Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của Việt Nam vẫn rất tiềm năng và thời gian qua đã khẳng định được vai trò là kênh huy động vốn quan trọng, hỗ trợ và “chia sẻ” rất hiệu quả cho kênh tín dụng ngân hàng.
Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khi trao đổi với báo chí về định hướng phát triển thị trường TPDN trong thời gian tới.
Thị trường TPDN của Việt Nam cần phát triển cho phát triển kinh tế
. Phóng viên:Thưa Bộ trưởng, thị trường TPDN tại Việt Nam duy trì tốc độ phát triển nhanh trong những năm gần đây. Tuy nhiên, trên thực tế kênh huy động vốn này vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng phát triển tại Việt Nam, cả về quy mô lẫn chất lượng. Bộ trưởng đánh giá thế nào về vấn đề này?
+ Bộ trưởng Hồ Đức Phớc:Thị trường TPDN của Việt Nam mặc dù đã hình thành khá lâu nhưng đúng là mới thực sự được thị trường quan tâm và phát triển trong vòng năm năm trở lại đây, nhất là 2-3 năm gần đây. Thị trường TPDN phát triển đã trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho doanh nghiệp, góp phần cân đối cơ cấu thị trường vốn, giảm sự phụ thuộc vốn trung, dài hạn quá lớn vào kênh tín dụng ngân hàng.
So với tiềm năng và tương quan với thị trường trong khu vực thì quy mô thị trường TPDN của Việt Nam vẫn còn ở mức khá khiêm tốn, chưa đạt mục tiêu đề ra.
Còn cách khá xa so với mục tiêu
Hiện nay, dư nợ toàn thị trường TPDN chỉ khoảng 15% GDP, trong đó riêng TPDN riêng lẻ là 1,204 triệu tỉ đồng, tương đương 12,8% GDP.
Trong khi đó, theo Chiến lược phát triển tài chính đến năm 2030, Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2025, dư nợ thị trường TPDN tối thiểu đạt 20% GDP và đến năm 2030 tối thiểu đạt 25% GDP. Như vậy, chúng ta vẫn còn cách khá xa so với mục tiêu mà Chính phủ đề ra.
Đối với các nước có thị trường vốn phát triển, dư nợ thị trường TPDN đều duy trì ở mức cao. Riêng trong khu vực, Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều một số nước như: Malaysia (56% GDP), Singapore (38% GDP), Thailand (25% GDP),…
Bộ trưởng Bộ Tài chính HỒ ĐỨC PHỚC
. Đó là về mặt số lượng, còn chất lượng thị trường TPDN của Việt Nam thì sao, thưa Bộ trưởng?
+ Về chất lượng, đánh giá một cách khách quan, thị trường TPDN đã có sự phát triển khá tích cực trong những năm gần đây. Chúng ta cơ bản đã xây dựng được một khung khổ pháp lý khuyến khích thị trường TPDN phát triển, hỗ trợ DN huy động vốn cho sản xuất, kinh doanh, giúp nhiều nhà đầu tư có thêm kênh đầu tư hiệu quả.
Mặc dù vậy, vì sự tăng trưởng nhanh, lại trong bối cảnh dịch COVID-19 xảy ra nên tốc độ phát triển về quy mô chưa tương xứng với chất lượng của thị trường TPDN riêng lẻ. Thị trường này đã và đang bộc lộ một số rủi ro cần được nhìn nhận chính xác, hợp lý, đúng mức độ để có giải pháp phù hợp, giúp thị trường phát triển đúng hướng, an toàn, bền vững.
Sai phạm của một số cá nhân, tổ chức không đại diện cho toàn thị trường
. Theo Bộ trưởng, làm thế nào để các bên tham gia thị trường TPDN nâng cao trách nhiệm, tính tuân thủ pháp luật, giúp tăng chất lượng, tăng tính an toàn và minh bạch?
+Chúng ta phải khẳng định rằng, việc phát triển thị trường TPDN lành mạnh, ổn định, hiệu quả, minh bạch và bền vững là rất cần thiết, góp phần tạo ra một nền tài chính đa dạng, hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn trung và dài hạn, giảm sự phụ thuộc lớn vào kênh tín dụng ngân hàng. Đây là mục tiêu đã được Chính phủ đề ra và các cơ quan quản lý, đơn vị, tổ chức liên quan quyết tâm triển khai thực hiện.
Như đã nói ở trên, dù đã có sự tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây nhưng thị trường TPDN Việt Nam mới ở giai đoạn đầu của sự phát triển. Trong quá trình đó, thị trường sẽ trải qua giai đoạn phát triển từ thấp đến cao, khởi nguồn từ “lượng” và chuyển dần sang tăng về “chất”.
Những sai phạm của một số cá nhân, tổ chức trên thị trường TPDN riêng lẻ vừa qua (như vụ Tân Hoàng Minh – Công ty An Đông - PV) là bài học quan trọng nhưng không đại diện cho toàn thị trường. Vì vậy, cần có giải pháp điều chỉnh, hướng thị trường phát triển lành mạnh hơn.
.Bộ trưởng có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
+ Trách nhiệm đầu tiên và quan trọng nhất vẫn là chủ thể phát hành. TPDN riêng lẻ chủ yếu là niềm tin, là “chữ tình” với DN. DN phát hành về nguyên tắc phải là chủ thể chịu trách nhiệm toàn bộ về các đợt phát hành. Thống kê cho thấy các ngân hàng đang nắm giữ tới 46% lượng TPDN riêng lẻ, kế đến là DN bất động sản với 37,5%… Như vậy, hai nhóm chủ thể phát hành này đã chiếm tới 83,5% lượng TPDN riêng lẻ.
