Mới đây, Tập đoàn Vingroup có văn bản gửi xin dừng nghiên cứu, lập quy hoạch dự án Khu đô thị mới 3.490ha tại xã Bình Đức và xã Thạnh Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Dự án này đã được UBND tỉnh Long An đã có văn bản về chủ trương khảo sát, lập quy hoạch và đầu tư dự án khu đô thị mới của Tập đoàn Vingroup tại huyện Bến Lức từ năm 2018. Được biết, sau khi rút khỏi dự án với quy mô 3.490 ha, Vingroup đang triển khai dự án quy mô 900 ha tại Đức Hòa. Các hạng mục sẽ gồm khu nhà ở, trường học, bệnh viện….
Đầu năm 2018 Vingroup đã đưa vào hoạt động dự án Vincom với trung tâm thương mại Vincom 5 tầng và khu shophouse tại thành phố Tân An. Việc Vingroup rút khỏi dự án 3.490ha tại Bến Lức, Long An này sẽ có tác động đến thị trường bất động sản của khu vực. Bởi trước đó, ngay sau khi có thông tin Vingroup đầu tư dự án này đã có không ít nhà đầu tư đổ về đây săn tìm quỹ đất để chờ cơ hội. Bây giờ, kế hoạch đỗ vỡ sẽ khiến nhiều nhà đầu tư sa lầy.
Vingroup rút lui, bất động sản Long An điêu đứng, nhà đầu tư "chết"
Khi Vingroup bất ngờ rút khỏi sẽ khiến giá bất động sản sẽ có chiều hướng chững lại trong ngắn hạn. Việc thông tin bị rò rĩ từ giai đoạn Vingroup bất đầu những khâu đầu tiên của việc lập nghiên cứu Khu đô thị mới tại Bến Lức đã khiến cho bất động sản khu vực có những biến động tích cực khi rất nhiều Nhà đầu tư gom hàng để kiếm lời và đẩy giá bất động sản lên cao.
Với sự kiện Vingroup rút khỏi dự án Khu đô thị, dẫn đến việc giá bất động sản tại đây sẽ chững lại hoặc tệ hơn có thể suy giảm trong ngắn hạn do các nhà đầu tư có xu hướng tháo chạy hoặc không chịu nổi áp lực trong quá trình đầu tư. Thông tin khi được công bố rộng rãi sẽ làm giảm sức hút của bất động sản Bến Lức trong mắt những nhà đầu tư bị suy giảm nghiêm trọng. Những nhà đầu tư (phần lớn là đầu cơ) sẽ có xu hướng tìm những khu vực khác tiềm năng hơn.
Trước đó, vào đầu tháng 2/2020, xã Bình Ba, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng trở thành “chảo lửa” của cơn sốt đất ngay sau khi có thông tin về việc Tập đoàn Vingroup đề xuất xin khảo sát thực hiện hai dự án quy mô hơn 800ha tại đây. Thời điểm đó, mỗi ngày có hàng trăm lượt ô tô liên tục khuấy đảo các nẻo đường của vùng quê vốn bình yên để săn tìm mua đất.
Những giao dịch chớp nhoáng đã đẩy giá đất tại Bình Ba tăng đột biến chỉ trong vài ngày. Nếu như trước đây, đất mặt tiền quốc lộ 56 chỉ dao động quanh mức 200 – 250 triệu đồng/ một mét ngang thì nay đã chạm ngưỡng 550 – 600 triệu đồng/mét ngang. Nhiều lô đất trong hẻm cũng có giá bán lên tới 200 – 250 triệu đồng/mét ngang dù trước đó chỉ ở mức vài chục đến hơn trăm triệu đồng/mét.
Có trường hợp miếng đất nằm cách mặt tiền Quốc lộ 56 vài chục mét. Trước Tết chủ đất kêu bán 70 triệu đồng/mét ngang không ai mua, nhưng cơn sốt đất đã đẩy giá lên hơn 200 triệu đồng/mét ngang.
