Trong các cuộc suy thoái kinh tế, giá dầu đều tạo đỉnh và có biến động cùng chiều với thị trường chứng khoán. Đặc biệt, mức tương đồng mạnh diễn ra trước và sau khi giá dầu tạo đỉnh. Nguyên nhân do giá dầu có mức ảnh hưởng lớn đến khả năng cung cấp hàng hóa và nhu cầu tiêu dùng của nền kinh tế.

Về nguồn cung, giá dầu ảnh hưởng không chỉ đến chi phí đầu vào của khá nhiều ngành nghề kinh doanh mà còn cả chỉ phí vận tải các loại hàng hóa để đưa đến tay người tiêu dùng. Về nguồn cầu, giá dầu có gây ảnh hưởng khá mạnh lên giá cả hàng hóa nông nghiệp, giá điện và giá xăng. Đây đều là loại hàng hóa tiêu dùng thường ngày của người dân trong nền kinh tế. Do ảnh hưởng lên các yếu tố quan trọng như vậy, diễn biến giá dầu thô cũng gây ảnh hưởng đáng kể tới vận động của thị trường chứng khoán. 

Giá dầu suy giảm, nhóm ngành nào ít chịu ảnh hưởng và có thể tăng mạnh nhất? - Ảnh 1.

 

Đối với Hoa Kỳ, báo cáo phân tích mới đây của BSC chỉ ra rằng quyền số của nhóm ngành giao thông vận tải trong CPI Hoa Kỳ chiếm 21,93%. Điều này cũng dẫn đến việc biến động mạnh của giá dầu sẽ trực tiếp tạo ảnh hưởng khá mạnh lên tình trạng lạm phát Hoa Kỳ. Biến động mạnh về lạm phát và tăng trưởng kinh tế thường dẫn đến sự thay đổi về chính sách tiền tệ của FED và từ đó, tác động trực tiếp đến lượng tiền tệ chảy vào nền kinh tế và thị trường tài chính.

Phân tích tác động của giá dầu lên TTCK Hoa Kỳ,  BSC đánh giá dựa trên thống kê qua những đợt khủng hoảng. Đối với khủng hoảng năm 1990, một số ngành giảm hoặc tăng ít như ngành Dịch vụ viễn thông, ngành Năng Lượng. Trong khi đó, ngành tăng mạnh gồm Bán lẻ, Tài chính, Ngân hàng, Phần mềm & Dịch vụ.

Đối với khủng hoảng Dotcom 2000, ngành giảm nhiều nhất là thiết bị và phần cứng công nghệ, ngành phần mềm và dịch vụ, ngành tiện ích, viễn thông. Trong khi đó, ngành giảm ít hoặc ít tăng là thực phẩm đồ uống, hàng hóa gia dụng và cá nhân, dịch vụ thương mại và chuyên nghiệp. Mặt khác, BSC thống kê ngành may mặc, bán lẻ, ngân hàng, dịch vụ tiêu dùng vật liệu sẽ hồi phục mạnh mẽ nhất.

Đối với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, ngành ô tô, năng lượng, tài chính giảm mạnh nhất. Trong khi đó, hồi phục mạnh nhất sau cuộc khủng hoảng là ngành tiêu dùng, bán lẻ.

Nhìn chung, BSC đánh giá các nhóm ngành liên quan trực tiếp đến các ngành nghề kinh doanh gây ra khủng hoảng kinh tế đều suy giảm mạnh và có tốc độ hồi phục chậm hơn so với các ngành khác. Nhóm ngành Năng lượng đều điều chỉnh khá mạnh theo xu hướng suy giảm của giá dầu. Ngược lại, nhóm ngành ít chịu ảnh hưởng và tăng mạnh: Ngành Dịch vụ tiêu dùng, Ngành bán lẻ, Ngành Thực phẩm và đồ uống.

Đối với TTCK Việt Nam, Chứng khoán BSC đánh giá tác động của giá dầu lên thị trường chứng khoán sẽ khiến chỉ số ngành Năng lượng, Dược phẩm, Công nghiệp hỗ trợ, Dịch vụ viễn thông giảm mạnh. Ngược lại, ngành ít chịu ảnh hưởng hoặc hồi phục mạnh: Dịch vụ tiêu dùng, bán lẻ.

Giá dầu suy giảm, nhóm ngành nào ít chịu ảnh hưởng và có thể tăng mạnh nhất? - Ảnh 2.

 

Nhìn lại quá khứ, đội ngũ phân tích cho rằng TTCK Việt Nam trong các đợt suy thoái/khủng hoảng kinh tế đã chứng kiến mức sụt giảm mạnh. Nhìn chung, sau 12 tháng kể từ thời điểm bước vào giai đoạn khủng hoảng VN-Index đã có sự hồi phục đáng kể tuy nhiên mức độ hồi phục so với thời điểm trước khi suy thoái xảy ra là không nhiều – ngoại trừ cuộc suy thoái nhẹ năm 2020 khi Chính phủ kích thích kinh tế, nới lỏng CSTT nhằm hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với đại dịch Covid-19.

Hiện nay bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến khó lường khi các NHTW trên thế giới đang bước vào "cuộc đua" nâng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát khi giá cả tiếp tục leo thang. Trường hợp nền kinh tế Mỹ bước vào giai đoạn suy thoái như nhiều tổ chức dự báo sẽ tác động đến toàn bộ bức tranh kinh tế thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.

Tuy nhiên hiện tại Việt Nam vẫn là quốc gia được nhiều tổ chức uy tín đánh giá có các yếu tố chính trị, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng tốt… so với thế giới, do đó sức bật của nền kinh tế nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng sẽ tốt hơn nếu kịch bản khủng hoảng xảy ra.

Hạ Anh

Theo Nhịp sống kinh tế