Khi các chủ thể phát hành tuân thủ pháp lý cao, đề cao tính minh bạch, công bố thông tin đầy đủ và giữ chữ tín với nhà đầu tư, thanh toán đầy đủ, đúng hạn TPDN đến hạn; nhà đầu tư hiểu biết pháp luật, cẩn trọng xem xét thị trường khi mua TPDN… thì chắc chắn chất lượng phát triển của thị trường TPDN sẽ được nâng lên.
Về nhà đầu tư tham gia, quy định pháp lý đã nêu rõ chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới được phép tham gia đầu tư, giao dịch TPDN riêng lẻ. Tuy nhiên, thực tế đã có nhiều nhà đầu tư không hiểu biết hoặc phớt lờ việc đánh giá, thẩm định rủi ro về tổ chức phát hành, về rủi ro trước khi mua.
Ngoài ra, trách nhiệm còn thuộc về các đơn vị trung gian cung cấp dịch vụ TPDN riêng lẻ. Thực tế cũng đã chỉ ra một số hạn chế trong việc cung cấp dịch vụ của các công ty chứng khoán, cũng như chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính của các công ty kiểm toán. Thời gian qua, cơ quan quản lý nhà nước đã tăng cường quản lý, giám sát, thanh tra, xử lý sai phạm.
Cơ hội để thị trường sàng lọc, “gạn đục, khơi trong”
. Một vấn đề rất quan trọng trên thị trường tài chính nói chung và thị trường TPDN nói riêng đó là niềm tin. Bộ trưởng có nghĩ như vậy?
+ Niềm tin đóng vai trò rất quan trọng trên thị trường tài chính, đặc biệt là trên thị trường TPDN. Thị trường phát triển ổn định, hiệu quả, an toàn để nhà đầu tư sẵn sàng tham gia và khi đó thị trường mới có sự phát triển bền vững bởi “cung vững - cầu chắc”.
Như đã khẳng định ở trên, thị trường TPDN vẫn rất tiềm năng và cần tạo điều kiện để phát triển an toàn, minh bạch, bền vững. Dù không đại diện cho toàn thị trường nhưng những sai phạm trên thị trường TPDN riêng lẻ thời gian qua đúng là “con sâu làm rầu nồi canh”, làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư vào kênh TPDN.
Do vậy, việc lấy lại niềm tin cho thị trường cũng là trách nhiệm của nhiều cơ quan quản lý và các chủ thể tham gia thị trường như tổ chức phát hành, các tổ chức đánh giá tín nhiệm, công ty kiểm toán, các tổ chức tư vấn, phân phối…
Vừa qua, Bộ Tài chính đã tham mưu để Chính phủ ban hành Nghị định 65/2022 với nhiều điểm mới, theo hướng chặt chẽ hơn, nâng cao trách nhiệm của các bên tham gia. Chính sách mới hy vọng sẽ sớm được thị trường làm quen nhưng đây là cơ hội để thị trường sàng lọc, “gạn đục, khơi trong” tạo điều kiện cho các DN chân chính và nhà đầu tư chuyên nghiệp chân chính.
Cùng với đó, Nghị định 65 cũng đã đưa ra mốc thời gian cụ thể để khai mở vận hành thị trường TPDN thứ cấp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp niêm yết và nhà đầu tư có thể giao dịch được TPDN khi có nhu cầu. Bên cạnh đó, cũng đã có quy định để phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm và quy định chi tiết các trường hợp phải có xếp hạng mới được phát hành, tạo điều kiện cho nhà đầu tư có tham chiếu khách quan và tin cậy hơn trước khi mua TPDN.
Về mặt pháp lý, Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tín dụng, Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán,… gấp rút tổng rà soát các quy định pháp lý điển hình là Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và các văn bản có liên quan tới TPDN để phối hợp với Bộ KH&ĐT, Bộ Tư pháp trình Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung.
. Xin cám ơn Bộ trưởng.
Tạo điều kiện cho phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng
. Có ý kiến cho rằng cơ quan quản lý nên có giải pháp để phát triển thị trường TPDN tập trung, có sự quản lý. Ngược lại, nên thu hẹp dần sự phát triển của thị trường trái phiếu phát hành riêng lẻ để tránh các rủi ro khó kiểm soát. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này ra sao?
+Đúng là thị trường TPDN phát triển mạnh mẽ thời gian qua chủ yếu là TPDN phát hành riêng lẻ.Hầu hết DN lựa chọn kênh trái phiếu riêng lẻ do yêu cầu đơn giản hơn. Ngược lại, kênh phát hành TPDN ra công chúng không được DN chú trọng vì thủ tục, yêu cầu, điều kiện, tiêu chuẩn cao hơn.
Đây là thực tế chúng ta cần nhìn nhận để có các giải pháp chỉnh tiết hợp lý hơn. Chúng ta không cấm DN phát hành TPDN riêng lẻ, miễn là DN, nhà đầu tư tham gia tuân thủ đúng quy định pháp lý và theo đúng tinh thần là tự vay, tự trả và tự chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, thời gian qua đã bộc lộ hạn chế như lừa dối khách hàng, trái phiếu quá hạn không được thanh toán đầy đủ.
Thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rà soát pháp lý, tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích các DN phát hành TPDN ra công chúng. Có thể sẽ không có mục tiêu cụ thể là mở rộng hay thu hẹp thị trường nào nhưng rõ ràng việc ưu tiên phát triển các thị trường tập trung có sự quản lý hiệu quả của cơ quan nhà nước sẽ giúp thị trường TPDN phát triển minh bạch, an toàn và bền vững hơn.
CHÂN LUẬN (T/H)