Cũng như ở Bình Ba, thông tin Vingroup đầu tư đô thị ở Thạch Thất cũng chỉ ở dạng đề xuất, ý tưởng nhưng chừng đó cũng đủ để giới “thạo tin” đổ về tìm kiếm cơ hội. Chỉ trong một thời gian ngắn giá nhà đất tại Thạch Thất tăng vọt rồi lao dốc không phanh.
Ngoài rút khỏi dự án tại Long An, Vingroup cũng rút khỏi siêu dự án Tổ hợp sân golf, khu du lịch, vui chơi giải trí, khách sạn 5 sao, khu biệt thự cao cấp tại khu vực hồ Khe Chè quy mô 270ha tại xã An Sinh, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh. Tỉnh Quảng Ninh cũng đã ra quyết định thu hồi địa điểm nghiên cứu dự án này. Lý do được đưa ra là quy hoạch chưa được phê duyệt và Tập đoàn Vingroup đề nghị không tiếp tục nghiên cứu quy hoạch.
Dự án sân Golf; khu du lịch, vui chơi giải trí, khách sạn 5 sao, biệt thự cao cấp tại khu đồi Khe Chè nằm trong danh mục kêu gọi thu hút đầu tư của tỉnh Quảng Ninh từ năm 2015. Diện tích nghiên cứu quy hoạch khoảng 270 ha, đầu tư sân golf 27 lỗ. Vốn đầu tư dự kiến do nhà đầu tư đề xuất.
Việc đầu tư ăn theo thông tin của các đại dự án lớn luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, bởi những người tham gia phần lớn là nhà đầu cơ, lướt sóng. Trong cơn sốt đất, có những người kiếm được tiền tỉ mỗi ngày nhưng có không ít người lại mắc kẹt khi sóng đất đảo chiều. Những đại dự án được đề xuất là một chuyện, nhưng có khả năng thực hiện hay không còn là một câu chuyện khác và đòi hỏi cần nhiều thời gian.
Đầu tư lướt sóng theo đám đông còn là nguyên nhân gây ra những cơn sốt ảo, đẩy giá nhà đất tăng nhanh so với giá trị thật, làm thị trường hỗn loạn. Sau cơn sốt, không chỉ các nhà đầu tư cá nhân đã ôm đất khốn đốn mà các doanh nghiệp chân chính cũng khó khăn trong việc tiếp cận quỹ đất do giá đã bị đẩy lên cao.
Ông Nguyễn Văn Hậu, CEO Asian Holding, cho biết việc đầu tư đón đầu các đại dự án lớn của những đại gia bất động sản cũng giống như con dao hai lưỡi. Điều này phụ thuộc vào mức độ chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư, nghĩa là mức độ rủi ro càng cao thì lợi nhuận thu được càng lớn và ngược lại.
Trường hợp chạy đua gom đất để đón đầu dự án nếu thuận buồn xuôi gió, đại dự án được chấp thuận đầu tư, doanh nghiệp triển khai xây dựng thì nhà đầu tư sẽ “hốt bạc” vì đã mua được quỹ đất giá rẻ trước đó. Ngược lại, nếu đại dự án không được chấp thuận, hay doanh nghiệp chỉ khảo sát rồi bỏ cuộc thì nhà đầu tư nếu ôm đất trước đó sẽ rất nguy hiểm vì khả năng thoát hàng là rất thấp. Đặc biệt, với những người sử dụng đòn bẫy tài chính để đầu tư càng rủi ro, tài sản bị chôn vùi.
Ông Hậu cho rằng, nếu nhà đầu tư muốn tham gia cuộc chơi này đòi hỏi phải là người có kinh nghiệm và nắm bắt được thông tin đa chiều. Tốt nhất chỉ nên xuống tiền khi có những cơ sở nhất định như chấp thuận chủ trương đầu tư, doanh nghiệp được giao đất. Còn nếu dự án chỉ mới ở mức khảo sát quy hoạch thì việc đầu tư đón đầu là rất rủi ro.