Chiều 21/10, sau khi được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Đào Hồng Lan đã có cuộc trao đổi với báo chí về nhiều vấn đề của ngành.
Còn nhiều việc phải làm để vượt qua khó khăn, thử thách
Thưa Bộ trưởng, 3 tháng qua cá nhân Bộ trưởng và ngành Y tế đã xác định những nhiệm vụ quan trọng nào?
- Sau ba tháng nắm bắt công việc, xác định trong thời gian tới có nhiều việc phải làm, chúng tôi xác định những nhiệm vụ trọng tâm để vượt qua thách thức mà ngành đang phải đối mặt.
Trước hết, phải bảo vệ thành quả chống dịch Covid-19. Thứ hai, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân.
Vừa qua chúng tôi đã rà soát những gì làm được và những gì hạn chế, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến hệ thống pháp luật, thể chế trong hệ thống y tế.
Bộ Y tế vừa qua đã trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội những giải pháp về hoàn thiện pháp luật. Trong kỳ họp này, Quốc hội sẽ cho ý kiến về Luật Khám chữa bệnh, Luật Dược sửa đổi cũng sẽ được cho ý kiến để sửa căn cơ, nhằm khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế.
Luật Bảo hiểm y tế cũng rất quan trọng và Bộ đang chỉ đạo nghiên cứu để mở rộng phạm vi, quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế. Các luật và văn bản pháp luật khác cũng được tập trung rà soát.
Chúng tôi cũng tập trung giải quyết vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế trong những tháng vừa qua.
Ngòai vấn đề sửa luật, chúng tôi cũng tập trung rà soát các văn bản pháp luật khác. Bộ Y tế cũng tích cực phối hợp với Bộ KHĐT xem xét bổ sung các quy định liên quan đến đấu thầu thuốc, trang thiết bị vật tư y tế trong lần sửa Luật Đấu thầu lần này.
Đến thời điểm này, Nghị định về vấn đề phụ cấp cho cán bộ y tế cũng đã được Bộ Tư pháp thẩm định, tới đây sẽ trình Chính phủ. Đây cũng là bước động viên của Đảng và Nhà nước tới cán bộ y tế, nhất là cấp cơ sở, là tuyến đầu trong chống dịch và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Cần một loạt các giải pháp đồng bộ mới giải quyết được các vấn đề của mình
Thưa Bộ trưởng, vừa qua, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế… cũng là vấn đề nóng, bà đánh giá thế nào và Bộ Y tế đã có những giải pháp gì?
- Về vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế, trên cơ sở nhận diện được vấn đề, Bộ Y tế đã tập trung nhiều giải pháp.
Giải pháp trước mắt là ngoài việc tăng cường đẩy mạnh cấp phép giấy phép lưu hành thuốc, các phương tiện kỹ thuật, vật tư… thì chúng tôi cùng với các địa phương, bệnh viện để tháo gỡ khó khăn. Bộ đã làm việc với các địa phương, có các văn bản chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc.
Bộ Y tế chúng tôi nhận thấy, về lâu dài phải rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, từ các vấn đề liên quan đến Luật Dược, Đấu thầu, Luật Giá, rồi các nghị định… để tháo gỡ căn cơ. Để không chỉ sau Covid-19 mà còn trong tương lai, chúng ta có hành lang pháp lý vững chắc để giải quyết vấn đề này.
Chúng tôi cũng đang tập trung tổng kết Nghị quyết 30/2021 của Quốc hội. Nghị quyết này cho phép Chính phủ thực hiện các giải pháp chưa có tiền lệ. Bộ cũng chỉ đạo các địa phương chủ động tháo gỡ các khó khăn thuộc thẩm quyền.
Ngoài việc đẩy nhanh tốc độ mua sắm tập trung và đàm phán giá thuốc ra thì Bộ cũng đẩy mạnh phân cấp cho địa phương, rà soát các văn bản chưa phù hợp để điều chỉnh cho kịp thời.
