bong-dung-duoc-vay-tien-1639026912.jpg

Đó là câu chuyện anh Nguyễn Thanh Tuấn (*) ở Mỹ Đình, Nam Từ Liêm chia sẻ với VTC News, khi hàng tháng anh nhận được các cuộc gọi, tin nhắn yêu cầu thanh toán số nợ “từ trên trời rơi xuống”.

Khách hàng bị gài bẫy?

Đầu năm 2019, anh Tuấn cần tiền tiêu dùng nên đã vay của Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng (FE Credit).

“Sau khi trả hết nợ vào giữa năm 2019, tôi liên tục nhận được các cuộc gọi từ FE Credit mời chào khoản vay mới với ưu đãi về lãi suất và không cần làm hồ sơ vay nữa. Tôi nhất quyết từ chối vì không có nhu cầu”, anh Tuấn kể.

Ngày 10/8/2019, nhân viên FE Credit báo rằng anh Tuấn là một trong những khách hàng “may mắn được làm thẻ tín dụng” với hạn mức 60 triệu đồng.

“Tôi bảo mình cũng đang làm thẻ Visa của ngân hàng X. nên không có nhu cầu. Nhân viên nọ thông báo rằng FE Credit “cũng liên kết với ngân hàng X.” và họ đã có số tài khoản của tôi. Tôi khá bất ngờ vì tôi cũng chỉ mới nhận thẻ Visa này, còn chưa kích hoạt”, anh Tuấn nói.

Ngày 15/8/2019, tài khoản thẻ tín dụng ngân hàng X. của anh Tuấn phát sinh tăng 57 triệu đồng với nội dung “Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng; FE Credit giải ngân”.

Bỗng dưng 'được' vay tiền, biến thành con nợ - 1

Tin nhắn thông báo FE Credit giải ngân vào tài khoản ngân hàng X. của anh Tuấn (ảnh: NVCC)

Ngay sau đó, anh Tuấn đã liên lạc ngay với nhân viên FE Credit hỏi lý do tại sao lại chuyển tiền khi anh không chấp thuận khoản vay.

“Tôi yêu cầu cho tôi phương hướng giải quyết để huỷ khoản vay, và họ hướng dẫn đi rút tiền, nộp lại cho FE Credit thông qua cửa hàng Thế giới di động”, anh Tuấn nói.

Dù đã trả lại khoản vay nhưng đến cuối tháng 8/2019 anh Tuấn lại nhận được email sao kê tài khoản do FE Credit gửi và yêu cầu đóng hơn 6 triệu đồng “bảo hiểm khoản vay”.

“Tôi tiếp tục liên hệ với tổng đài, được thông báo do khoản vay đã giải ngân và bảo hiểm là một phần của hợp đồng nên tôi phải trả hơn 6 triệu. Họ thông báo rằng nếu tôi thắc mắc và muốn giải quyết thì lên Trung tâm bán hàng trực tiếp Miền Bắc của FE Credit tại số 47 Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân, Hà Nội – PV). Tôi bảo mình không có nhu cầu vì tôi không vay, nếu bên đó muốn giải quyết thì phải đến nhà tôi”, anh Tuấn nói.

Khoảng thời gian sau đó, anh bắt đầu bị "tra tấn" bởi những cuộc điện thoại. “Các cuộc gọi đòi nợ là nữ nói tiếng miền Nam, giọng điệu rất xấc xược, doạ nạt nếu tôi không trả sẽ có luật sư đại diện bên đó gặp để kiện. Tôi bảo thế gặp nhau tại toà đi bởi tôi không làm gì sai, chả ký tá hợp đồng gì với họ. Biết mình cứng nên họ lại chuyển sang gọi cho những người thân của tôi. Tôi cũng kể mọi người về chuyện này, bảo mọi người ai bị gọi thì đừng nghe, hoặc nếu nghe thì nói sẽ ghi âm và kiện thì họ mới thôi gọi”, anh Tuấn nói.

Đến hiện tại, nhân viên FE Credit đã ngừng việc gọi điện thoại để đe doạ nhưng hàng tháng anh Tuấn vẫn nhận được tin nhắn yêu cầu thanh toán 6.210.589 đồng.

