Chuyến công tác Việt Nam của Ngài Thomas Vilsack, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ (2013-2023), giúp củng cố mối quan hệ song phương, đồng thời làm sâu sắc thêm quan hệ thương mại giữa hai nước.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho biết, cách đây 10 năm khi thiết lập quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trọng tâm là nhằm giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu.
Tuy nhiên, gần đây với những biến động của thế giới như: Đại dịch COVID-19, xung đột vũ trang, biến đổi khí hậu đã tạo ra đứt gãy trong chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu nên trọng tâm chuyển sang bảo đảm an ninh lương thực thế giới.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ chia sẻ, đây là chuyến thăm thứ 3 của ông đến Việt Nam. "Mỗi lần đến đây tôi lại có những ấn tượng mới, vô cùng mạnh mẽ về sức sống và sự vươn lên của Việt Nam trong thời gian vừa qua. Chuyến thăm của tôi nhằm trao đổi những vấn đề cả hai bên cùng quan tâm. Trước hết là việc mở rộng cơ hội hợp tác thương mại giữa hai nước đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp", Bộ trưởng Thomas Vilsack nói.
Mở rộng thị trường nông sản giữa hai nước
Bộ trưởng Thomas Vilsack nhấn mạnh đến sự kiện mở cửa thị trường cho quả bưởi chùm của Hoa Kỳ gần đây là sự kiện tiếp theo trong chuỗi hoạt động mở rộng thị trường nông sản, trái cây của hai quốc gia có thể gia nhập thị trường của nhau.
Đồng thời cho biết, hiện nay Hoa Kỳ đang hoàn thiện các thủ tục để mở cửa thị trường cho hai loại trái cây của Việt Nam là quả chanh leo và dừa nguyên vỏ.
"Chúng tôi rất cảm kích trước việc mở cửa thị trường của Việt Nam đối với các loại trái cây của Hoa Kỳ như quả đào, quýt vàng. Chúng tôi cũng tăng cường hợp tác về đào tạo và nâng cao năng lực thể hiện qua việc khai trương Trung tâm giám định gỗ của Việt Nam với sự hỗ trợ của Cục Lâm nghiệp Hoa Kỳ nhằm giúp tăng cường năng lực của Việt Nam trong giám định các loại gỗ", Bộ trưởng Thomas Vilsack chia sẻ.
Cùng nỗ lực chung bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu và thích ứng với biến đổi khí hậu
Bộ trưởng Thomas Vilsack thông tin, trong khuôn khổ cam kết giảm phát thải ròng về 0 của Việt Nam đến năm 2050, Việt Nam cũng đang tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ trong một số sáng kiến và chương trình liên quan. Đồng thời, Hoa Kỳ đã gửi lời mời Chính phủ Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tham gia Hội nghị Bộ trưởng về sáng kiến đổi mới nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu được tổ chức tại Washington từ ngày 8-10/5 tới.
Đây là sáng kiến của Hoa Kỳ và cho tới nay đã có 450 thành viên tham gia, trong đó có Việt Nam. Đây cũng là sáng kiến nhằm đẩy nhanh tiến độ thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Với sáng kiến này, Hoa Kỳ mong rằng cùng với Việt Nam có thể thúc đẩy nỗ lực giảm phát thải metan trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như tham gia chương trình về phân bón của Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ hy vọng sẽ kết nối các bên trong mạng lưới thích ứng với biến đổi khí hậu quốc tế sẽ được ra mắt trong sự kiện sắp tới ở Washington. Như vậy quá trình hợp tác của Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ được mở rộng hơn trong thời gian tới dựa trên tầm nhìn chung của hai Chính phủ cùng chia sẻ liên quan đến an ninh lương thực toàn cầu cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đối với vấn đề an ninh lương thực toàn cầu, theo Bộ trưởng Thomas Vilsack, Việt Nam đóng một trò quan trọng vì Việt Nam là một trong những nước sản xuất lúa gạo hàng đầu trên thế giới nên Mỹ tăng cường nỗ lực hợp tác và hỗ trợ giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất lúa gạo để Việt Nam có thể đóng góp cho thế giới tốt hơn.
Bộ trưởng Thomas Vilsack đánh giá, Chính phủ Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ với thực hành sản xuất lương thực bền vững cho người dân Việt Nam cũng như cho người dân toàn thế giới được thể hiện qua các cam kết quyết tâm là đưa phát thải ròng về 0 đến năm 2050. Đó cũng là mục tiêu Hoa Kỳ đã cam kết. Giữa cam kết và thực hiện cam kết là một quá trình, do đó hai quốc gia đều phải nỗ lực rất nhiều và cùng hợp tác bao gồm trao đổi thông tin, đổi mới công nghệ, cũng như khuyến khích người nông dân cởi mở hơn trong thực hành mới và thay đổi cách thức cũng như hệ thống trong sản xuất nông nghiệp.
Việt Nam quyết tâm áp dụng thực hành nông nghiệp thông minh và bền vững
Bộ trưởng Thomas Vilsack tin rằng những ưu đãi được đưa ra dựa trên thị trường, bám sát thị trường, dựa trên các bằng chứng khoa học có thể thuyết phục những người nông dân áp dụng thực hành thông minh và bền vững này. Trong quá trình thực hiện với người nông dân Hoa Kỳ từ đó sẽ chia sẻ kinh nghiệm với người nông dân Việt Nam và thế giới. Nông dân có thể lựa chọn đó có phải là thực hành mong muốn thực hiện hay không.
Bộ trưởng Thomas Vilsack bày tỏ ấn tượng về quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong việc áp dụng thực hành nông nghiệp thông minh và bền vững.
"Tôi được biết Việt Nam đang trong quá trình cải cách và hiện đại hóa pháp lý về kiểm soát an toàn sản phẩm của mình để các sản phẩm của Việt Nam được giao thương rộng rãi trên toàn thế giới. Việc có một hệ thống thương mại thực sự hiệu quả sẽ đóng góp vào an ninh lương thực toàn cầu hiệu quả và bền vững hơn", Bộ trưởng Thomas Vilsack nói.
Trao đổi về những trọng tâm hợp tác sắp tới, Bộ trưởng Thomas Vilsack cho biết, Việt Nam là thị trường lớn thứ 9 của Hoa Kỳ. Trọng tâm hợp tác là áp dụng những phương pháp đổi mới sáng tạo để tạo ra hệ thống thương mại thực sự hiệu quả và bền vững cho Việt Nam cũng như mở cửa tiếp cận thị trường cho nông dân hai nước.
Đồng thời, Hoa Kỳ sẽ tăng cường chia sẻ kiến thức chuyên môn và thông tin về thực hành tốt nhất, giúp hai nước có thể thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu một cách hiệu quả hơn; hỗ trợ hiện đại hóa cải cách hệ thống pháp lý nhằm tăng cường kiểm soát an toàn, chứng nhận giúp các sản phẩm Việt Nam tiếp cận thị trường Hoa Kỳ dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, tăng cường tổ chức giao lưu kết nối giữa các nhà sản xuất, hiệp hội, doanh nghiệp hai nước để có thể hiểu nhau rõ hơn nhằm tìm hiểu cơ hội kết nối giao thương giữa hai nước.