Vấn đề cán bộ ngành y vừa qua nghỉ việc nhiều cũng thu hút sự quan tâm, chú ý, thưa bà?
- Đây là một hiện tượng đã xảy ra, vì sau một thời gian chống dịch kéo dài nhân viên y tế đã có một thời gian làm việc liên tục, có nhiều người không có ngày nghỉ… Khi dịch cơ bản được kiểm soát thì nhiều người có áp lực. Bên cạnh đó còn do chế độ đãi ngộ, phụ cấp… chưa bảo đảm nhu cầu.
Để tập trung khắc phục tình trạng này, Bộ Y tế đang tích cực phối hợp cùng các bộ, ngành đề xuất với Đảng, Quốc hội, Chính phủ cải thiện chế độ tiền lương cho nhân viên ngành Y tế.
Trước mắt, Bộ sẽ trình Nghị định 56 sửa đổi về phụ cấp đối với y tế dự phòng, y tế cơ sở. Rồi trong quá trình thực hiện Nghị quyết 27/2019 của Trung ương về cải cách tiền lương, Bộ cũng sẽ có những đề xuất phù hợp.
Bộ cũng mong muốn có các chính sách bảo đảm được nhân lực ngành y tế trong dài hạn cũng như cần một cơ chế tài chính y tế. Ngành y cần một loạt các giải pháp đồng bộ như thế mới giải quyết được các vấn đề của mình.
"Tôi rất tin tưởng đội ngũ lãnh đạo của bộ"
Như Bộ trưởng biết, cũng có những ý kiến băn khoăn về việc Bộ trưởng không có chuyên môn về ngành y.
- Có thể nói, khó khăn của ngành y tế nhiều và trên nhiều lĩnh vực. Với một người ngoài ngành về với Bộ Y tế như tôi thì quan trọng nhất là nhận diện được vấn đề khó khăn gì, nằm ở đâu, ở quản lý nhà nước hay vấn đề thực thi, nằm ở hay chuyên môn hay quản lý để có giải pháp phù hợp.
Về chuyên môn, tôi rất tin tưởng đội ngũ lãnh đạo của bộ, cán bộ các vụ, cục, lãnh đạo các bệnh viện, chuyên gia.
Chúng tôi tự hào là chuyên gia ngành y chúng tôi rất giỏi. Anh em có thể giúp tôi trong vấn đề chuyên môn. Còn về nhiệm vụ quản lý thì tôi cùng với tập thể lãnh đạo bộ, đội ngũ cán bộ của ngành cố gắng tháo gỡ từng khó khăn.
Chúng tôi nghĩ, thời gian vừa qua chúng tôi không đơn độc, chúng tôi luôn nhận được sự ủng hộ của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban ngành… Tất cả đều hỗ trợ cho ngành y tế phục hồi và phát triển.
Sức khỏe con người là vốn quý, không có thời đại nào lại không cần đội ngũ y – bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Chúng tôi xác định rõ trách nhiệm của mình.
Bản thân tôi khi nhận nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước phân công thì với quyết tâm cao nhất, tôi sẽ cùng với cán bộ, nhân viên ngành y tế, với sự đoàn kết của lãnh đạo bộ, các cục, vụ chuyên môn thì các khó khăn đó sẽ dần được tháo gỡ. Chúng tôi tin tưởng điều này.
Nghĩa là các khó khăn của ngành y tế sẽ sớm được tháo gỡ nhờ chúng ta nhận diện chính xác được nó?
- Đến thời điểm này, có thể những khó khăn của ngành y tế đã được ngành và Chính phủ xác định rất rõ. Khi Thủ tướng xuống làm việc với ngành Y tế gần đây cũng đã xác định 14 nhóm vấn đề cần giải quyết trong thời gian tới.
Chúng ta sống trong một thế giới luôn thay đổi thì các vấn đề sẽ luôn xuất hiện. Chúng tôi sẽ cố gắng nhiều hơn nữa trong thời gian tới đây.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!