Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TP HCM) chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc thời gian qua, có rất nhiều sai phạm trong triển khai dự án kinh doanh bất động sản; nhiều vụ án khởi tố hình sự do vi phạm pháp luật khi ký hợp đồng chưa đủ điều kiện huy động vốn, chưa đủ điều kiện giao dịch, chuyển nhượng, một tài sản nhưng chuyển nhượng cho nhiều người, huy động vốn dưới hình thức thỏa thuận hợp đồng nguyên tắc để bán, hợp đồng đặt cọc thỏa thuận đăng ký giữ chỗ.
Cư dân tại chung cư TDH River View (lô H) thuộc khu nhà ở phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức (do Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức làm chủ đầu tư) cũng mòn mỏi chờ sổ hồng - Ảnh: Quốc Bảo
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng đánh giá về tình hình vi phạm pháp luật nêu trên và đưa ra giải pháp để xây dựng hành lang pháp lý an toàn, hài hòa lợi ích doanh nghiệp và người mua.
Trả lời vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết thị trường bất động sản trong thời gian qua đã có bước phát triển mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội đất nước, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó, thị trường cũng bộc lộ một số bất cập, tồn tại, trong đó có việc chủ đầu tư huy động vốn từ người mua nhà khi dự án nhà ở chưa đủ điều kiện huy động vốn, lách luật huy động vốn thông qua hình thức đặt cọc… dẫn đến vướng mắc không làm được thủ tục, không bàn giao được Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở cho người mua.
Theo Bộ Xây dựng, các tồn tại trong việc chủ đầu tư lách luật huy động vốn khi chưa đủ điều kiện pháp lý có nhiều nguyên nhân, trong đó có một số nguyên nhân trực tiếp tác động như: Pháp luật hiện hành còn chưa hoàn thiện, đồng bộ để đảm bảo ngăn chặn được triệt để các hành vi lách luật để huy động vốn trong giao dịch bất động sản; năng lực chủ đầu tư dự án bất động sản chưa được sàng lọc tốt, hiểu biết pháp luật và tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản chưa cao, có tâm lý chạy theo lợi nhuận; thông tin về thị trường bất động sản chưa thông suốt; công tác thanh tra, kiểm tra, phổ biến pháp luật, giám sát việc tuân thủ quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh bất động sản chưa đáp ứng kịp yêu cầu quản lý thị trường bất động sản.
Về giải pháp để hạn chế việc lách luật huy động vốn, kiểm soát để thị trường bất động sản an toàn, ổn định, thời gian qua, Bộ Xây dựng và các Sở Xây dựng các địa phương đã triển khai thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra hoạt động kinh doanh bất động sản, xử lý các vi phạm. Bộ Xây dựng đã tổ chức các đoàn kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về nhà ở và thị trường bất động sản tại địa phương theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao. Qua thanh tra, kiểm tra, bên cạnh việc xử lý các sai phạm, đồng thời các cơ quan thẩm quyền cũng đã phát hiện một số tồn tại, hạn chế về quản lý thị trường bất động sản và đề nghị các địa phương khắc phục.
Bộ Xây dựng đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 29-8-2022 về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Trong đó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp góp phần ổn định thị trường bất động sản, giá bất động sản đảm bảo thị trường phát triển an toàn, bền vững, lành mạnh; rà soát các quy định của pháp luật để giải quyết các hợp thức hóa sai phạm, đồng thời đánh giá khách quan, xác định nguyên nhân, có cơ chế tháo gỡ những vướng mắc thực tiễn đặt ra.
Hiện nay, Bộ Xây dựng đang chủ trì xây dựng Luật Nhà ở sửa đổi, bổ sung và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, bổ sung. Trong các dự thảo các Luật sửa đổi, bổ sung nêu trên đã chú trọng xây dựng nhóm hệ thống các quy định nhằm quy định đồng bộ, bao quát giữa việc vừa tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi, đồng thời cũng đảm bảo có sự quản lý, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ đúng biện pháp bảo đảm trong giao dịch mua bán bất động sản hình thành trong tương lai; quy định chặt chẽ, phù hợp thực tiễn về điều kiện của bất động sản đưa vào kinh doanh…