Bỗng dưng 'được' vay tiền, biến thành con nợ - 2

Tin nhắn sao kê hàng tháng anh Tuấn nhận được (ảnh: NVCC)

“Tôi cũng hỏi một người quen làm tại ngân hàng X. thì được xác nhận lại rằng ngân hàng X. không hề liên kết hay có mối liên quan nào với FE Credit nên không thể có chuyện họ cung cấp số thẻ Visa của tôi cho FE Credit”, anh Tuấn nói.

Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, anh Nguyễn Văn Châu (*) (trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, đầu năm 2021 anh vay 20 triệu đồng với kỳ hạn 6 tháng tại FE Credit.

Sau khi tất toán khoản vay vào đầu tháng 7/2021, anh được giới thiệu gói vay qua thẻ tín dụng.

“Tôi chưa đồng ý nhận khoản vay và bảo lại với nhân viên rằng sẽ cân nhắc. Tuy nhiên một vài ngày sau bưu điện gửi đến cho tôi một thẻ tín dụng, đồng thời nhận tin nhắn của FE Credit rằng đã giải ngân gần 60 triệu đồng”, anh Châu kể.

Quá bất ngờ, anh Châu liên hệ với FE Credit báo chưa đồng ý vay sao vẫn chuyển tiền vào thì được trả lời rằng nếu khách hàng không có nhu cầu thì đừng sử dụng số tiền này sẽ không bị tính lãi. Còn nếu lo lắng thì ngày hôm sau sẽ hướng dẫn khách hàng chuyển tiền trở lại vào tài khoản của FE Credit.

Quy trình xử lý hồ sơ tại các tổ chức tài chính ra sao?

Để hiểu rõ hơn quy trình xử lý hồ sơ vay tại các tổ chức tài chính nói chung và FE Credit nói riêng, phóng viên VTC News đã tìm gặp anh Phan Văn Tú (*) chuyên viên tư vấn tài chính. Anh Tú nói mình từng có thời gian làm việc cho FE Credit.

Theo anh Tú, các công ty tài chính sẽ tiến hành quy trình xử lý hồ sơ lần lượt theo 7 bước: Nhân viên kinh doanh gọi điện tư vấn sản phẩm cho khách hàng; Gặp mặt khách hàng thu thập chứng từ làm hồ sơ; Hệ thống chấm điểm tín dụng và dùng trí tuệ nhân tạo (AI) quét dữ liệu của khách hàng; Thẩm định qua điện thoại; Thực địa; Ra quyết định phê duyệt khoản vay.

Đối với trường hợp khách hàng đã từng vay và có lịch sử tín dụng tốt như anh Tuấn và anh Châu, theo anh Tú, FE Credit sẽ duyệt trước một khoản vay và gửi thông tin cho nhân viên kinh doanh gọi tư vấn, thuyết phục khách đồng ý.

“Theo quy định thì hồ sơ vay lại vẫn thực hiện theo các bước như lần đầu. Tuy nhiên, nhiều nhân viên kinh doanh đã lách luật, sử dụng lại hồ sơ đã lưu trên hệ thống của lần vay trước”, anh Tú nói.

Hỏi về lý do tại sao anh Tuấn, anh Châu dù chưa chấp thuận khoản vay vẫn được giải ngân, anh Tú cho rằng FE Credit có thể bị chính nhân viên của mình qua mặt để chạy doanh số.

“Tôi từng nghe anh em trong nghề kháo nhau rằng nhiều sale (nhân viên kinh doanh) sẵn sàng hợp tác với những đối tượng tội phạm công nghệ cao, sử dụng thủ thuật để khi bên thẩm định gọi vào đầu số của khách, cuộc gọi sẽ được chuyển hướng về cho nhân viên sale này và họ thay khách hàng xác nhận khoản vay.

