mot-luong-tien-lon-1658395241.jpg
Ảnh: minh họa

Ghi nhận thị trường mở ngày 20/7, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 5.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố, kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,5%. Có 343,6 tỷ đồng trúng thầu trong khi không có đáo hạn.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước chào thầu tín phiếu kỳ hạn 56 ngày. Có 6.975,4 tỷ đồng trúng thầu, lãi suất 2,3%. Trái lại, có 18.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.

Như vậy, riêng ngày hôm qua, nhà điều hành tiền tệ đã bơm ròng 11.368,2 tỷ đồng ra thị trường. Theo đó, mức lưu hành tín phiếu đã giảm xuống mức 148.304,2 tỷ đồng. Trong khi, trước đó vài phiên con số này lên tới hơn 170.000 tỷ đồng.

Mặc dù một lượng lớn tiền được trả về thị trường nhưng lãi suất liên ngân hàng lại tăng mạnh. Cụ thể, chốt phiên hôm qua, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tăng mạnh 0,04 - 0,25 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên trước đó.

Thậm chí, lãi suất liên ngân hàng hôm nay (21/7) tiếp tục có bước nhảy vọt lên mức 2,13%/năm cho kỳ hạn qua đêm. Trái lại, lãi suất USD qua đêm cùng thị trường đi ngang quanh ngưỡng 1,73%/năm. Điều này đã chấm dứt chuỗi 3 tháng liên tiếp, chênh lệch lãi suất USD và VND rơi vào trạng thái âm. Áp lực tỷ giá USD/VND cũng có phần giảm bớt.

Diễn biến đáng chú ý trên được hình thành trong bối cảnh, cuối tuần trước, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức cuộc họp tổng kết ngành ngân hàng trong 6 tháng đầu năm và định hướng hoạt động trong 6 tháng cuối năm.

Tại buổi họp, nhà điều hành tiền tệ nhấn mạnh việc duy trì mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 là 14%, tuy nhiên sẽ có bộ tiêu chí thống nhất để minh bạch phân bổ việc nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng thương mại.

Do đó, nút thắt tăng trưởng tín dụng dần được tháo gỡ khi thị trường bước vào nửa cuối năm, vốn là thời gian cao điểm cho hoạt động sản xuất kinh doanh và cho vay.

Theo VnEconomy

NDH