Tỉnh Bình Dương vừa có văn bản đề nghị tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các bên liên quan dừng thi công công trình dự án Khu dân cư dịch vụ và du lịch cù lao Tân Vạn, phường Tân Vạn, thành phố Biên Hòa vì dự án này nằm dọc theo rạch Bà Lồ (rạch này nằm giữa 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Dương) để 2 bên cùng thống nhất phương án xử lý tránh làm ảnh hưởng tới tuyến địa giới hành chính giữa 2 địa phương.
Lấn rạch Bà Lồ
Theo báo cáo của UBND thành phố Dĩ An, địa giới hành chính tỉnh Bình Dương và Đồng Nai (đoạn qua phường Bình Thắng, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương và phường Tân Vạn, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) được ký kết hiệp thương năm 2017 có đường địa giới hành chính nhận biết rõ ràng ở ngoài thực địa, không có tình trạng tranh chấp hoặc chồng lấn.
Thời điểm hiệp thương giữa 2 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai thì hiện trạng trên đất chưa có việc thực hiện dự án Khu dân cư, dịch vụ và du lịch cù lao Tân Vạn (Dự án Tân Vạn), cũng chưa có việc xây dựng tuyến bờ kè dọc theo rạch Bà Lồ. Tuy nhiên, năm 2020, 2021, người dân phản ánh Công ty Cổ phần Đầu tư Tín Nghĩa Á Châu tự ý san lấp đất, xây dựng bờ kè (bờ bên phía tỉnh Đồng Nai) để làm Dự án Tân Vạn lấn rạch Bà Lồ, đoạn chạy qua địa bàn phường Bình Thắng và phường Tân Vạn còn khoảng 30m (đối chiếu Bản đồ địa chính xác lập năm 2005 thì khoảng cách giữa 02 bờ mép của con rạch có chiều rộng từ 60-100m, có đoạn rộng 140m).
Cũng theo báo cáo của UBND thành phố Dĩ An, khi khảo sát, quy mô của tuyến rạch hiện trạng ngoài thực tế còn lại chỉ khoảng 30m (Bị phía dự án lấn chiếm từ 30m đến hơn 40m chiều ngang của rạch Bà Lồ, lấn khoảng 1/2 rạch so với ranh giới), dẫn đến ranh giới bị dịch chuyển về hướng Bình Dương.
Nếu lấy theo ranh giới là tim rạch mới, cụ thể rạch Bà Lồ giáp sông Đồng Nai đoạn giáp cù lao Tân Vạn, chiều dài khoảng 700m, rộng 65m, Tín Nghĩa Á Châu san lấp, kè lấn rạch Bà Lồ khoảng 15m.
Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Dương về tình hình sạt lở rạch Bà Lồ ngày 17/6/2022 đã làm ảnh hưởng 8 hộ gia đình bị hư hại tài sản.
Nguyên nhân sơ bộ ban đầu được xác định do bờ rạch Bà Lồ phía đối diện (địa phận tỉnh Đồng Nai) bị bồi lắng dẫn đến thay đổi dòng chảy xói về vị trí bờ rạch thuộc khu vực tổ 1, khu phố Ngãi Thắng, phường Bình Thắng, thành phố Dĩ An dẫn đến sạt lở.
Bình Dương cần Đồng Nai quan tâm xử lý vụ việc
Rạch Bà Lồ là nhánh cuối cùng tiếp nhận nước đổ về từ suối Siệp, suối Lồ Ồ, rạch Bà Hiệp để đổ ra sông Đồng Nai, đây cũng là dòng chảy chính tiêu thoát nước cho phần lớn diện tích thành phố Dĩ An.
Con rạch này còn có vai trò lớn trong điều tiết triều cường, triển khai các biện pháp phòng chống các diễn biến bất thường của thời tiết, vì vậy, tỉnh Bình Dương đã bố trí tại đây lực lượng thường trực ứng phó thiên tai để chủ động xử lý các tình huống phát sinh thuộc khu vực phường Bình Thắng, phường Bình An, Dĩ An và khu vực thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
Tuy nhiên, khi phát hiện phía bờ đối diện có doanh nghiệp san lấp, thi công xây dựng người dân đã báo cáo cơ quan chức năng có giải pháp xử lý. Nhưng lợi dụng thời điểm dịch bệnh Covid -19 bùng phát năm 2021, các hoạt động xây dựng tại đây diễn ra rầm rộ hơn, bắt đầu triển khai xây dựng kè bê tông, chỉ trong thời gian ngắn nhiều vị trí của rạch Bà Lồ bị lấn, thu hẹp chiều rộng chỉ còn ½ so với trước đây.
Một cán bộ địa chính UBND phường Bình Thắng cho biết, chỉ cần nhìn trên google map hay qua ảnh vệ tinh sẽ thấy phần đất của bờ cù lao Tân Vạn ở nhiều vị trí đã “nở nồi” ra tận giữa con rạch lớn. Còn ông L.M.N (tại khu phố Ngãi Thắng, phường Bình Thắng) bày tỏ: Kênh rạch quy luật bên lở bên bồi, nếu phía bờ Đồng Nai lấn rộng ra sông thì tất nhiên, phía đối diện, bờ rạch sẽ ăn sâu vào đất liền và nguy cơ sạt lở theo thời gian.
Đó là mối nguy hiểm tiềm ẩn đối với các hộ dân sinh sống ven rạch. Người dân sinh sống trong khu vực rất bất an khi mới đây, cách vị trí san lấp nêu trên khoảng 300m xảy ra vụ sạt lở, một số công trình và cây cối ngay bờ rạch bỗng chốc bị nhấn chìm xuống sông, rất may khi hiện tượng nứt tường nhà được phát hiện, UBND phường Bình Thắng đã di dời người dân ngay trong đêm nên không ảnh hưởng tính mạng.
Bản đồ thực tế rạch Bà Lồ (còn gọi là sông Ngọc) từ google map. |
Trước sự việc sạt lở ngày 17/6/2022, đến nay, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương tiếp tục ghi nhận việc phía thuộc địa phận Đồng Nai vẫn đang được gia cố, cơi nới bờ kè, san lấp mở rộng diện tích lấn chiếm, thu hẹp dòng chảy.
Để giải quyết vụ việc lấn rạch trên, ngành chức năng 2 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai đã nhiều lần trao đổi, hiệp thương, tuy nhiên đến nay, Trung tâm kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai không cung cấp hồ sơ và không hợp tác.
Do đó, UBND tỉnh Bình Dương đã yêu cầu UBND thành phố Dĩ An phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng tham mưu để UBND tỉnh Bình Dương đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai: Chỉ đạo cơ quan có liên quan rà soát pháp lý giao đất dự án Công ty Cổ phần Đầu tư Tín Nghĩa Á Châu; tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, buộc khôi phục trả lại hiện trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Dương cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị bố trí lịch làm việc giữa lãnh đạo 2 tỉnh để giải quyết các vấn đề tồn tại nhưng vẫn chưa được phía Đồng Nai thực sự quan tâm.
Cao Cường