Lý do của việc này đơn giản là chạy doanh số thôi. Từ 1-3 hợp đồng vay đầu tiên giải ngân thành công thì sale nhận được 700.000 đồng, từ hợp đồng thứ 4, 5, 6 là 800.000 đồng, con số này sẽ tịnh tiến dần lên. Chưa kể cộng thêm 16% hoa hồng bảo hiểm khoản vay của mỗi hợp đồng”, anh Tú nói.

Giải thích lý do tại sao dù anh Tuấn không cung cấp số tài khoản thẻ Visa ngân hàng X. nhưng FE Credit vẫn biết và giải ngân vào đó, anh Phan Văn Tú nói: “Mọi thông tin liên quan tín dụng của mỗi người đều được cập nhật lên Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC). Tuy nhiên, ngân hàng và nhân viên tài chính chỉ được check khi có sự đồng ý của khách hàng. Trong trường hợp này, nhân viên sale có thể đã đăng nhập hoặc thuê người có tài khoản để lấy thông tin”.

“Theo đúng quy trình, nếu tiền chuyển vào thẻ tín dụng mà thẻ đó chưa kích hoạt thì sau 15 ngày không có phản hồi của khách hàng khoản vay sẽ được thu hồi. Bộ phận chăm sóc khách hàng chắc chắn biết việc này nhưng họ không có thẩm quyền giải thích cho khách hàng vì nhiệm vụ của họ chỉ giải đáp vấn đề chung. Nếu họ hướng dẫn khách những điều vượt quá thẩm quyền là ảnh hưởng đến công việc của bộ phận khác”, anh Tú nói.

FE Credit: Mọi hợp đồng đều đúng quy định

Phóng viên VTC News đã liên hệ với FE Credit để gặp người phụ trách tìm hiểu thêm thông tin, tuy nhiên đại diện đơn vị này từ chối và nói nếu có thắc mắc gì gọi đến hotline chăm sóc khách hàng.

Phóng viên liên hệ đến hotline 1900234588, để phản ánh sự việc nhiều khách hàng từ chối khoản vay nhưng vẫn được giải ngân, chị Nguyễn Thị Hương – nhân viên phòng chăm sóc khách hàng của FE Credit, khẳng định rằng mọi hợp đồng đều được tiến hành theo đúng quy định, có thể đã có sự hiểu lầm từ phía khách hàng.

Về sự việc anh Tuấn không cung cấp số tài khoản lại được giải ngân, chị Hương nói: “FE Credit không khai thác thông tin từ Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) nếu như khách hàng không cho phép. Có thể chính bên ngân hàng X. làm lộ thông tin khách hàng”.

Khách hàng cần giải quyết dứt điểm tranh chấp

Về những vấn đề liên quan đến giao dịch cho vay tài chính, PGS.TSKH Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và chính trị thế giới, nói, các hợp đồng cho vay đều phải thực hiện theo quy định, nếu khách hàng từ chối mà vẫn cố tình giải ngân thì đơn vị tài chính đã vi phạm pháp luật.

Bỗng dưng 'được' vay tiền, biến thành con nợ - 3

PGS.TSKH Võ Đại Lược

“Ngân hàng hay các công ty tài chính không được khai thác thông tin từ Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam nếu chưa có sự đồng ý của khách hàng. Sự việc FE Credit giải ngân vào số tài khoản mà khách hàng chưa hề cung cấp là đang có sự sai phạm dù đơn vị này khai thác từ nguồn nào đi chăng nữa, có thể là từ CIC hoặc chính nhân viên ngân hàng tiết lộ ra”, PGS.TSKH Võ Đại Lược nói.

Vị chuyên gia khuyến cáo: Người dân nếu đang gặp các rắc rối liên quan đến vấn đề tài chính, nếu không được các đơn vị cung cấp dịch vụ giải quyết thoả đáng thì nên nhờ sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng. Tranh chấp càng kéo dài sẽ khiến chúng ta mất thời gian, tiền bạc, bị các đối tượng thu hồi nợ khủng bố bằng nhiều hình thức, đặc biệt nếu không giải quyết dứt điểm sẽ sinh ra nợ xấu, lịch sử tín dụng xấu, ảnh hưởng đến uy tín cá nhân.

(*) Tên nhân vật đã được thay đổi.

 

ANH VĂN