu cực về nền kinh tế Mỹ.
"Giá dầu sụt giảm khi dự trữ dầu của Mỹ tăng đột biến. Điều này đặt ra câu hỏi về nhu cầu nhiên liệu", ông Craig Erlam - nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở London - bình luận với Zing.
Mới đây, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng 4,467 triệu thùng trong tuần trước lên 426,6 triệu thùng, mức tăng lớn nhất trong vòng một tháng và vượt xa dự báo của giới quan sát.
Sản lượng của các nhà máy lọc dầu cũng giảm 174.000 thùng/ngày, trong khi công suất hoạt động sụt giảm 1,2 điểm phần trăm.
Những lo ngại về nhu cầu đã lấn át tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Giá dầu tiếp tục sụt giảm ngay cả khi OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh) đồng ý nâng mục tiêu sản lượng thêm 100.000 thùng/ngày vào tháng 9. Đây được đánh giá là con số khá nhỏ.
Khi giá xăng dầu tăng cao, các tài xế đang tìm cách di chuyển ít hơn. Nhiều người chuyển sang đi chung xe hoặc dùng phương tiện giao thông công cộng. Một số nhân viên văn phòng tăng số ngày làm việc từ xa.
Giá xăng trung bình tại Mỹ đã ghi nhận ngày giảm thứ 50 liên tiếp. Ảnh: Reuters. |
Theo ông Tom Kloza - Trưởng bộ phận Phân tích năng lượng toàn cầu tại OPIS, nhu cầu bị phá hủy sẽ tạo cơ hội cho cung theo kịp cầu.
Sự sụt giảm trên thị trường hiện tại vẫn nhỏ hơn nhiều cú rơi hồi năm 2020. Thời điểm đó, các đợt phong tỏa để đối phó với dịch Covid-19 khiến hàng triệu người bị mắc kẹt ở nhà.
Tuy nhiên, sự sụt giảm trên thị trường vào thời điểm này cho thấy người tiêu dùng đã bắt đầu cắt giảm chi tiêu cho nhiên liệu khi giá tăng mạnh.
Ông Andrew Clyde - Giám đốc điều hành của công ty bán lẻ nhiên liệu Murphy USA Inc. (có trụ sở tại bang Arkansas, Mỹ) - tiết lộ người tiêu dùng đang mua ít xăng hơn, nhưng lại ghé trạm xăng thường xuyên hơn.
Theo ông, điều này gợi nhớ đến giai đoạn năm 2008, khi các tài xế săn lùng xăng giá rẻ, chuyển từ loại trung, cao cấp sang xăng thường và di chuyển ít hơn trong bối cảnh giá xăng tăng mạnh.
Theo AAA Gas Prices, giá xăng trung bình tại Mỹ đã giảm xuống 4,16 USD/gallon hôm 3/8, đánh dấu ngày giảm thứ 50 liên tiếp.
Kể từ mức cao kỷ lục 5,02 USD/gallon hôm 14/6, giá xăng đã lao dốc 0,86 USD. Chỉ trong tháng qua, giá xăng trung bình trên khắp nước Mỹ sụt giảm 0,65 USD.
AAA Gas Prices ghi nhận 19 bang có giá xăng trung bình dưới 4 USD/gallon.
Nguy cơ suy thoái
Sau khi Nga đổ quân vào Ukraine, các lệnh trừng phạt nhắm vào Điện Kremlin khiến nguồn cung dầu toàn cầu bị thắt chặt nghiêm trọng, đẩy giá tăng phi mã. Giá năng lượng tăng cao đã góp phần lớn vào mức lạm phát kỷ lục ở nhiều quốc gia trên thế giới, buộc các ngân hàng trung ương phải mạnh tay nâng lãi suất để hạ nhiệt giá cả.
Lạm phát và lãi suất tăng cao tác động mạnh tới các hoạt động kinh tế. "Giá dầu thô lao dốc sau thông tin về hoạt động yếu kém của các nhà máy trên toàn cầu. Điều này cho thấy kinh tế toàn cầu đang cận kề một cuộc suy thoái", ông Edward Moya - nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở Mỹ - giải thích với Zing.
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, hoạt động sản xuất tại đất nước 1,4 tỷ dân bất ngờ đi xuống vào tháng 7. Nguyên nhân là nhu cầu yếu và các lệnh phong tỏa ngăn Covid-19.
Trong khi đó, PMI do S&P Global đo lường tại các nước khu vực đồng tiền chung châu Âu đã giảm từ 52,1 trong tháng 6 còn 49,8 vào tháng 7, đánh dấu lần đầu tiên giảm xuống dưới ngưỡng 50 kể từ tháng 6/2020.
Các hoạt động kinh tế ở Mỹ cũng suy yếu. Tốc độ tăng trưởng của các công ty sản xuất tại Mỹ trong tháng 7 đã rơi xuống mức thấp nhất trong 2 năm.
Các hoạt động sản xuất bị đình trệ sẽ đè nặng lên nhu cầu dầu. Ảnh: Reuters. |
Khi triển vọng kinh tế suy yếu, các hoạt động sản xuất, vận chuyển và di chuyển lao dốc sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu dầu. "Mối lo ngại suy thoái ngày càng phình to. Nếu một cuộc suy thoái thực sự xảy ra, tình trạng mất cân bằng cung - cầu sẽ được giải quyết phần nào, dù đó không phải là cách mà chúng ta mong muốn", ông Craig Erlam - nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở London - bình luận với Zing.
Ông cảnh báo giá dầu có thể lao dốc xuống dưới ngưỡng 90 USD/thùng nếu những lo ngại về suy thoái tiếp tục phình to.
Ở chiều ngược lại, chuyên gia Moya cho rằng ngay cả khi một cuộc suy thoái thực sự xảy ra, giá xăng dầu vẫn ở mức cao do tình trạng khan hiếm nguồn cung.
Dù ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục trong năm nay, các tập đoàn năng lượng toàn cầu vẫn thận trọng trong việc nâng sản lượng. Một phần nguyên nhân là những lo ngại rằng các quy định về môi trường có thể làm nhu cầu lao dốc trong tương lai.
Thêm vào đó, họ không rõ liệu đà tăng của nhu cầu có kéo dài hay không. "Hầu hết công ty đã báo cáo thu nhập kỷ lục trong quý này", chuyên gia Paul Cheng tại Scotiabank bình luận. "Nhưng với nguy cơ suy thoái kinh tế và bài học từ năm 2020, tôi cho rằng ngành công nghiệp vẫn sẽ thận trọng", ông nói thêm.