Mới đây, chị N.T.T ở quận 3, TP.HCM điện thoại cho tôi hỏi: "Em ơi cho chị hỏi, chị nhận được 400 triệu từ một tài khoản lạ không biết ai gửi, bây giờ phải làm sao em?".

Biết được đây là chiêu thức lừa đảo gửi tiền nhầm, nên tôi tư vấn cho chị T. đến ngân hàng báo sự việc này. Tôi đã dặn chị T nếu có người gọi điện thoại đến nói là chuyển nhầm tiền và kêu chị chuyển lại số tiền trên hoặc chuyển vào số tài khoản khác thì chị không chuyển.

Do chưa biết về chiêu thức lừa này nên chị T hỏi và được tôi giải thích kỹ. Một lúc sau, chị T gọi điện thoại cho tôi nói: "Sao em hay vậy, đúng như em nói, có người vừa gọi điện thoại đến nói gửi nhầm tiền vào tài khoản của chị và kêu chị chuyển số tiền này vào tài khoản của vợ anh ta. Nhưng chị nói tôi đã báo với ngân hàng rồi, anh ra đấy nói họ chuyển lại cho".

Cảnh giác chiêu lừa đảo "tiền gửi nhầm tài khoản" - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Đây là hành vi lừa đảo đã được cơ quan công an và báo chí thường xuyên tuyên truyền, nhưng không phải ai cũng nắm được, do vậy vẫn có người bị lừa. Cách thức lừa đảo này chủ yếu nhắm tới những người nhẹ dạ cả tin, những người để lộ thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng. Sau khi cố tình chuyển khoản nhầm tiền, đối tượng sẽ tiếp tục thực hiện các kịch bản để lừa đảo.

Anh P.V.D ở quận 7, TP.HCM kể, anh nhận được 300 triệu đồng từ tài khoản lạ, không biết ai gửi, vì anh không có giao dịch nào với ai về số tiền lớn như vậy. Một lúc sau có tin nhắn từ Messenger Facebook của người quen là người Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc cho biết anh ta vừa chuyển nhầm số tiền này vào tài khoản của anh nên nhờ chuyển lại vào số tài khoản khác. Người kia cho biết, họ chuyển tiền mua hàng hóa cho đối tác nhưng gửi nhầm vào tài khoản của anh.

Anh D tưởng thật nên không ngần ngại chuyển lại số tiền trên. Một lúc sau có người lạ gọi điện thoại đến cũng nói chuyển nhầm số tiền này cho anh và họ đọc đúng số tài khoản ngân hàng, họ tên người gửi… Anh D sửng sốt và nói rằng đã chuyển lại cho người gửi nhầm là bạn trước đó.

Sau một hồi nói qua nói lại, anh D kiểm tra tin nhắn và liên hệ với người bạn thật thì biết tài khoản Facebook của bạn mới bị kẻ xấu chiếm lấy. Sau khi đối tượng chiếm được tài khoản Facebook liền thực hiện hành vi lừa đảo và rút tiền ngay khi nhận được.

Khi phát hiện bị lừa, anh D liên hệ với ngân hàng để chặn giao dịch thì đã muộn. Bây giờ anh đang bất an vì không biết lấy đâu ra số tiền lớn như vậy để trả lại, mà không trả thì vi phạm pháp luật.

Cơ quan công an khuyến cáo, nếu bỗng dưng nhận được số tiền từ "trên trời" rơi vào tài khoản của mình, người nhận cần chủ động liên hệ sớm với ngân hàng để được hướng dẫn cách xử lý đúng pháp luật. Tuyệt đối không sử dụng số tiền này vào việc chi tiêu cá nhân; không chuyển hoàn vào một tài khoản đã chuyển hoặc tài khoản khác khi chưa có kết quả xác minh, hướng dẫn của ngân hàng hoặc cơ quan chức năng khác.

Không cung cấp thông tin bảo mật như: Mật khẩu truy cập tài khoản, mật khẩu giao dịch một lần (OTP) cho bất cứ ai (kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng) và dưới bất cứ hình thức nào. Cảnh giác với các yêu cầu truy cập đường link website, đăng nhập, cung cấp thông tin tài khoản, thông tin cá nhân. Không bấm vào đường link, tệp đính kèm, đồng thời xóa ngay các tin nhắn, email lạ này khỏi điện thoại, máy tính.

Cơ quan công an cho biết, khi có bất kỳ nghi vấn nào liên quan đến hành vi lừa đảo qua ngân hàng, cần liên hệ ngay với cơ quan công an nơi gần nhất, đồng thời thông báo ngay qua tổng đài hỗ trợ khách hàng của ngân hàng đang sử dụng để được hỗ trợ kịp thời.

Nguyễn Cảnh (CAND)